"Còn sức còn đi tìm đồng đội"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gần 20 năm đi tìm đồng đội, người thương binh sắp bước sang tuổi “xưa nay hiếm” Vũ Hồng Sáu (74 Tô Vĩnh Diện, tổ 10, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) đã góp công phát hiện và đưa về các nghĩa trang 34 bộ hài cốt liệt sĩ, đem lại niềm an ủi cho nhiều gia đình.

“Là người đã vào sinh ra tử, từng nằm bên xác đồng đội ngay hàng rào kẽm gai, từng tự tay chôn đồng chí mình nên tôi chỉ muốn đem chút kinh nghiệm của anh lính trinh sát am hiểu việc đọc bản đồ giúp các gia đình liệt sĩ tìm hài cốt người thân cho vơi nhẹ nỗi đau mất mát”-ông Sáu mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những lời gan ruột như thế.

 

 Ông Sáu trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Nguyễn Dung
Ông Sáu trò chuyện với phóng viên. Ảnh: Nguyễn Dung

Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, năm 20 tuổi (1968), chàng thanh niên Vũ Hồng Sáu lên đường nhập ngũ và đầu quân vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 2, Bộ Tư lệnh 305 Đặc công. Huấn luyện xong, ông cùng đồng đội lên đường vào Nam chiến đấu, từng ở Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 400 Đặc công và Trung đoàn 25 của Mặt trận Tây Nguyên; rồi làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 733, Sư đoàn 315 của Quân khu 5. Năm 1987, ông về làm Phó Tham mưu trưởng, Trưởng ban Tác chiến Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) và nghỉ hưu tháng 6-1993. Thời chiến, ông tham gia rất nhiều trận đánh (kể cả ở nước Lào, Campuchia và Thái Lan) và được kết nạp Đảng tại mặt trận khi mới được 2 tuổi quân (1970). Sang thời bình, với cương vị của mình ông cũng chẳng còn thời gian lo cho gia đình. Thế nên, khi nghỉ hưu, ông vừa tham gia công tác tại địa phương, vừa đi làm thêm kiếm tiền để phụ giúp vợ con. Vốn có kinh nghiệm của nghề đục đá học được từ các cụ trong làng hồi còn nhỏ, ông đi làm hòn non bộ, trồng cây cảnh cho các khách sạn trong tỉnh, ở TP. Hồ Chí Minh và tham gia làm các công trình cùng Đoàn Mỹ thuật Trung ương với thu nhập rất khá. Thế nhưng ông bỏ tất cả để đi tìm mộ liệt sĩ từ năm 1995 đến nay.

“Ngày đó, người nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn ở Hà Nội được anh em ở đơn vị cũ mách tôi là người trực tiếp chôn anh Sơn nên tìm đến nhờ giúp đỡ. Lần đầu tiên tôi tìm được 23 hài cốt đồng đội. Thế là họ cứ mách nhau tìm đến, từ đó tôi bỏ hết việc để đi tìm đồng đội. Đến nay, tôi đã tìm được 34 hài cốt liệt sĩ; trong đó, 4 đồng chí được gia đình đưa về quê, gồm: liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn-nguyên là Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 25, quê ở Hà Nội; liệt sĩ Trần Kình-nguyên là Thượng úy, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 631, Mặt trận Tây Nguyên, quê xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; liệt sĩ Phan Thanh Huệ-nguyên là Chuẩn úy, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 25, quê xã Hợp Tiến, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương; liệt sĩ Lê Xuân Trang-nguyên là Thiếu tá, Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn 733, Sư đoàn 315, Quân khu 5, quê thị xã Ninh Bình. Số anh em còn lại đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ia Grai và Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chư Prông.

Chỉ vào một cái túi màu xanh cỏ úa đã cũ, cái lưỡi lê bằng thép không gỉ và một mảnh bản đồ đen sì như treo trên gác bếp, ông cười bảo: “Đồ của Mỹ đấy. Tôi biến nó thành đồ đựng tài liệu đi tìm anh em mình”. Ông giải thích, đồ của Mỹ rất bền, bản đồ thì cực kỳ chính xác. Sở dĩ tấm bản đồ chỉ còn một mảnh vì hồi đó nhà bị dột nên không bảo quản được, tôi chỉ cất giữ phần quan trọng nhất-nơi xảy ra nhiều trận đánh, anh em mình hy sinh nằm lại ở đó. Trong “bộ đồ nghề” của ông, tôi còn thấy 1 cái la bàn nhỏ (kỷ vật từ trận đánh năm 1972-N.V), một số tờ giấy ghi danh sách liệt sĩ, các bản phô tô giấy báo tử, mấy tấm ảnh làm lễ truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ của gia đình liệt sĩ gửi vào, số điện thoại, thư cảm ơn…

Hỏi về kinh nghiệm đi tìm mộ liệt sĩ, ông bảo: Trước hết, phải được gia đình ủng hộ. Khi đi tìm, phải thu thập các tài liệu liên quan như danh sách liệt sĩ tham gia trận đánh nào, ở đâu; danh sách những liệt sĩ đã được đưa về các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh; giấy báo tử của gia đình (nếu ghi KT là của Tây Nguyên); bản đồ địa bàn (xin của các địa phương)... Căn cứ vào giấy báo tử để phán đoán liệt sĩ đã từng hoạt động ở vùng nào và đến Cục Chính sách của Quân đoàn 3 để được cung cấp tọa độ chết, tọa độ chôn. Khi lấy được tọa độ, dùng la bàn và dựa vào dân để tìm. Nếu đào được hài cốt mà có dép râu Trung Quốc, cúc áo 4 lỗ, hoặc bao đựng ống nhòm Liên Xô thì chắc chắn là quân mình. “Tôi là lính trinh sát nên chỉ tin vào khoa học quân sự nhưng cũng không loại trừ tâm linh. Nhiều trường hợp, có người nhà đi cùng là cứ tuồn tuột một mạch đến tận nơi. Riêng anh Sơn, khi đưa hài cốt anh về nổ cả hai lốp xe, không đi được. Chị gái anh Sơn cười bảo tôi: Chắc cậu ấy giận vì về đến Pleiku mà không cho cậu ấy vào nhà chú. Tôi bảo không tin, nhưng thôi sống sao chết vậy. Tôi làm bát canh cá và miếng thịt, đĩa xôi đem đến khách sạn cúng rồi dẫn vào nhà. Thế là sáng hôm sau, xe đi một mạch về Hà Nội”-ông kể, mắt ngân ngấn lệ.

Trước khi chia tay chúng tôi, ông trầm ngâm: “Mấy chục năm rồi địa hình có nhiều thay đổi, chỉ lính trinh sát giỏi nhìn bản đồ mới biết được chứ người khác khó mà nhận ra. Tôi sẽ tiếp tục đi tìm anh em đến khi không còn sức mới thôi”.

Nguyễn Dung

Có thể bạn quan tâm