Phóng sự - Ký sự

Côn Đảo - Bài ca lạc quan bất tận!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hệ thống nhà tù Côn Đảo được thực dân đế quốc lập ra với sự dã man tàn khốc nhất, hòng đánh gục ý chí và phẩm giá của những người yêu nước Việt Nam, song kẻ thù không thể ngờ chính trong “địa ngục trần gian” này lại tỏa sáng rực rỡ ngọn lửa vĩnh cửu của tinh thần dân tộc và bản sắc văn hóa Việt Nam.

 Hàng ngàn du khách viếng thăm mộ anh hùng Võ Thị Sáu mỗi ngày
Hàng ngàn du khách viếng thăm mộ anh hùng Võ Thị Sáu mỗi ngày


Nhà tù Phú Hải là nhà tù lâu đời nhất ở Côn Đảo.

Nhà tù Phú Hải được xây dựng vào năm 1862, diện tích 12.025 m vuông, có 10 phòng giam tập thể chia thành 2 dãy, 1 phòng giam đặc biệt, 20 hầm đá, 1 hầm xay lúa, 1 khu phá đá.

Nhà tù Phú Hải chủ yếu để giam giữ tra tấn tù chính trị, những nhân vật lãnh đạo chủ chốt của cách mạng Việt Nam. Rất nhiều lãnh tụ đã từng bị giam giữ tại nhà tù vô cùng kiên cố này, trong đó nổi bật là các trí thức Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, rồi tới Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tổng Bí thư Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn An Ninh…

Biến đá thành... thơ

Những người tù từng trải qua nhà giam này kể rằng khu nhà lao biệt giam kiên cố (thường gọi là xà lim), chỉ giam giữ một tù nhân, phòng không có chút ánh nắng nào. Đây là khu vực nguy hiểm nhất. Chỉ cần địch “bỏ quên” không cho ăn, không cho uống nước vài ngày thì tù nhân sẽ kiệt sức mà chết. Tiếp sau đó là hầm xay lúa và khu phá đá. Những lao động cực hình cũng khiến cho tù nhân chính trị bị đổ bệnh, chết vì kiệt sức.

 

Phòng giam tập thể trại Phú Hải được tái hiện phục vụ khách tham quan, nghiên cứu
Phòng giam tập thể trại Phú Hải được tái hiện phục vụ khách tham quan, nghiên cứu


Ngày nay, đến nhà tù Phú Hải, chúng tôi vẫn còn thấy khu vực đập đá của tù nhân, được bao quanh bởi tường cao. Đó là một bãi đất trống, không một bóng cây. Ngay sát khu đập đá chính là các xà lim giam cầm những người lãnh đạo kiên cường nhất. Xà lim giam Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng nằm sát với khu đập đá và có thể nghe rõ tiếng phá đá ở ngoài sân.

Chí sĩ Phan Chu Trinh đã bị thực dân Pháp kết án đày ra Côn Đảo với án tù chung thân năm 1908. Chế độ nhà tù hà khắc khiến ông gầy gò trơ xương, rụng hết răng cửa. Chúng lại bắt chí sĩ Phan Chu Trinh đập đá tại khu vực phá đá, giữa thời tiết nắng nóng.


 

Bãi đập đá dành cho tù nhân trại Phú Hải
Bãi đập đá dành cho tù nhân trại Phú Hải


Chí sĩ Phan Chu Trinh không hề bị nao núng, ông đã viết nên bài thơ “Đập đá”.

Đập đá

Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn

Lừng lẫy làm cho lở núi non

Xách búa đánh tan năm bảy đống

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi

Mưa nắng càng bền dạ sắt son

Những kẻ vá trời khi lỡ bước

Gian nan chi kể sự con con.



 

Bài thơ
Bài thơ "Đập đá" với thủ bút và chữ ký của chí sĩ Phan Chu Trinh được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo



Thực dân Pháp, sau khi không thể dùng cực hình của nhà tù Côn Đảo bẻ gãy tinh thần yêu nước của chí sĩ Phan Chu Trinh, cộng với phong trào đấu tranh đòi thả chí sĩ diễn ra khắp nước và đơn thư của trí thức gửi lên đến tận quốc hội Pháp, cuối cùng năm 1910, nhà cầm quyền Đông Dương buộc phải thả chí sĩ Phan Chu Trinh.

Tiếng hát Võ Thị Sáu

Theo tiểu sử chị Võ Thị Sáu của huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), chị Võ Thị Sáu, sinh năm 1933 trong một gia đình nghèo ở Đất Đỏ, cha làm nghề đánh xe ngựa, mẹ bán bún tại chợ Đất Đỏ. Năm 1949, chị tham gia công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1949 chị dùng lựu đạn phá cuộc mít tinh tuyên truyền của Pháp. Tháng 12/1949, chị Sáu bị bắt khi trên đường đi công tác.

