Cô thủ khoa với mong muốn "truyền lửa cho học sinh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đợt thi đại học, cao đẳng 2014 vừa qua, trong khi bạn bè chọn thi nhiều trường, nhiều khối thì Trịnh Lam Khuê, học sinh lớp 12C2A Trường THPT Chuyên Hùng Vương chỉ chọn thi vào duy nhất một trường là Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng. Và với tổng điểm 33 (trong đó môn tiếng Anh đạt 9,25 điểm, nhân đôi hệ số), Lam Khuê đã trở thành thủ khoa của trường.

Đây có lẽ cũng là điều không quá bất ngờ đối với một học sinh giỏi suốt 12 năm liền; riêng điểm trung bình môn tiếng Anh lớp 12 của cô học trò chuyên tiếng Anh này là 9,4.

 

Thủ khoa Trịnh Lam Khuê. Ảnh: Phương Duyên
Thủ khoa Trịnh Lam Khuê. Ảnh: Phương Duyên

Nói về lựa chọn nghề nghiệp tương lai khi quyết định thi vào ngành Sư phạm tiếng Anh (Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng), Lam Khuê cho biết truyền thống gia đình không ảnh hưởng đến quyết định của mình. Nói vậy là bởi tân thủ khoa là con gái của 2 nhà giáo: TS. Toán học Trịnh Đào Chiến-Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai và cô Nguyễn Thị Thanh Vân-Giáo viên Ngữ văn Trường THCS Nguyễn Huệ (TP. Pleiku). Chọn học sư phạm, theo Lam Khuê, là vì ngành học phù hợp với tính cách của em-vốn dĩ không quá sôi nổi, không thích đám đông. Tuy nhiên, với Khuê, gia đình là nguồn động lực rất lớn trong cuộc sống thông qua việc tạo mọi điều kiện tối đa, khuyến khích trong mọi lựa chọn nghề nghiệp cũng như theo đuổi sở thích. Còn việc theo học tại Đà Nẵng, theo lý giải cô bạn khá chững chạc này là vì “Đà Nẵng là một thành phố rất đáng sống. Thành phố này có sự sôi động nhưng vẫn có những góc đủ tĩnh lặng…”.

Chia sẻ về phương pháp học tập của mình, Lam Khuê cho biết mình không có bí quyết gì đặc biệt mà chỉ xác định ôn tập một cách thoải mái, không gò bó, không tự gây áp lực với lối học khá “tài tử”: Có lúc… chơi không, có khi tập trung học cả ngày. Đối với môn tiếng Anh, Khuê ôn tập bằng cách làm tất cả các dạng bài tập, sau đó đối chiếu với đáp án, câu nào sai thì ghi vào sổ tay rồi làm đi làm lại đến khi nào nhớ mới thôi. Đây cũng là cách học đối với môn Toán, môn được Khuê xem là khó nhất. Còn với Ngữ văn, em chủ yếu học trong sách giáo khoa; đồng thời tìm hiểu thêm về thời sự, xã hội thông qua sách báo. Đây chính là nguồn tư liệu phong phú, dồi dào, bổ trợ không ít cho những đề thi Ngữ văn vốn theo xu hướng mở như lâu nay. Vì thế, với một câu trong đề thi yêu cầu thể hiện chủ kiến trước ý kiến “Cống hiến hết mình, hưởng thụ tối đa”, Lam Khuê đã nêu những suy nghĩ rất chín chắn khi cho rằng: Cống hiến hết mình là không chỉ đóng góp sức lao động để làm nên những giá trị vật chất, tinh thần cho xã hội mà còn là chia sẻ trái tim mình đối với những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Và sau tất cả những điều đó, hưởng thụ tối đa chính là “cống hiến” cho bản thân, đem lại niềm vui cho bản thân mình.

Phong thái chững chạc, nhiệt tình trong các hoạt động của Đoàn trường, đặc biệt là trong vai trò người dẫn chương trình của các buổi văn nghệ, thích ca hát và chơi được đàn violin… cũng là những gì mà thầy cô và bạn bè thường nhớ đến khi nói về Lam Khuê. Cô bạn thủ khoa đa tài chia sẻ về những nghĩ suy cho tương lai: “Sau này khi trở thành một giáo viên em sẽ cố gắng truyền lửa cho học sinh của mình. Vì em đã may mắn được học với những người thầy đã truyền cảm hứng cho mình trong học tập và trong cuộc sống…”.  

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm