(GLO)- Ka Hòi luồn lách trong nhằng nhịt thảo mộc nguyên sinh. Tay em gạt cây dại như người nơi sông nước chèo xuồng trong đêm vắng, thoăn thoắt, nhuyễn nhừ, đơn giản như người ta thở.
Em đang đi tìm măng. Bụng em đã to thế kia, trườn xuống vực, leo lên núi cao bằng phép màu nào thế. Ở thị thành, thiên hạ khi mang bầu họ trở thành nữ hoàng tại gia, nhất cử nhất động đều được mọi người lo lắng, coi sóc như hứng hoa. Sao sinh mệnh của em treo lơ lửng bên vực thẳm. Sự xác lập cưng như cưng trứng không có ở nơi này. Cái bào thai bên trong không biết có van nài: “Mei (mẹ) ơi, con muốn nghỉ!”. Nó đã lao động cùng em ngay khi còn nằm trong đó. Nó sẽ là đứa con của núi.
Ảnh: N.H.T |
Ở đây, không có chỗ cho sự tha thướt hay mềm yếu. Cũng không có chỗ cho sự mơ mộng. Ta vừa theo em vừa thở, rã rời, đứng sựng nhìn bao lượt. Còn em thì không. Hay em có một kiểu thở nào đó để thích ứng. Chân em thi thoảng vấp phải những cây bụi lớn, nghiêng người, suýt ngã. Ngay tức khắc em lại đứng thẳng, vững chãi, lượn, bước đi tựa gió qua kẽ lá. Em không biết mệt hay em giấu được cái mệt. Nhưng dù gì thì mồ hôi cũng sũng ướt trên quần áo em như ta rồi kìa. Rừng núi quanh đèo Bảo Lộc cùng vách đá thiêng Sang Los em đã bỏ lại đằng sau, mà giờ dưới đáy vực này nhìn lên thì nó đã thành đỉnh núi, cao chót vót, chạm vào mây. Con suối Da Mbreh vẫn chảy và vẫn reo ca như ngàn triệu năm qua, không biết có làm em thăng hoa, yêu đời. Nó không biết rừng núi là chỗ mà con người hiện đại vẫn còn kiếm ăn với những vật phẩm li ti. Dĩ nhiên em không cần nghe tiếng suối, dù nó đang sát chân em. Trước đây, những trũng sình dưới chân hai bên các vách núi vùng này mei, bạp (cha) của em còn đến trồng lúa nước vào mùa mưa. Cơ hội đó đã khép lại khi thế nhân đưa tất cả sinh cảnh quanh đây vào “rừng bảo vệ đầu nguồn” và họ quên mất đặc tính sản xuất và văn hóa thuần lâm của người sơn nguyên bản địa. Đặc tính truyền thống của người Mạ không có phá rừng, khai thác hàng loạt, dọn sạch thảo mộc, hay du canh du cư, mà chỉ có thể sống quẩn quanh một ngọn núi chính, nương theo rừng, tựa vào rừng để lẩy ra những lát mỏng vật chất, chút, góc nào đó để mưu sinh.
Có ngàn lối để sinh tồn trên đời này. Ánh nhìn em không bỏ sót cái gì nơi mặt rừng. Em soi mắt mình vào từng đám cây bụi hy vọng nhìn thấy những bụi măng nhô lên mặt đất. Đó là rau sạch, tuyệt đỉnh sạch, tinh khiết, đầu nguồn, của thiên nhiên hoang dã. Là nó được trằn trọc nhuận thành, tổng hợp chất tự nhiên, được hấp thụ thổ khí, dưỡng khoáng, gió nước giữa trời cao, khe sâu cùng vực thẳm. Sao em chỉ bẻ măng mà không thấy nói gì. Em đấu tranh sinh tồn sao nổi với ngàn sâu thăm thẳm; em cạnh tranh sao nổi với những “đồng nghiệp” cùng đi bẻ măng như mình. Thế mà rời rừng, lúc nào cũng đầy một gùi to trên lưng. Chắc nhờ mùa mưa nên núi rừng hào phóng, không bỏ rơi ai, kể cả với hiện trạng cơ thể như em. Hình bóng em lẫn vào chiếc gùi. Đã đi tìm măng thì không vật dụng nào thay thế ngoài nó. Em gùi cả mẫu hệ của mình, bổn phận của người phụ nữ trong kinh tế, tổ chức gia đình và duy trì nòi giống.
