Cơ sở giáo dục đại học ở Gia Lai gặp khó

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo báo cáo của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh mới đây về thực trạng các cơ sở đào tạo đại học tại Gia Lai, đến nay các cơ sở này chưa phát triển lớn mạnh như dự tính ban đầu mà thậm chí ngày càng khó khăn hơn trong công tác tuyển sinh.
Tại TP. Pleiku hiện có 2 cơ sở đào tạo: Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-phân hiệu Gia Lai và Đại học Đông Á (Đà Nẵng) cơ sở tại Gia Lai với các chuyên ngành đào tạo như: Kế toán, Nông học, Lâm nghiệp, Thú y, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên môi trường, Công nghệ thực phẩm, Du lịch, Công nghệ thông tin, Quản lý khách sạn… Ngoài ra, các cơ sở đại học này còn tuyển sinh cao học thuộc chuyên ngành khối Nông-Lâm, Quản trị kinh doanh… Đến nay đã có hàng trăm sinh viên chính quy tốt nghiệp từ các cơ sở đào tạo này, trong đó hầu hết là con em địa phương.
Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-phân hiệu Gia Lai, năm học 2017-2018 có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 260 sinh viên, nhưng số thí sinh nhập học chỉ có 68 sinh viên (ảnh internet)
Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-phân hiệu Gia Lai, năm học 2017-2018 có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 260 sinh viên, nhưng số thí sinh nhập học chỉ có 68 sinh viên (ảnh internet)
Về việc chấp hành quy định của Bộ GD-ĐT của các đơn vị này, Sở GD-ĐT nhận xét: Các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn đã đảm bảo thực hiện nghiêm túc công tác tuyển sinh các bậc học, hệ đào tạo; đảm bảo kế hoạch đào tạo theo học chế tín chỉ dựa trên nhu cầu xã hội ở địa phương. Hàng năm, công tác tuyển sinh được quảng bá rộng rãi, chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và căn cứ điểm sàn của Bộ GD-ĐT quy định. Riêng cơ sở Đại học Đông Á tại địa phương có đào tạo theo hình thức vừa học vừa làm (không chính quy) và đào tạo liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên hệ cao đẳng và đại học. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh những năm gần đây ngày càng khó khăn, nhiều ngành không tuyển được sinh viên nên khó thực hiện kế hoạch đầu tư mở rộng cơ sở.
Đối với Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh-phân hiệu Gia Lai, năm học 2017-2018 có tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 260 sinh viên, nhưng số thí sinh nhập học chỉ có 68 sinh viên (hơn 26%), trong đó ngành Thú y có 40 sinh viên; Nông học 25 sinh viên; Bảo quản và chế biến nông sản thực phẩm 1 sinh viên; Lâm nghiệp 2 sinh viên. Các ngành không đủ số lượng sinh viên mở lớp, Phân hiệu phải chuyển sinh viên về đào tạo tại cơ sở chính ở TP. Hồ Chí Minh. Hiện nay, Phân hiệu còn 914 sinh viên theo học tại 20 lớp chính quy nhưng số sinh viên năm nhất chỉ có 63 em.
Năm học 2017-2018, Đại học Đông Á cơ sở tại Gia Lai (đào tạo hệ cao đẳng và đại học) không tuyển được sinh viên chính quy nào, chỉ tuyển được 35 sinh viên hệ không chính quy. Hiện nay, cơ sở này có 238 sinh viên/6 lớp theo học với 5 chuyên ngành: Kế toán, Xây dựng, Điều dưỡng, Quản trị khách sạn và Công nghệ thông tin. Trong đó, chỉ có 35 sinh viên đại học/3 lớp, còn lại là hệ cao đẳng. Riêng năm học 2018-2019, cơ sở này tiếp tục tuyển sinh theo 2 hình thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét điểm học bạ; đồng thời mở lớp đào tạo liên thông đại học cho 100 sinh viên hệ cao đẳng. Trường Đại học Đông Á hiện đã được Bộ GD-ĐT chấp thuận cho mở thêm phân hiệu tại tỉnh Đak Lak.
Theo Luật Giáo dục đại học sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua (chính thức có hiệu lực từ tháng 7-2019), quyền tự quyết của các trường đại học nước ta sẽ được mở rộng hơn. Như vậy, sự cạnh tranh trong giáo dục đại học ở nước ta sẽ bước vào quỹ đạo mới. Tất nhiên, những trường đại học uy tín đã khẳng định được chất lượng sẽ ngày càng đứng vững, đáp ứng được yêu cầu trong thời đại công nghệ 4.0. Đồng thời, những trường có chất lượng đào tạo thấp sẽ phải chấp nhận quy luật đào thải vì “sản phẩm” không được xã hội chấp nhận.
Hoàng Linh Việt

Có thể bạn quan tâm