Thực dân Pháp kết án tử hình và đày chị Sáu ra Côn Đảo. Chị Võ Thị Sáu bị địch xử bắn tại Côn Đảo vào sáng ngày 23/01/1952, trở thành người nữ tử tù đầu tiên và cũng là nhỏ tuổi nhất. Chị Võ Thị Sáu đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào ngày 02/08/1993.

Hiện ngành bảo tàng Côn Đảo còn lưu giữ được chiếc nồi đồng mà gia đình chị Sáu thường sử dụng và chiếc lu đựng nước từng "che chở" chị Sáu hoạt động.

 

 Chiếc lu đựng nước mà chị Sáu đã trốn sau khi ném lựu đạn vào quân Pháp
Chiếc lu đựng nước mà chị Sáu đã trốn sau khi ném lựu đạn vào quân Pháp


Theo một số người dân thị trấn Đất Đỏ nói với phóng viên thì: “Sau khi ném lựu đạn vào quân Pháp, chị Sáu đã trốn trong lu đựng nước (vốn khá phổ biến thời đó). Chiếc lu đặt ở khu nhà cũ, ngay cạnh đình chợ. Nhờ sự che chở của người dân nên chị Sáu đã không bị địch bắt vào hôm ném lựu đạn. Nhưng, một thời gian sau, chị Sáu bị địch mai phục và bắt trên đường chị đang di chuyển đến địa điểm hoạt động mới”.

Khu di tích Sở Cò (Sở Cảnh sát, xây dựng năm 1929) tại Côn Đảo là nơi địch giam giữ Võ Thị Sáu tại Côn Đảo.

Sở Cò có tổng diện tích là 1.516,2m2, gồm tòa nhà Chính, nhà phụ thuộc và 2 xà lim.

 

Vượt lên tất cả, người ta vẫn thấy nơi đây luôn thấm đẫm tinh thần chiến đấu, khát khao tự do như những phẩm giá đẹp đẽ của con người Việt Nam.

Hai xà lim hiện vẫn được bảo tồn và có tấm biển ghi rõ: “Sáng 22/1/1952, chiếc hải vận hạm chở Võ Thị Sáu – Người nữ tử tù chính trị đầu tiên và duy nhất thời thực dân Pháp cai trị, cùng với 40 tù án chính trị và 3 tử tù nữa đến Côn Đảo. Lúc bấy giờ các khám giam ở Côn Đảo không có nữ tù, giám thị trưởng Passi được lệnh của chúa đảo cho tốp lính lê dương giải Võ Thị Sáu về giam riêng tại xà lim này và giao việc canh giữ cho chủ sở cò”.

Tài liệu cũng ghi rõ: “Võ Thị Sáu đã hát suốt đêm những bài hát hào hùng của cuộc kháng chiến: Lên đàng; Cùng nhau đi hồng binh; Tiến quân ca… Rạng sáng ngày 23/1/1952 Võ Thị Sáu bị áp giải ra pháp trường hành quyết”.


 

 Xà lim Sở Cò - nơi chị Sáu bị giam giữ trước khi ra pháp trường.
Xà lim Sở Cò - nơi chị Sáu bị giam giữ trước khi ra pháp trường.


Bà Triệu có câu nói nổi tiếng: “Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Chị Võ Thị Sáu đã nối tiếp bước bà Trưng, bà Triệu làm tấm gương yêu nước được ngưỡng mộ.

Nhân viên bảo tàng Côn Đảo cho biết: “Mỗi ngày có hàng ngàn du khách tới Côn Đảo dâng hương anh hùng Võ Thị Sáu”.

Bản sắc lạc quan của Côn Đảo

Theo số liệu ước tính có khoảng 20.000 tù nhân đã chết ở Côn Đảo trong quá trình hơn một thế kỷ mà thực dân đế quốc biến nơi đây thành nhà tù. Song, vượt lên tất cả, người ta vẫn thấy nơi đây luôn thấm đẫm tinh thần chiến đấu, khát khao tự do như những phẩm giá đẹp đẽ của con người Việt Nam.


 

Hàng vạn tù nhân đã vĩnh viễn nằm lại trong các nhà tù Côn Đảo
Hàng vạn tù nhân đã vĩnh viễn nằm lại trong các nhà tù Côn Đảo


Bảo tàng Côn Đảo hiện lưu giữ rất nhiều những tờ báo tường, những bài viết, những bài học của các tù nhân đã biến ngục tù thành trường học lớn nhất. Các chi bộ trong tù vẫn tồn tại và nhiều đảng viên từng được kết nạp trong tù, lớp cha trước lớp con sau.