*
* *
Đến tuổi này rồi mà em vẫn đẹp; không điệu đà, diêm dúa mà vẫn lung linh, đậm đà trong lớp da nâu sành tự nhiên, ngát mùi người, đến huyền bí. Những kẻ quen nhìn vẻ đẹp giả hình, phủ đầy mùi hóa học trên thân thể ở đô thị sẽ không nghiêng về kiểu đẹp của em. Nhưng với tôi, vẻ đẹp em là đỉnh cao, thực chất, rực rỡ con người. Nếu con đèo này không nghiêng ngửa vì em thì ta là người duy nhất. |
Nơi đây, người từ xa đến đã dùng kỹ thuật khai thác hết cây lớn quý, xẻ gỗ bán về xuôi rồi, suốt mấy chục năm qua. Nhưng may mà còn cái thảm thực bì bên dưới thì ở lại và núi cao, vực sâu thì không ai có thể bứng mang đi. Vì thế nên những loài thảo mộc ở lại còn không gian sinh trưởng, mà nhất là măng. Vùng rừng núi này hoang dại trở lại từ độ đó. Người ta sợ chết bởi sự hiểm trở khủng khiếp của nó nên đây lại là cơ hội cho những người như em. Là em chấp nhận nguy hiểm đó. Dù ta biết, cuộc sống chân thiện là cuộc sống đơn sơ. Đời em trong như khe nước đầu nguồn.
Em đừng lặng thinh thế mà, núi rừng vốn đã hoang vu.
Em nhẩm tính, 3 tuần nữa mình sẽ sinh. Có khi nào sinh linh ấy sẽ ra đời ngay trên những cánh rừng này. Vậy rất tự nhiên, đúng nghĩa con dân núi rừng, nhưng mường tượng mà nguy hiểm quá. Đứa bé đó sẽ là đứa con thứ 3 của em. Mùa măng này em tuổi 38.
Mùa mưa là mùa em vui trong lòng. Mùa em có nguồn thu. Mỗi ngày một gùi măng. Ngành lâm nghiệp gọi những thứ phụ phẩm của rừng kia là lâm sản phụ. Nhưng với em nó là tất cả, chính yếu của rừng. Cả nhà em sống nhờ gùi măng đó. Năm nay, giá măng bốn ngàn đồng một ký. Những mùa trước, em chở về Madaguôi (huyện Đạ Hoai, tỉnh Lâm Đồng) bán. Rồi bỗng người Kinh từ xa lên, định cư và đặt điểm thu mua nó ngay tại làng em.
Em rằng, qua mấy tuần quần tới lui, quanh đây măng cũng cạn rồi. Những ngày tới, em sẽ đi sâu vào các lớp núi bên trong về hướng trời Bình Thuận, băng qua những vách, vực bên kia và kia, kia nữa. Tức nó thuộc về nơi có những ngọn núi xanh mờ phía xa xa, với các đỉnh chóp mang tên Bnơm Liêng Gir, Klong But, Tlir, Nla Del… Dùng máy bay trực thăng mà đáp xuống những sườn núi, vực sâu đó đã khó, vậy mà em bảo “Đi được”, “Bình thường”.
*
* *
Trên kia, sườn của dãy núi cao đã thành đèo Bảo Lộc, xe cộ vẫn ngược xuôi qua từng phút rộn rã. Con đèo này đã trăm năm rồi, từ ngày người Pháp khám phá và mở đường lên “thiên đường nghỉ dưỡng du lịch” Đà Lạt trên kia. Dĩ nhiên, không ai biết em đang lặn lội trong rậm rì thảo mộc nơi vực sâu. Dĩ nhiên, em cũng không cần biết thế giới của họ. Em muốn làm người như họ cũng không được. Họ muốn làm người như em cũng bất khả. Khi đưa măng lên tới đỉnh đèo, khi nhìn những dòng xe xuôi ngược đó em né ra, cốt lo cho chiếc gùi măng của mình là đủ và làm sao cho nó khỏi tông vào mình. Chiếc xe máy cà tàng mà em nhét giấu vào lùm cây đâu đó được lôi ra, chở măng về nhà. 26 năm rồi, vào mùa mưa, cứ mờ sáng là em xuống vực; 2 giờ chiều em trở về đúng vị trí ấy-nơi có chiếc xe máy tả tơi trong bụi cây rậm rạp nào đó trên đèo.
