Con đường ngày ấy...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quê quán ở Bình Định nhưng tôi thuộc lớp người sinh ra và lớn lên tại Pleiku những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Những con đường đất đỏ bụi mù, những con đường mưa về bùn lầy trơn trượt đã ghi dấu chân tôi từ lúc lẫm chẫm. Cùng với thời gian, Pleiku giờ đã khác trước nhiều lắm, khiến người xa xứ lâu năm trở về không khỏi sững sờ kinh ngạc. Với tôi, con đường đến trường suốt 3 năm THPT giờ cũng đã thay đổi đến ngỡ ngàng.
Nơi tôi lớn lên là vùng đất bằng phẳng nằm lọt thỏm giữa bốn phía núi đồi. Cánh đồng bạt ngàn xanh tốt với hạt gạo trắng ngần dẻo thơm, ngon ngọt từng là niềm tự hào của người dân suốt những năm bao cấp khó khăn. Nơi đây còn nổi tiếng với những vườn rau xanh tươi mơn mởn, những vườn hoa rực rỡ sắc màu thơm ngát, những vườn cây ăn trái với đủ loại trái cây: xoài, mận, mít, ổi, vú sữa, nhãn… Mùa nào thức nấy, vùng đất trù phú này thật xứng đáng với cái tên của mình: An Phú.
 Một đoạn đường Lê Duẩn (TP. Pleiku). Ảnh: ĐỨC THỤY
Một đoạn đường Lê Duẩn (TP. Pleiku). Ảnh: ĐỨC THỤY
Trù phú ấm no là vậy, nhưng với địa thế của mình, đường đến trường của chúng tôi hồi những năm 80 của thế kỷ trước lại không hề thuận lợi. Pleiku, lúc ấy là thị xã, có 2 ngôi trường THPT: Trường Pleiku 1 ở nội thị, trường Pleiku 2 ở vùng ven thuộc xã Trà Bá (nay là phường Trà Bá). Đó là nơi tôi cùng các bạn hàng ngày vượt đèo dốc gần 10 cây số đến trường. Con đường ngoằn ngoèo hun hút luôn tạo ra sự đấu tranh tư tưởng không nhỏ với những học trò quê ngày ấy, đặc biệt là tụi con gái chúng tôi. Ấy vậy mà vượt qua tất cả những khó khăn, những lời bàn ra tán vào, nhờ vào sự kiên quyết của ba má, chúng tôi bắt đầu hành trình vượt đường xa tìm con chữ. Con đường này đã lưu giữ dấu chân và bao nhiêu kỷ niệm vui buồn thời mực tím khó phai…
Vượt qua một con dốc nhỏ là chúng tôi ra khỏi lũy tre làng. Đường đến trường là những con dốc cao nối tiếp nhau, xen kẽ là những đoạn đường bằng phẳng uốn lượn. Từng hình ảnh quen thuộc hai bên đường được chúng tôi ghi lại trong trí nhớ, lấy làm mốc để đi và về cho nhanh hơn. Dân cư thưa thớt, chủ yếu là các làng đồng bào Jrai. Khác với người Kinh, người Jrai không làm nhà quay ra mặt đường; nhà của họ quay mặt vào bên trong làng, khoảng vườn rộng phía sau trồng các loại hoa màu. Vậy nên cả một quãng đường dài chúng tôi đi, đường sá thật vắng vẻ, thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe đường dài vụt qua, bên trong hành khách chen chúc. Đôi khi gặp chiếc xe đạp thồ của những người buôn bán nhỏ mua hàng hóa từ trong các làng đồng bào về bán ở các chợ nơi phố thị. Khu nhà mồ Jrai nằm trên một đoạn đường vắng với những tượng gỗ hình thù khác nhau dưới bóng những cây cổ thụ tạo nên sự huyền bí mà học sinh, đặc biệt là lũ con gái rất sợ, không dám đến gần. Qua một chút là đến trạm đón đồng bào từ các tỉnh miền Bắc vào Nam xây dựng vùng kinh tế mới. Hàng ngày vào những giờ đi về, chúng tôi thường thấy những chiếc xe lớn dừng lại để đón đưa. Rồi đến Nghĩa trang Liệt sĩ với tấm bia lớn mang dòng chữ Tổ quốc ghi công to đẹp, ai từ xa đến Pleiku đều nhìn thấy. Ráng qua chỗ này chút thôi là chúng tôi sắp đến trường rồi. Có những lúc mệt quá, chúng tôi dừng lại ngồi nghỉ dưới gốc cây trước nghĩa trang. Hai gốc vông cổ thụ xòe tán lá che mát cả một đoạn đường là cái mốc cuối. Từ đây, vượt một con dốc nhỏ, dắt xe qua một đoạn đường đất nữa là đến trường.
Những khó khăn trên đoạn đường còn thay đổi theo mùa gió. Mùa gió xuôi là khi những chiếc xe đạp có thể bon bon trở về nhà nhẹ nhàng. Mùa gió ngược kèm theo khô hanh, lạnh và đầy sương là những ngày thật đáng sợ. Đôi bàn tay tê cóng không cầm nổi ghi đông, những lúc ấy mới thấy mình bất lực làm sao. Nhưng tuổi 17 với niềm vui đến trường, với những ước mơ đầu đời cháy bỏng đã khiến con đường như ngắn lại với những câu chuyện vui đùa nghịch ngợm. 
Trên con đường dẫn vào thành phố hôm nay, tôi lái xe thật chậm, như để tận hưởng không khí ngọt ngào, vẻ đẹp trời phú của Pleiku. Con đường rộng lớn, hai bên nhà cửa khang trang đông đúc, hàng quán ken dày. Hai gốc vông um tùm ngày ấy giờ đã không còn, thay vào đó là con đường lớn dẫn vào Bến xe Đức Long Gia Lai. Đoạn đầu đường, ngay chỗ gốc cây ngày đó giờ là một nhà hàng to lớn, sang trọng. Bây giờ không còn mấy ai đi xe đạp. Học sinh trong những bộ đồng phục đẹp đẽ được ba mẹ đón đưa hoặc tự đi xe máy đến trường. Ngôi trường xưa vẫn còn đó, nhưng giờ là một trường THCS to lớn hơn với nhiều dãy phòng học sạch đẹp.
Trong tôi, con đường ký ức lại hiện rõ mồn một. Nhớ về một thời tuổi trẻ khó khăn nhưng luôn hồn nhiên trong niềm vui đến trường. Cuộc sống không ngừng tuôn chảy cùng với những đổi thay. Dẫu biết là như vậy, mà sao chiều nay lòng vẫn thoáng bâng khuâng khi cảnh cũ không còn, người xưa cũng đã vắng. 
Một cơn gió thổi qua làm bao chiếc lá vàng rơi lả tả. Trên vòm cây xanh ngắt, những chồi non vẫn đang vươn lên. Pleiku mỗi ngày một đẹp hơn. Tuổi trẻ Pleiku sẽ có nhiều cơ hội hơn để bay cao bay xa. Với những người con yêu mến quê hương, Pleiku luôn đẹp. Phố núi bây giờ không còn “đi dăm phút đã về chốn cũ”, nhưng em gái Pleiku vẫn “má đỏ môi hồng” trong những buổi chiều “quanh năm mùa đông”, như trong lời một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy.
 NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm