Phóng sự - Ký sự

Con đường mới phía biên thùy

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chẵn 10 năm. Không còn nhận ra “cung đường đau khổ” ngày nào đoàn xe của tỉnh phải đánh vật từng khúc cua để đến được lễ khai trương cặp cửa khẩu phụ Tây Giang (Quảng Nam) - Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) năm 2013.

Con đường lớn thênh thang dẫn về phía khu 7, chúng tôi xuyên qua sương mù, qua những vạt nắng hanh hao cuối đông, giữa xanh thẳm ngả rừng biên giới...

Bản làng vùng biên khu 7 đã có nhiều đổi khác. Ảnh: H.Đ.G

Bản làng vùng biên khu 7 đã có nhiều đổi khác. Ảnh: H.Đ.G

“Hơi phố” ở rừng

Chưa vào mùa gieo cấy, nên từ phía nhà bia di tích nhìn xuống cánh đồng Chuôr chỉ một màu bùn non vừa qua đợt bừa. Axan (Tây Giang) vẫn đẹp, vẻ đẹp của một thung xanh nằm giữa núi non như cánh võng mắc từ hai vạt núi.

Lặng lẽ những đổi thay đến với nơi này, trung tâm của 4 xã vùng cao khu 7. Câu nói “bất đáo khu 7 phi hảo hán”, chỉ đúng với 10 năm trước, khi biên ải vẫn là chỉ dấu xa xôi, khó nghèo, của những đợt chia cắt cô lập triền miên hàng tháng ròng mỗi mùa mưa núi.

Ngày đó, khách lạ có dịp đi công tác, phải chinh chiến trên những chiếc xe Win bọc xích sắt quanh lốp, trầy trật băng qua những bãi lầy suốt hàng chục cây số, thi thoảng cũng “khóc ròng” chờ người địa phương hỗ trợ khiêng xe qua vũng bùn.

Giờ thì đã khác. Sầm uất bán mua nơi dãy dài hàng quán dưới chân đồn biên phòng Axan. Bước chân người vội hơn, ồn tiếng động cơ xe đủ loại...

Ông chủ quán mỳ Quảng “trứ danh” bên suối lờ mờ nhận ra chúng tôi, khi nghe nhắc lại chuyến dừng chân của “phái đoàn” 10 năm trước.

“Bây chừ khác lắm rồi. Có điện, có đường, nên thứ gì cũng có. Chưa có thì một cú điện thoại, hai tiếng sau, xe chở tới tận... làng” - ông chỉ lên phía đỉnh đồi.

Arầng, Ariing, hay K’noonh, nơi nào cũng có đường ô tô dẫn vào tận từng ngõ nhà. Sống lâu ở rừng, những gian khó chỉ gợn khi ai đó hỏi về ngày cũ, như nước suối gặp phải một hòn đá lớn, bật lên rồi lại lặng xuôi theo dòng...

Những con số trong báo cáo kinh tế - xã hội của xã có vẻ trôi tuột, thứ dễ lưu lại, là nét mặt hồ hởi của ông Hồ Văn Nhia - Bí thư xã Axan. Ông Nhia nói, đời sống bây giờ khác lắm. Thứ khác nhất là thay đổi trong tư duy làm ăn của đồng bào. Người Axan, Gary, Ch’ơm không chỉ bám rẫy, bám ruộng để có cái ăn, mà đã tất bật trồng cây ăn quả, dược liệu, những thứ bán được tiền. Nhiều nhà khấm khá nhờ đẳng sâm, ba kích.

Có tiền, dân làng có điều kiện tiếp cận với tiện nghi của đời sống hiện đại. Không “đổi” nữa, họ bán. Bán để có của nả tích cóp trong gia đình mình, để lo cho con cháu chuyện học hành, tính chuyện làm ăn tương lai.

Hạ tầng vẫn được nhắc đến như một điểm tựa mang tính động lực, nhưng những mẩu chuyện về đời sống dân sinh mới chính là thứ màu sắc tươi mới của đổi khác ở vùng cao. Đổi khác, từ chính từng nhà, từng làng.

Đổi khác còn hiện hữu ở nơi này, khúc cua dưới chân đồn biên phòng, nơi đã trở thành “phố nhỏ” của 4 xã vùng biên. Hàng hóa đổ về, sôi động. Người dân chở nông sản, dược liệu xuống Axan, chờ thương lái thu mua.

Trung tâm xã Axan mang dáng dấp thị tứ, dù con đường vẫn phủ đầy gió bụi. Bụi đỏ cuộn lên khi xe tải rầm rập chạy qua, phục vụ cho các công trình trọng điểm đang được đầu tư cho miền biên ải...

Vùng biên thức giấc

Chỗ đầu dốc dẫn vào trụ sở UBND xã Axan, có một gian hàng nhỏ bày thực phẩm, phía dưới tấm biển hiệu đề mấy chữ: “chợ tự giác khu 7”. Từ ngày ngôi chợ nhỏ này hình thành, nông sản của bà con xã biên giới Axan (Tây Giang) đều được thu mua với giá cao. Đó chính là nỗ lực của cô gái người Cơ Tu Alăng Thị Mí.

Đẳng sâm được thương lái thu mua từ vườn của bà con biên giới. Ảnh: H.Đ.G

Đẳng sâm được thương lái thu mua từ vườn của bà con biên giới. Ảnh: H.Đ.G

Mí nói, việc lập chợ xuất phát từ trăn trở với câu chuyện tìm đầu ra cho nông sản địa phương. Trước đó, bà con trồng rau củ quả không bán được, sử dụng thì không hết, nên phải đổ bỏ.