Những gùi măng mùa mưa này thường nặng chừng 55 kg. Nó nặng hơn cơ thể em 9 kg. Về tỷ trọng, khi leo núi, nó sẽ tăng gấp 3 lần cơ thể con người ta. Sức chịu của người thường hơn trọng lượng cơ thể mình mà. Nó không có trọng lượng, từ chối cơ học và lý tính thông thường, vì nó nằm trong vật chất mà không tồn tại như vật chất.
Ka Hòi đeo gùi măng còn nặng hơn trọng lượng cơ thể mình. Ảnh: N.H.T |
*
* *
Hôm nay, em thắng lớn, bởi có hôm chỉ tìm được 25 kg. Giờ thì em làm cuộc chinh phục lần thứ 3 và tìm kiếm từ đáy vực lên đỉnh núi, chỗ có đường đèo. Cú chinh phục ngược này ngoạn mục hơn lúc mờ sáng, khi tuột xuống. Em đi từng bước một, cảm giác nặng trịch và không liến thoắng như lúc lùng bụi rậm tìm măng. Dáng em dính trên vách núi dựng cứ như những người thợ sơn nước lủng lẳng trên bức tường của tòa cao ốc ở đô thị. Xa thêm, xa thêm, lúc nào le lói hiện ra thì chỉ thấy được chỏm màu trắng của măng trên chiếc gùi, còn màu da em cùng quần áo đã tan hòa trong màu xanh của rừng. Em dừng lại. Em xoay người, mặt hướng xuống lại vực, đặt nguyên chiếc gùi trên lưng đó hạ mông sát mặt rừng và chân cứ thế duỗi thẳng dần theo độ nghiêng của thế núi. Thở vào, thở ra, xả cho cái mỏi lăn hết xuống dưới kia. Em đang nghỉ mệt. Lại có lúc, em tựa chiếc gùi kia lên một cây rừng có nhánh thò ra đủ kê đỡ nó, mà nghỉ nặng-là nghỉ ở thế đứng. Nghiệp phận gắn với chiếc gùi. Làng Da Mbreh yêu dấu đang chờ em, nằm về hướng tít xa dưới chân đèo Bảo Lộc, thuộc huyện Đạ Hoai đó, nơi em lớn lên từ bé đến lúc thành đàn bà.
Cuộc sống là dòng chảy âm thầm. Em chảy một dòng khác con suối lớn nhất quê hương đó, Da Mbreh. Em chảy dòng cuộc đời. Con suối chảy dòng thiên nhiên.
Mưa xuống, ở rừng, măng trồi lên như những nấm kia. Măng không lấy sẽ thành cây le, mum, lồ ô, tre và ba bốn năm sau thì già, khô, rã. Tre già măng mọc. Thường em đi một mình, có lúc em cùng những nhóm người tìm măng. Em nói nếu rẫy vườn đủ làm thì em không chơi trò sinh tử mãi với măng như thế này. Sống giữa núi rừng trùng điệp, khí hậu khắc nghiệt nhất miền cao nguyên, nhưng vườn điều cỏn con, cùng lơ thơ những bụi trà nằm dưới tán nó như thế làm sao em hái đủ trái, đọt để nuôi sống một gia đình. Ở Tây Nguyên, chỗ nào thấy cây điều ở đó biết là vùng đất xấu, của người nghèo. Và điều đã mất mùa nhiều năm liên tiếp. Măng thì không chê đất xấu hay khí hậu bao giờ. Em cũng vậy, không được lựa chọn bố mẹ, nơi sinh ra, nghề nghiệp và không gian sống. Em sống như núi rừng tạo ra và dẫn dắt em.
Nếu em còn suôn sẻ qua mùa mưa này, mùa mưa năm sau chắc chắn em lại có mặt ngay tại con đèo với những vực sâu sinh tử đó. Ta cầu mong Thần Rừng, Thần Núi cho mẹ con em được hanh thông, vuông tròn, tràn đầy sức sống như dòng Da Mbreh bất diệt. Ta cũng chắc chắn sẽ lại ghé thăm em, trong rừng, Ka Hòi nhỉ.
Nguyễn Hàng Tình