Thời sự - Bình luận

"Có tâm" với cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Liên tục phát hiện nhiều nhóm nam nữ thanh niên tụ tập trong quán karaoke để hát hò và sử dụng ma túy tại một số tỉnh, thành đang căng mình chống dịch mấy ngày qua.

Có cả trường hợp tập trung ăn sinh nhật, thậm chí có một nhóm nhậu mừng chuẩn bị hoàn thành cách ly...

Đó là những vụ việc phát hiện được, bị xử phạt hành chính vì vi phạm các quy định về phòng chống dịch. Nhưng còn bao nhiêu vụ việc tương tự như vậy mà lực lượng chức năng không hay biết? Chưa ai trả lời được nhưng chắc chắn có. Bằng chứng là cứ mỗi đợt ra quân kiểm tra thì các lực lượng chức năng ở nơi này, nơi kia đều phanh phui thêm những vụ lén lút tập trung ăn nhậu, mua bán khi đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, kể cả vi phạm pháp luật hình sự như: đua xe trái phép, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, đá gà ăn tiền...

Phát hiện và xử lý hành vi vi phạm để răn đe luôn cần thiết nhưng nếu đúng lúc thì tốt hơn, tức là ngăn chặn từ đầu. Hiện không thiếu điều kiện về nhân sự và thẩm quyền để theo dõi, khi mà các lực lượng liên ngành, đoàn thể từ công an, y tế, quản lý đô thị, thanh niên, phụ nữ... được tổ chức một cách có hệ thống từ cấp thành phố xuống tới cấp phường, xã; dưới nữa có ấp, tổ dân phố. Dù đang có trở ngại nhất định về tâm lý đối với lực lượng chức trách (ngại đi lại, tiếp xúc...) nhưng trong điều kiện không gian phố phường thưa vắng, "ai ở đâu, ở yên đó" như đang lúc thực hiện Chỉ thị 16 hiện nay thì khá dễ để nắm bắt địa bàn, có thể biết nhất cử nhất động đáng ngờ từ cơ sở. Ngăn chặn hành vi vi phạm từ "trứng nước" sẽ hạn chế tối đa tổn thất, giảm thiểu thiệt hại. Còn khi mưu đã thành sự rồi mới can thiệp thì hậu quả vẫn khó lường, ví như các trường hợp tụ tập vừa bị xử phạt đều có nguy cơ thành ổ bệnh lây lan, phát tán dịch. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho số ca F0 trong cộng đồng vẫn còn rất nhiều.

Sát cơ sở không chỉ là để sớm phát hiện và ngăn ngừa hành vi vi phạm mà còn để nắm bắt chính xác tình hình đời sống của người dân nhằm hỗ trợ họ kịp thời, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài. Cứ mỗi lần ở các tỉnh, thành bùng dịch thì trên các group (nhóm) mạng xã hội, người dân đăng thông tin cầu cứu rất nhiều, nhất là lao động nhập cư, công nhân ở trọ. Chính mạng xã hội và cư dân tại chỗ là "tai mắt" đắc lực để lực lượng chức trách nắm thông tin, tổ chức cứu trợ; qua đó đề xuất chủ trương, chính sách... phù hợp dành cho các nhóm đối tượng yếu thế.

Sát cơ sở và đừng vô cảm! Đành rằng tình hình đang căng thẳng, quá tải nhưng không có nghĩa là vì lý do đó mà được quyền bỏ bê người dân, như trường hợp một bệnh nhân đã tử vong sau khi bị 5 cơ sở y tế từ chối tiếp nhận cấp cứu ở Bình Dương (đang làm rõ trách nhiệm). Ở TP HCM hiện nay, tình trạng nhiều F0 hoặc người thân F0 điều trị tại nhà liên lạc không được y tế phường là khá phổ biến. Chẳng biết kêu ai, họ đăng lên mạng và gọi tới báo, đài để cầu cứu. Và khi y tế phường xuống tới nhà thì không còn đủ thời gian "vàng" để chuyển viện, có chuyển cũng không kịp cho các tuyến trên cứu mạng bệnh nhân nữa...!

Theo AN QUÝ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm