Bắt cáy trong rừng ngập mặn. |
Lội bùn cũng chẳng quản công
Dòng chảy miên man của sông Mã hòa cùng cửa biển Lạch Trào, bãi nổi Cồn Trường (xã Hoằng Châu, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) đã hình thành từ bao đời, như một món quà quý giá từ thiên nhiên.
Cồn Trường, với diện tích hơn 300 ha nuôi trồng thủy sản và hơn 106 ha rừng ngập mặn xanh tốt quanh năm, lá chắn sóng nơi cửa biển Lạch Trào, bảo vệ hệ thống đê điều trước những mùa mưa bão. Dưới tán rừng, bãi lầy còn là “lồng” ấp nở, tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, là nơi trú ngụ của các đàn cò, chim muông.
Ông Trương Văn Thịnh, thôn Trung Hòa, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa), đã nhiều năm gắn bó với bãi nổi. Hằng ngày, ông đi thuyền qua cồn để trông nom, chăm sóc đầm tôm của mình. Ông Thịnh cho biết, diện tích này được chia thành các ô, thửa lớn, nhỏ khác nhau, được xã giao khoán thầu cho các hộ. Người dân nuôi theo hình thức quảng canh, đa con, đa canh, đa thời vụ với con nuôi chủ yếu là tôm sú, cua. Ngoài tôm, cua, nhiều loài thủy sản đặc trưng khác như rau câu, cá đối, cá bống, tôm rảo... cũng mang lại nguồn thu thường xuyên cho các hộ.
Nhưng ở một phía khác, không nhiều thuận lợi như được giao đất, được xác nhận của xã, của thôn, thí dụ như 106 ha rừng ngập mặn? Ông Thịnh bình luận: “Đó là khu vực dành cho những người nông nhàn, kiếm thêm thu nhập. Cũng có thể dành cho những ai “sa cơ lỡ vận” cũng tìm được một cơ hội kiếm sống tạm thời cho mình”.
Ngược về phía bắc, những cánh rừng ngập mặn thuộc xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc là một nơi hoang hóa, người ở đây dựa theo con nước. Họ có thể phải đằm mình trong trưa nắng hoặc bì bõm trong màn đêm tĩnh lặng, lắng tiếng bước chân của những người lao động di chuyển một cách thận trọng trong rừng. Họ mang theo xô, thùng xốp, túi lưới và cưỡi những chiếc xe tự chế là tấm ván gỗ rộng khoảng 30 cm và dài 1 m, có tay nắm hai bên. Một chân đứng trên ván, chân còn lại đạp bùn để đẩy ván lao đi, tay nắm điều khiển hướng đi.
Anh Bùi Văn Năm, ở thôn Đông Hải (Đa Lộc, Hậu Lộc), cho biết: “Bãi bùn này lầy lội tới gần nửa thân người, đi bộ thì chỉ đi được khoảng 100 m là quỵ. Dùng xe lướt bùn này giúp công việc của bà con đỡ vất vả hơn rất nhiều. Mỗi cú đạp của người đàn ông có thể đẩy xe đi xa tới 3 m”.
Anh Năm có nhà gần đê, hầu như ngày nào cũng có mặt ở bãi bồi. Gia đình anh có 70 cái lú bắt cá hình phễu và một chiếc thuyền nhỏ. Bất kể ngày đêm, khi nước đầy, anh chị lại ra thả lú, nước rút thì lại đi thu lú về.
“Bẫy” cá ven rừng ngập mặn. |
Những vui buồn với rừng ngập mặn
Hậu Lộc từ lâu được mệnh danh là nơi có mật độ dân số vào hàng đầu Việt Nam (38.380 người/km2). Tuy nhiên, dân cư phần nhiều tập trung ở xã Ngư Lộc. Phía bắc Hậu Lộc, gần cửa Lạch Trường - bên này Hậu Lộc, bên kia Nga Sơn sẽ thấy cánh rừng xanh non vươn ra biển. Người dân Đa Lộc không đi biển nhưng vẫn hưởng một chút lộc của biển.
Anh Năm chia sẻ: “Sống gần biển, chỉ cần chịu khó thì không lo thiếu ăn. Như mùa này, mỗi đêm kiếm vài trăm nghìn đồng là chuyện bình thường. Đồ ăn hằng ngày chỉ cần ra bãi xắn bùn là có nồi cá kho, bát canh ngon lành. Khi “trúng mánh” được nhiều cua, cá ngát, kiếm tiền triệu cũng là chuyện thường”.
