Trên 1,5 triệu con lợn nhiễm bệnh phải tiêu hủy, chiếm 5% tổng đàn lợn cả nước là con số cho thấy tổn thất nặng nề của ngành chăn nuôi Việt Nam do dịch tả lợn châu Phi gây ra, chỉ sau hơn 3 tháng xuất hiện.
Diễn tập ứng phó với dịch tả lợn châu Phi tại Thanh Oai. Ảnh: Phương Nga
Điều đáng nói là trong khi từ Ban Bí thư, Chính phủ đến các bộ, ngành đều quyết liệt chỉ đạo công tác phòng chống dịch thì vẫn còn những trường hợp hộ dân trục lợi, kiếm tiền giữa ổ dịch, vừa gây thất thoát tiền của Nhà nước, vừa làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Những ngày qua, dư luận hết sức bất bình về sự việc xảy ra tại xã Bình Lãng, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đó là một số hộ gia đình khai vống số lượng, thậm chí không nuôi lợn, không có chuồng trại cũng khai báo nhà có lợn chết do dịch tả châu Phi để được hỗ trợ. Câu chuyện bắt nguồn từ chính sách hỗ trợ tối thiểu 80% so với giá thị trường cho các hộ chăn nuôi có lợn chết do dịch tả châu Phi theo Nghị quyết số 16 ngày 07/3/2019 của Chính phủ. Đối với lợn nái, lợn đực giống đang khai thác, hỗ trợ với mức từ 1,5 - 2 lần so với mức hỗ trợ các loại lợn khác tại thời điểm có dịch bệnh. Như vậy, với mức giá lợn hơi xuất chuồng tại các tỉnh miền Bắc đang dao động ở 30.000 – 34.000 đồng/kg thì người chăn nuôi có lợn nhiễm dịch phải tiêu hủy được hỗ trợ khoảng 24.000 – 27.200 đồng/kg.
Thay vì chia sẻ mất mát, chính nhiều người dân ở địa phương còn bức xúc, bất bình trước sự gian lận của hàng xóm. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến tỏ ra bức xúc: “Trong khi hàng nghìn người chăn nuôi đang khốn khổ, khóc hết nước mắt vì dịch tả lợn châu Phi thì lại có những người chỉ nghĩ cách trục lợi”. Thật là đau xót! Rồi có những hộ vì muốn được nhận tiền hỗ trợ mà bỏ mặc cho đàn lợn nhiễm bệnh lăn ra chết, không triển khai các biện pháp phòng chống dịch do giá bán thấp. Nguy hiểm hơn, có hộ còn vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc từ nơi khác về nhập đàn, đánh tráo để được nhận hỗ trợ do sự chênh lệch về giá. Điều này càng làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh do virus tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, lây truyền qua nhiều con đường.
Dịch tả lợn châu Phi vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Danh sách các địa phương xuất hiện ổ dịch cứ nối dài và chưa có dấu hiệu dừng lại. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhìn nhận, chưa bao giờ ngành chăn nuôi Việt Nam đối mặt loại bệnh nguy hiểm như này. Mặc dù chúng ta chỉ đạo phòng chống dịch rất sớm, vào cuộc tích cực nhưng đến nay, bệnh vẫn lây lan ở 34 tỉnh, TP. Theo vị tư lệnh ngành nông nghiệp, nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch tả lợn châu Phi sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại.
Trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, “tình hình cực kỳ phức tạp” như lời của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, nếu ngay chính người dân không có ý thức chung tay trong công tác phòng chống thì khó lòng dập được dịch. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, “phòng chống dịch như chống giặc, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phòng là chính, cơ sở là chính, dân là chính” thì mới có hiệu quả. Nếu mỗi người dân chỉ biết tư lợi cho riêng mình mà làm ảnh hưởng đến hàng vạn hộ chăn nuôi khác thì thật đáng lên án.
Cần phải nói thêm rằng, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với thiên tai, dịch bệnh là để giảm bớt gánh nặng cũng như thiệt hại kinh tế cho người dân. Thế nhưng, thật đáng buồn là chủ trương tốt đẹp này lại bị lợi dụng để trục lợi. Và để hạn chế tình trạng này, cùng với nâng cao nhận thức của mỗi người chăn nuôi, cơ quan chức năng ở địa phương phải thật sát sao, công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Đồng thời có chế tài xử lý nghiêm những hành vi gian dối lợi dụng chính sách để trục lợi.
Thiên Tú (Kinhtedothi)