Cụ bà Mai Thị Bốn, 76 tuổi, ngày nào cũng có mặt tại chợ đầu mối Thủ Đức từ 9-10h đêm tới 7-8h sáng để bốc hàng thuê cho các tiểu thương. Bà đã làm công việc này từ sau 1975 tới giờ. "Tui đi làm còn có đồng ra đồng vô đỡ cho con cái", bà kể.
76 tuổi, bà lão đêm đêm đẩy hàng kiếm sống và thường nhận được sự giúp đỡ của người xung quanh như phụ khiêng hàng quá nặng (ảnh trái). Thương bà lão lớn tuổi nghèo khó, nhân viên vựa hàng bưng giúp thùng hoa quả ra xe đẩy - Ảnh: VĂN BÌNH |
Tui biết bả hồi còn ở chợ Cầu Ông Lãnh, hồi chỉ vác bằng vai, bưng bằng tay. Cực vậy mà bả vẫn ráng. Ai mướn vác hàng từ chợ Cầu Ông Lãnh lên chợ Cầu Muối bả cũng vác. Ông Nguyễn Hoàng Sơn (tài xế chở hàng) |
"Cổ" là bà lão Mai Thị Bốn, 76 tuổi, nhà ở quận 4 (TP.HCM).
Đi làm lúc người ta đi ngủ
Một ngày làm việc của bà Bốn bắt đầu từ lúc... 22h, là cái giờ mà người ta đi ngủ. Tối nào cũng vậy, gần 22h là bà có mặt ở trạm xe buýt gần cầu Ông Lãnh (quận 1) đón xe xuống chợ đầu mối Thủ Đức (TP.HCM). "Tui đi xe buýt cho rẻ. Bữa nào có cháu chở thì đỡ. Có bữa phải đi xe ôm từ nhà ra trạm xe buýt mất 20.000 đồng. Về một lần tiền xe ôm nữa là đã hết 40.000 đồng rồi" - bà Bốn nói.
Rồi bà ngồi trên cái ghế nhựa con con, chờ tới 1h sáng mới có bạn hàng quen đi chợ để có hàng kéo. "Từ nhà tui lên đây chỉ có một chuyến xe buýt nên phải đi sớm, chứ ở gần đây thì cách 30 phút mình ra là vừa" - bà bảo.
Đêm mỗi lúc một khuya, sương xuống mà vẫn nóng nực đến lạ. Bà lão 76 tuổi mặc bộ quần áo cộc tay, ngồi thu lu nhìn về phía trong chợ, thỉnh thoảng lại ngó mấy chiếc xe tải lóa đèn xuống lấy hàng, rồi ngó những người bốc xếp kéo hàng lóc cóc ngược xuôi trước mặt.
"Tui đi làm mấy chục năm, thức đêm riết con mắt mình nó quen. Về nhà ngủ đêm không được. Lên trên đây lại buồn ngủ, ngủ gà ngủ gật được, chứ về nhà nằm gối đàng hoàng lại không ngủ được. Bữa nào bịnh ở nhà ngủ tới 12h đêm là nó dứt, thức giấc dậy là thức luôn tới sáng chứ không ngủ lại được" - bà Bốn nói.
Giữa tiếng xe, tiếng còi, tiếng kéo hàng, tiếng í ới nói chuyện ồn ào vậy mà bà vẫn lơ mơ chợp mắt được.
Gần 1h sáng, điện thoại bà Bốn rung lên. "Bạn hàng gọi", bà lật đật đẩy chiếc xe kéo vô trong chợ. Dạo này dịch nên ế ẩm, bạn hàng này chỉ lấy 4 thùng cam, xoài, thanh long, quýt. Mỗi thùng nhẹ nhất khoảng 20kg, nặng nhất khoảng 50kg. Bà Bốn bưng phè phè, chất lên xe kéo.
"Đồ nặng quá thì mình chia ra, kéo ít thôi - bà Bốn nói - Hồi trước tui kéo một lần 5 - 6 cục (thùng hàng - PV) lận, nhưng từ năm ngoái tui kéo 2 - 3 cục, 3 - 4 cục thôi. Mỗi cục được trả 5.000 đồng. Từ bữa dịch tới giờ, tui làm một đêm nhiều nhất có trăm rưỡi, trăm tư à. Nhưng mà vẫn phải đi làm để giữ mối. Mình nghỉ là có người khác nhảy vô thay liền. Nhiều khi đi xe về còn lỗ. Một ngày tiền xe đã hết 52.000 đồng. Rồi ăn uống nữa. Đâu còn có nhiêu tiền đâu".
Chợ đầu mối chằng chịt như hàng trăm bàn cờ. Lối đi rất hẹp. Nhiều khi gặp bốc xếp đi ngược chiều, bà lão phải lùi, né nhường. Bạn hàng lấy mỗi vựa một thùng. Bà Bốn cứ lọc cọc kéo cái xe đẩy xuyên qua lối nọ, tạt qua lối kia như mê cung vừa chật vừa đông người để nhận hàng. Chợ đêm kín gió. Trán bà Bốn lấm tấm mồ hôi.
