Con đường đất đỏ giữa lòng Pleiku xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Pleiku. Tuổi thơ tôi đi qua cùng với những đổi thay phố núi. Đối với tôi, Pleiku rất đỗi thân thương, quyến luyến mỗi khi đi xa, bồi hồi mỗi khi trở về.
Ảnh: ST
Ảnh: ST
Pleiku có rất nhiều con đường kỷ niệm, nhưng tôi nhớ nhất vẫn là con đường đất đỏ giữa lòng thành phố. Trước năm 1975, nhà tôi ở gần đồi 37 Pháo Binh (cũ) trên đường Lê Văn Duyệt nối dài, sau này là đường Trần Phú. Lúc ấy, đây là con đường đất đỏ. Nhà cách chợ chưa đầy cây số và cách đường Lý Thái Tổ không quá 300 mét, nhưng nơi tôi ở cách biệt hoàn toàn với khu phố dưới này. Tôi nhớ, kể từ năm 1968, khu phố này mới đông lên, hầu hết là dân nghèo ở nông thôn đến lập nghiệp. Họ sống chen chúc nơi những con hẻm nhỏ, nhà làm bằng tôn hoặc ván ép. Mùa khô, những cơn gió mang đầy bụi đỏ bay khắp nơi, vào tận nhà; đi học mới bước ra đường quần áo, cặp sách đã bám đầy bụi. Buổi tối trước khi đi ngủ, mẹ hoặc bà tôi thường nhắc con cháu rửa chân tay trước khi lên giường. Mùa nắng thì thế, còn mùa mưa thì nhão nhoẹt một màu đỏ quạch, xe cộ thường xuyên bị mắc lầy. Không hiểu sao lúc đó tôi thích ra nhìn xe bị lầy.

Dân cư khu phố này rất hiền hòa, yêu thương và đùm bọc nhau như cùng một nhà. Họ chia sẻ từng gánh nước (lúc bấy giờ khu vực này có rất ít giếng), từng ký gạo, tấm áo cho những người mới đến lập nghiệp gặp khó khăn. Hàng xóm có con trẻ được người trong xóm dạy bảo và trông nom giùm khi không có cha mẹ ở nhà. Mãi đến khi lớn lên, tôi mới hiểu rằng do chiến tranh nên người ta mới rời xa quê hương đến đây sinh sống, cũng như gia đình tôi. Có lẽ vì chiến tranh, vì đói khổ, vì xa quê nên ai cũng siêng năng chăm chỉ, bảo ban, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Bọn trẻ con chúng tôi sau giờ đi học về, tụ tập chơi trò nhảy cò cò, chơi cờ, ô quan, tạt lon... những trò đơn giản không cần dụng cụ, chỉ cần vẽ lên đường đất đỏ những ô vuông và vài viên đá, sỏi...
Khu phố đường đất đỏ ngày ấy không có những ngôi nhà cao tầng, không đèn đường. Những đêm trăng sáng, bọn trẻ chúng tôi tìm ngôi nhà nào cao nhất (chừng 3 đến 4 mét), dùng thang gỗ leo lên nóc nhìn về hướng Biển Hồ để thấy đồi Đức Mẹ, thấy ánh đèn mờ đục hắt lên trời từ một nơi nào đó. Sáng dậy đi học, chúng tôi thường la cà tại cổng sau trường Trần Quốc Toản, để khi vào lớp muộn bị thầy cô quở trách chân tay bẩn đầy bụi đỏ. Những năm tháng đó, Pleiku mưa rất nhiều. Kỳ nghỉ hè, chúng tôi mỏi mòn trông ngày nắng ấm để được gặp nhau vui đùa. Nhưng thật khó, trời mưa không dứt, dai dẳng liên hồi. Còn ngày mùa khô thì trời rất lạnh, lạnh cắt da cắt thịt. Lạnh thế nhưng sáng sớm chúng tôi vẫn phải đi học. Đứng trên dốc đất đỏ nhìn về phía phố, thị xã mơ màng trong sương, đẹp khó tả. Nó cũng đẹp mê hồn khi mùa mưa vừa dứt, mùa khô bắt đầu và hoa cúc quỳ vàng thắm vệ đường. Đó cũng là lúc chúng tôi thích nhất, vì nó báo hiệu Tết đã đến gần.
Sau năm 1975, khu phố đường đất đỏ thay đổi rất nhiều. Một số gia đình chuyển đi nơi khác, số bị thất lạc trong cơn loạn lạc chiến tranh, số còn lại đều về nơi ở cũ.
Lớn lên, đi làm xa nhưng không tuần nào tôi không về nhà, trừ khi quá bận. Tôi về nhà là về với con đường đất đỏ với bao da diết nhớ nhung. Chân vừa bước lên con đường màu son là có bao nhiêu kỷ niệm trỗi dậy trong tôi. Tôi nhớ đến bà con xa xứ ngày xưa sống trong khu phố, những đứa bạn ấu thơ, những ngôi nhà đơn sơ, con đường trơn trợt, những con hẻm bé xíu chỉ vừa chiếc xe đạp, và còn bao kỷ niệm khác nữa!
Văn Ngọc Thiên

Có thể bạn quan tâm