Năm 2020, Alăng Thị Mí thu mua một ít nông sản của người quen, rồi dựng bạt bán ở góc nhỏ bên đường. Đường sá thông thoáng, thuận lợi, thương lái đi lại tiện hơn, Mí kết nối với những người buôn bán dưới huyện, rồi mở rộng tiêu thụ mọi mặt hàng nông sản, dược liệu cho bà con quê mình.

Thịt, cá từ dưới xuôi lên được Mí nhập về, bán lại cho bà con. Ngôi chợ nhỏ thành hình, đông khách hơn, thu nhập của cô gái và cả những mối hàng từ người bản địa cũng ổn định hơn so với trước. Nhiều khu vực xa xôi, đi lại khó khăn, bà con không có xe vận chuyển, Mí sẽ trực tiếp vào tận thôn thu mua.

Chợ nhỏ đón thêm người, nhưng Mí vẫn là tiểu thương “chủ lực”. Mí chia sẻ, từ khi có chợ, hàng hóa bà con làm ra dễ bán hơn, lại được giá.

“Nhiều nhà thay vì chỉ trồng ba kích, trồng sâm, rau củ đủ cho gia đình dùng, thì nay đã mở rộng diện tích. Bán được, bà con cũng mạnh dạn mua giống để trồng. Dược liệu bán khá chạy. Em vừa mua của bà con, vừa bán lại thực phẩm, thu nhập ổn định hơn nhiều so với ngày đầu” - Mí tâm sự.

Vùng biên đổi khác. Người ở vùng biên cũng chớp lấy cơ hội cho mình. Những lay lắt khó nghèo của quá khứ trở thành động lực cho họ vận động, tìm lấy con đường thoát khó cho chính mình. Một “bạn hàng” của Mí, chuyên cung cấp rau sạch cho chợ là Coor Thị Bân (thôn Ga’nil, xã Axan). Bân có một trang trại nhỏ trồng rau sạch, ngay trên núi.

“Vợ chồng ra ở riêng, ruộng rẫy không có. Tôi suy nghĩ, mình phải làm gì đó để mưu sinh. May mắn, ngân hàng chính sách xã hội có hỗ trợ phụ nữ vay vốn. Tôi chớp lấy ngay cơ hội, vay 20 triệu đồng để mở quầy tạp hóa. Sau đó lại vay thêm 30 triệu nữa, mua heo cỏ địa phương, sắm máy xay lúa và nấu rượu, nuôi heo. Vậy là khởi nghiệp chứ gì nữa” - Coor Thị Bân cười.

Năm năm, với số vốn ít ỏi đó, hai vợ chồng lầm lụi làm ăn, tích cóp, mua thêm đất trồng quế, cam, xoài... Trang trại rau sạch, “dự án” mới nhất của vợ chồng Bân cũng đã cho thu hoạch.

Nông sản, quế, heo giống, Bân đưa lên mạng xã hội, bán hàng cho người trong xã, ngoài xã. Trả hết nợ, hai vợ chồng Bân có đủ tiền để dựng hai căn nhà. Rẫy, vườn và trang trại vẫn đều đặn mang về những mùa thu hoạch.

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang nói, khu 7 sẽ có nhiều thứ để chờ đợi. Ngoài những chủ trương của tỉnh, Huyện ủy đã ban hành nhiều Nghị quyết về tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng ở vùng cao khu 7.

Đây là cơ sở chính trị, về pháp lý sẽ có nhiều chủ trương được cụ thể hóa như hoàn thiện quy hoạch hạ tầng giao thông, khai hoang, cải tạo ruộng rẫy, đầu tư mô hình dược liệu, khôi phục văn hóa truyền thống, từng bước đầu tư điện, trạm, trường để ổn định biên giới. Sẽ có nhiều thuận lợi cho bà con.

“Từ năm 2024, huyện sẽ xúc tiến xây dựng chợ thương mại biên giới, tạo giao thương giữa nhân dân hai bên vùng biên. Chợ tạo giao thương, cung cấp nhu yếu phẩm phục vụ đời sống sản xuất cho bà con bên Lào, nhất là nông cụ, giống, vật tư nông nghiệp. Đây là bước tạo đột phá đầu tư hạ tầng khu vực cửa khẩu. Về lâu dài, sẽ nỗ lực để nâng cấp cửa khẩu phụ lên thành cửa khẩu chính” - ông Bhling Mia nói.

Dội lại trong chúng tôi tiếng kẻng vang lên ở thôn Ch’nóc (xã Ch’ơm), một đêm của 10 năm trước. Tiếng kẻng từ gươl, của cô giáo trẻ Avô Thị Ngôn, nhắc lũ trẻ học bài. Học không phải để xóa mù.

Những chủ nhân của núi rừng, giờ là Mí, là Bân, ngày đó chắc cũng mới chỉ là những cô cậu học trò đến giờ nghe kẻng lại lúi húi bên đèn sách. Họ giờ đã khác. Rất khác. Không còn hằn sâu như vết chém vào cây rừng với chuyện đói nghèo, họ trở về và bước đi bằng con đường mới, tư duy mới, như con đường về khu 7, bây giờ...

Có thể bạn quan tâm