Mọi thứ được biến thành nhạc cụ, đó là một cây sáo tự làm, đến cây đàn gửi từ đất liền, bộ tóc giả để diễn văn nghệ, thậm chí súng giả cũng được sáng tạo làm đạo cụ.

 

Sáo và đàn violon được các tù nhân làm tại Côn Đảo (Hiện vật của Bảo tàng Côn Đảo)
Sáo và đàn violon được các tù nhân làm tại Côn Đảo (Hiện vật của Bảo tàng Côn Đảo)



Rất nhiều bức vẽ Bác Hồ được họa từ trí nhớ, thậm chí trí tưởng tượng. Có những cuộc kỷ niệm ngày sinh nhật Bác bị địch dìm trong lựu đạn cay, hỏa tiễn… nhiều tù nhân hy sinh, hiện mộ của họ vẫn còn ở nghĩa trang Hàng Dương trên đảo.

 

Bức tranh Bác Hồ được vẽ trong trại Chuồng Bò, Côn Đảo năm 1971.
Bức tranh Bác Hồ được vẽ trong trại Chuồng Bò, Côn Đảo năm 1971.



Cựu tù Côn Đảo, cô Nguyễn Thị Ni kể rằng: “Chúng tôi không đầu hàng, không chấp nhận chiêu hồi, địch quăng lựu đạn, phóng hỏa tiễn vào khiến nhiều nữ tù nhân hy sinh. Chúng tôi vẫn không nao núng, khắp trại giam vẫn vang lên tiếng đả đảo!”.

Vì độc lập tự do, hòa bình thống nhất đất nước, những chiến sĩ cách mạng đặc biệt các nữ tù nhân đã không quản ngại hy sinh. Cô Nguyễn Thị Ni nói: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh theo gương chị Võ Thị Sáu, anh Nguyễn Văn Trỗi cho mát ruột chứ không bao giờ đầu hàng”.


 

Có lẽ không nơi nào trên thế giới lại có một điểm du lịch mà phần nhiều người ta tới để bày tỏ sự tôn kính, ngưỡng mộ các tù nhân, những người anh hùng đã ngã xuống vì dân tộc như du lịch Côn Đảo.


Vĩ thanh

Các bác quản trang nghĩa trang Hàng Dương cho biết: “Hàng ngày có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người từ khắp đất nước về dâng hương cho các liệt sĩ, đặc biệt là dâng hương cho anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu”.

Có lẽ không nơi nào trên thế giới lại có một điểm du lịch mà phần nhiều người ta tới để bày tỏ sự tôn kính, ngưỡng mộ các tù nhân, những người anh hùng đã ngã xuống vì dân tộc như du lịch Côn Đảo. Chị Dung, một trí thức Hà Nội ngồi trầm tư ở nghĩa trang Hàng Dương cho biết: “Tôi đã 4 lần tới Côn Đảo và lần nào cũng dâng hương cho các liệt sĩ nơi đây”.

 

Du lịch Côn Đảo, thăm các nhà tù Côn Đảo
Du lịch Côn Đảo, thăm các nhà tù Côn Đảo.


Bà Nguyễn Thụy Nga - Phó chủ tịch huyện Côn Đảo, nói với chúng tôi: “Du lịch Côn Đảo là du lịch tâm linh, du lịch về nguồn. Tất cả các khách đến đây đều ngưỡng mộ và tôn vinh văn hóa, lịch sử đấu tranh của Côn Đảo”.

Theo bà Nga, vào mùa du lịch, đặc biệt dịp diễn ra giải Tiền Phong marathon 2022 này, các phòng khách sạn trên đảo đều kín khách.

 

Nữ cựu tù nhân Nguyễn Thị Ni kể chuyện với các phóng viên Tiền Phong tại Côn Đảo tháng 3/2022.
Nữ cựu tù nhân Nguyễn Thị Ni kể chuyện với các phóng viên Tiền Phong tại Côn Đảo tháng 3/2022.


Bà Nguyễn Thị Ni, cựu tù Côn Đảo, nói rằng: “Chiến tranh đã qua đi, chúng ta đều khép lại quá khứ và mở ra tương lai. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng lớp trẻ sẽ không quên những nỗ lực, những hy sinh của các lớp cha ông ngày trước để đất nước được phát triển và đẹp đẽ như ngày nay”.
 

“Chiến tranh đã qua đi, chúng ta đều khép lại quá khứ và mở ra tương lai. Nhưng chúng tôi cũng hy vọng lớp trẻ sẽ không quên những nỗ lực, những hy sinh của các lớp cha ông ngày trước để đất nước được phát triển và đẹp đẽ như ngày nay”.

Theo Trọng Tài - Cảnh Huệ - Trường Phong - Như Ý - Nguyên Anh (TPO)
 

Có thể bạn quan tâm