Bà Lê Thị Chiên, ở thôn Ninh Phú (Đa Lộc), thường xuyên có mặt tại bãi bồi để bắt còng, cáy. Bà kể: “Con còng, cáy thường làm tổ dưới đất, khi đi kiếm ăn mới bò lên. Chúng bò rất nhanh, khi thấy động liền chui vào lỗ hoặc trèo lên cây. Khi rừng ngập mặn mở rộng, nguồn cáy dưới bùn đất cũng dồi dào hơn”.
Bà Chiên được xem là người “liều” và “lì” nhất bãi bồi. Dù mưa, nắng, hay giông gió, bà đều có mặt trong bãi bồi. Lý do nào khiến bà lại liều như vậy? Bà Chiên cười xòa: “Ở nhà, người ta kêu mần chi cũng ngại. Đi làm không chỉ tính giờ, tính công mà còn phải tính luôn bữa đó họ vui hay buồn để mình còn ứng xử. Tui chán cái cảnh đó, nên đi bắt cua, bắt cáy… cho tự do vẫy vùng”.
Mặt trời lên cao, con nước ròng gần sát đáy bãi bồi, những chiếc trượt bùn lại tiến gần về bờ, mang theo vẹm, cáy, cua, quéo, cá còi, tôm... Trên đê, các thương lái đã đợi sẵn.
Chị Nguyễn Thị Tình chuyên thu mua, cho hay: “Bữa nay, vợ chồng anh Năm cân được gần 19 cân cá tạp, 2,7 kg cua, 5 cân tôm tép, chưa kể còng, cáy, ốc, vẹm, tổng thu hơn 1 triệu đồng. Bà Chiên thì kiếm được hơn 5 cân còng cáy, được 250.000 đồng”. Nói về những thực phẩm từ rừng ngập mặn, chị Tình cho biết: “Thị trường Hà Nội, Hải Phòng rất thích những thứ này. Bao nhiêu cũng cân hết”.
Mỗi ngày là một niềm vui
Cuộc sống mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn không chỉ giúp các gia đình ven biển ổn định mà còn thể hiện tinh thần lao động cần cù, vượt khó của người dân. Họ không chỉ bắt cá, bắt cua, mà còn là những người bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên ban tặng.
Ông Trương Văn Thịnh cho rằng: “Nhờ tán rừng ngập mặn, mà bà con trong các huyện miền biển xứ Thanh được nhờ nhiều lắm. Có cơm ăn, áo mặc, con cái được học hành đầy đủ. Những ngôi nhà khang trang, con đường làng được xây dựng từ công sức của họ. Đây cũng chính là tấm lòng, sự cố gắng không ngừng nghỉ của những người lao động địa phương dựa vào nguồn lợi tự nhiên”.
Qua câu chuyện của bà Chiên, anh Năm, ông Thịnh và những người lao động khác, thấy được sức mạnh, sự kiên cường và tinh thần vượt khó của người dân miền biển. Những tán rừng ngập mặn không chỉ là nguồn sống mà còn là niềm tự hào của họ.
Mưu sinh gắn với rừng và hiểu rừng, thuộc lòng những lời giảng của nhiều chuyên gia lâm nghiệp, anh Năm cho hay: “Rừng ngập mặn không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn có giá trị môi trường rất lớn. Chúng giúp bảo vệ bờ biển, chống xói mòn, tạo môi trường sống cho nhiều loài sinh vật. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn còn giúp điều hòa khí hậu, giảm tác động của biến đổi khí hậu”.
Cuộc sống mưu sinh dưới tán rừng ngập mặn là câu chuyện gắn liền với bảo vệ rừng. Nằm ở vị trí cửa sông Lạch Sung và Lạch Càn, hai xã Nga Tân và Nga Thủy thuộc huyện Nga Sơn có tổng diện tích rừng ngập mặn lên đến hơn 340 ha, là một trong những khu vực có hệ sinh thái phong phú của huyện và tỉnh. Một đại diện của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Vai trò của rừng ngập mặn đã được khẳng định qua thực tế, đặc biệt là trong những năm gần đây khi biến đổi khí hậu trở nên rõ rệt. Việc dựa vào cộng đồng để bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn chính là bảo vệ môi trường sinh thái và giảm nhẹ các tác động của thiên tai”.