Kéo xong 4 thùng hàng ra tập kết ở chiếc xe tải nhỏ, bà Bốn nhận tiền công 20.000 đồng. Bà lại trở về chỗ ngồi quen thuộc, chờ tới 2h30 sáng mới có bạn hàng xuống.
Ngồi cũng khá lâu, bà Bốn nhìn điện thoại riết, nôn nao bảo sao bữa nay bạn hàng xuống trễ vì đã 2h50 rồi. Rồi bà mừng rơn khi bạn hàng gọi kéo 6 thùng hàng. Hết hàng để kéo, bà lão dựa lưng vào cửa một kiôt đã đóng cửa, ngồi chờ tới 6h sáng mới có hàng kéo tiếp.
Anh Nguyễn Minh Tuấn (bảo vệ chợ nông sản Thủ Đức) nói: "Làm bốc xếp cần sức khỏe và nhanh nhẹn. Với sức khỏe và tầm tuổi như cô Bốn thì không được nhanh như những thanh niên khác. Nhưng ở đây ai cũng biết hoàn cảnh cô nên thông cảm. Tính tình cô Bốn vui vẻ, hoạt bát nên bà con tiểu thương cũng thương, kêu cô kéo hàng để giúp có thu nhập".
"Cổ không dám nghỉ đâu. Bữa nào bịnh dữ lắm mới chịu ở nhà. Khỏe là đêm nào cũng có mặt ở chợ" - bà Nguyễn Thị Hoa (53 tuổi, từng làm trong đội bốc xếp) cho hay. Bà Hoa cũng làm bốc xếp từ hồi chợ còn ở cầu Ông Lãnh đến khi dời về đây. "Tội cổ lắm. Bữa nào nhiều hàng thì 4-5h sáng về. Bữa nào ít hàng là cổ chờ làm tới 7-8h sáng mới về" - bà Hoa kể.
Ba năm trước, bà Bốn bị bệnh nặng. Mọi người tưởng bà không qua khỏi. Hay tin, anh em bốc xếp hùn lại hỗ trợ bà chút tiền mua thuốc. Và rồi vượt qua cửa tử, người ta vẫn thấy bà lão đêm đêm có mặt ở chợ.
Thấy con khổ, không đành lòng xin tiền con
Bà Bốn làm bốc xếp ở chợ đầu mối từ năm 1976. Khi đó chợ còn họp dưới chân cầu Ông Lãnh. Năm 2003, khi chợ dời về quận Thủ Đức, bà cũng đi theo. Cả thanh xuân của bà lão gắn với nghề bốc xếp, phu vác hàng ở chợ đầu mối. Chợ ở đâu bà theo đó, không dám bỏ, cũng chẳng thể bỏ.
Chồng mất khi bà 40 tuổi, 3 đứa con còn nhỏ. "Tui không biết làm gì để nuôi con. Làm việc gì cũng một tháng mới có tiền. Còn làm cái nghề này không cần bỏ vốn, chỉ bỏ sức lực mình thôi mà lại có tiền liền hằng ngày nuôi con" - bà Bốn giải thích.
50.000 đồng Đó là số tiền bà lão kiếm được từ 10h đêm tới hơn 3h sáng khi kéo 10 thùng hàng.
Bà kể hồi đó 4h khuya phải qua chợ Cầu Ông Lãnh làm tới 7h sáng, mua đồ về nấu ăn cho con, rồi tới 14h đi làm tới 22h mới về. Nhiều bữa bà còn ráng, hết ca vẫn ở lại làm thêm, 12h đêm mới về.
Bà Nguyễn Thị Hoa, đồng nghiệp lâu năm của bà Bốn nhưng đã nghỉ bốc xếp 6 năm nay vì làm không nổi nữa, ái ngại: "Nhiều người trẻ hơn cô Bốn còn đầu hàng mà cổ vẫn làm. Nhưng trời cũng thương, cho cổ sức khỏe".
Hỏi sao không nghỉ ở nhà, bà Bốn rầu rầu nói: "Mấy đứa con tui đứa nào cũng khổ, chỉ vừa đủ ăn, đủ lo cho gia đình nó, không nuôi mình nổi. Con trai tui nó biểu ở nhà mà tui thấy nó khổ quá, mình không đành lòng xin tiền nó được. Tui đi làm còn có đồng ra đồng vô đỡ cho con cái".
Ráng dành tiền cho con sửa nhà!
"Người ta có điều kiện thì tuổi này ở nhà con cái lo cho khỏe tấm thân. Ai cũng muốn sướng chứ ai muốn cực. Lẽ ra năm nay tui nghỉ rồi.
Hằng ngày lúc 22h, khi mọi người nghỉ ngơi, bà Bốn đi xe buýt đến chợ đầu mối Thủ Đức để “vào ca” - Ảnh: V.B. |
Nhưng cái nhà tui giờ mái tôn thì dột, cây que thì mối mọt ăn võng xuống mà không có tiền sửa. Con tui nó nghèo quá. Tui không có tiền, chỉ có sức, ráng làm phụ nó, dành dụm thêm ít tiền sửa lại cái nhà" - bà lão 76 tuổi bần thần nói.
MY LĂNG (TTO)