Thời sự - Bình luận

"Công bộc" của dân thì phải khắc kỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi không dám nói đã là cán bộ, đảng viên thì phải chịu nhiều hy sinh, thiệt thòi, dẫu rằng Đảng, Bác luôn giáo dục, rèn luyện phải làm điều đó. Nhưng nói như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một bài viết gần đây thì đã là cán bộ, đảng viên thì phải để lý tưởng dẫn đường, phải lấy sự cống hiến, hy sinh làm mục tiêu đời mình. Đảng, Nhà nước rất coi trọng công tác cán bộ thể hiện ở chủ trương, chính sách khuyến khích, chăm lo để cán bộ toàn tâm toàn ý thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhưng dẫu vậy, vẫn còn không ít cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn, kẽ hở pháp luật để mưu lợi cá nhân, thậm chí vi phạm pháp luật dẫn đến sa ngã, hư hỏng.
Không phải cái thời tất cả vì mục tiêu độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cơ chế thị trường với những mặt trái của nó với sự “lên ngôi” và tha hóa của đồng tiền, thói thực dụng đã khiến nhiều kẻ mờ mắt, bất chấp pháp luật và đạo đức để giành phần hơn. Không phải chứng minh nhưng đâu đó ta vẫn nhận ra có cán bộ lập luận mình là “tinh hoa” hơn người khác; là cán bộ nên đóng góp, công tác, cống hiến, trách nhiệm lớn hơn vì vậy quyền lợi cũng phải nhiều hơn… Điều đó không sai nhưng trên thực tế, liệu có phải lúc nào, ở đâu cán bộ cũng thể hiện rõ, đúng mối quan hệ giữa trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi? Hay họ nằm trong tỷ lệ cán bộ “sáng cắp ô đi tối cắp ô về”, là cán bộ nói chứ không làm hoặc nói nhiều làm ít, nói một đằng làm một nẻo. Tỷ lệ mấy chục phần trăm cán bộ, công chức “lông bông” kiểu này, nhiều diễn đàn đã mổ xẻ, không cần phải nhắc lại. 
Một khi những vi phạm, tái phạm xử lý chưa được nghiêm khắc, chưa đủ sức răn đe thì việc kêu gọi thực hiện đạo đức sẽ trở nên phản tác dụng. Hai nhiệm vụ này vì vậy phải đi song hành, pháp luật phải đi trước để điều chỉnh hành vi con người trong xã hội. Tại một hội nghị năm 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Từng đồng chí Ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, trong đó có các cán bộ, đảng viên trẻ “cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và nhân dân, để lại nỗi đau đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn”.
Kêu gọi tính tự giác, tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên là việc đương nhiên nhưng phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị trong việc phát hiện và ngăn chặn những biểu hiện sai trái của cán bộ, đảng viên; đấu tranh tự phê bình và phê bình, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện vi phạm, chân thành góp ý, uốn nắn lệch lạc, giúp cán bộ, đảng viên nhận ra lỗi lầm để sửa chữa, tiến bộ là rất cần thiết. Đặc biệt là thực hiện cho được cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo trẻ còn thiếu kinh nghiệm, dễ bị sự cám dỗ của vật chất, danh vọng và quyền lực chi phối.
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang từng tiết lộ, ông ở trong căn nhà Trung ương cấp chỉ hơn 50 m2 và cho biết sẽ trả lại sau khi nghỉ hưu. Trong sáng, giản dị, sau mấy tháng rời khỏi cương vị lãnh đạo, nguyên Chủ tịch nước có viết: “Trong cuộc đời người “cầm cân nảy mực”, nhân danh công lý, khi phán quyết phải nghĩ rằng đến lúc về già phải thấy tự hào với con cháu, dòng họ, đồng đội, đồng chí và nhân dân rằng mình đã mang lại công lý cho mọi người, chứ không phải cúi đầu lầm lũi mà đi ở buổi cuối đời”.
Nếu cán bộ nào cũng thấm nhuần tinh thần khắc kỷ răn mình tự chịu thiệt đi một chút vì cái chung như nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thì sự an yên, hạnh phúc đền đáp chẳng riêng với bản thân mà còn với Đảng ta, chế độ của chúng ta.
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm