Phóng sự - Ký sự

'Cõng con chữ' lên đỉnh Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Một buổi lễ khai giảng đơn giản nhưng ấm áp dưới khung cảnh núi non trùng điệp đẹp đến mê hồn đã gây ấn tượng xen lẫn sự xúc động cho biết bao nhiêu người.
 
Buổi lễ khai giảng đơn giản mà ấm áp trên nóc Tắk Pổ. Ảnh: FB nhân vật.
Vậy nhưng, đằng sau đó ít ai biết rằng còn có nhiều gian nan mà cô giáo trẻ đã nếm trải để đem con chữ đến với những em nhỏ trên đỉnh núi Ngọc Linh.  
Núi non cách trở
Cách đây ít lâu, hình ảnh của buổi lễ khai giảng được một cô giáo ở huyện miền núi Quảng Nam đăng tải trên trang Facebook cá nhân đã thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Trong những bức ảnh đó, dù điều kiện vật chất tại ngôi trường này còn thiếu thốn đủ bề nhưng nhưng nét vui tươi vẫn hiện lên trên khuôn mặt của cả cô và trò. Tất cả xóa tan đi hết những nỗi khó khăn, vất vả ở một điểm trường vùng cao trong ngày lễ tựu trường.
Chủ nhân của những bức ảnh đó là cô giáo Trà Thị Thu (giáo viên tại điểm trường Tắk Pổ, xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Nơi mà cô Thu đang công tác cách trung tâm huyện lỵ Nam Trà My khoảng hơn 10 cây số. Tuy nhiên, để đến được đây không phải là điều dễ dàng. Ngoài lội bộ ra thì không có phương tiện nào có thể vượt qua được.
Con đường dẫn lên điểm trường Tắk Pổ đa phần là dốc cao dựng đứng, thi thoảng lại xuất hiện những tảng đá lớn lởm chởm nằm chắn ngang. Nói là đường chứ thực ra chỉ là một lối mòn nhỏ rộng chừng nửa mét, một bên là núi cao, bên kia là vực thẳm.
Cứ đi được khoảng hơn 10 phút là chúng tôi lại dừng chân nghỉ vì đôi chân rã rời. Phải mất hơn 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới đặt chân tới đỉnh đồi Tắk Pổ.
 
Muốn lên Tắk Pổ chỉ có cách duy nhất là đi bộ.
Một khung cảnh hiện ra hoàn toàn khác hẳn với sự cheo leo hiểm trở ở bên dưới. Giữa lưng chừng trời, Tắk Pổ đẹp như một thảo nguyên thu nhỏ với thảm cỏ may dài hun hút, những hàng cau xanh mướt đứng vươn mình thẳng tắp trên dãy núi Ngọc Linh. Tới gần hơn, những tiếng đọc ê a của lũ trẻ phát ra từ căn nhà gỗ nhỏ đã xóa tan dần bầu không khí im ắng của núi rừng.  
Vượt qua gian khó
Cô giáo trẻ Thu cười hiền bảo, điểm trường mình dạy đúng là khó khăn thật nhưng so với trước đây thì cũng đỡ hơn nhiều rồi. “Trước đây” mà Thu nói là vào năm 2014, ngày em mới lên đây nhận dạy lớp mầm non.
Thời điểm đó, mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ ngày mới ra trường, khi được nhận dạy hợp đồng, Thu hồ hởi từ quê nhà ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) khăn gói lên Tắk Pổ. Nhưng rồi, những khó khăn ngày đầu nếm trải đã nhiều lần khiến cho em phải rơi nước mắt vì tủi thân.
“Em không thể tưởng tượng được, điều kiện dạy học ở đây lúc đó lại khó khăn đến vậy. Lớp học thì còn lợp lá, thưng bằng tre, nền đất. Ngày em lên nhận công tác cũng đang bước vào mùa mưa, dầm dề từ sáng tới tối. Mỗi khi đêm xuống sương phủ gió lùa vào lạnh cắt da cắt thịt. Không có người thân, cũng không có sóng điện thoại để gọi điện tâm sự cùng ai, thực sự cô đơn vô cùng”, Thu nhớ lại.
Với một cô giáo trẻ mới bước vào nghề, nhiều người nghĩ rằng Thu sẽ không thể chịu đựng được và dần nản lòng rồi từ bỏ mà đi. Nhưng không, những khó khăn đó chỉ làm cho Thu càng trở nên cứng rắn và mạnh mẽ hơn. Em tự nhủ với lòng, rồi chuyện gì cũng sẽ qua đi, tuổi trẻ phải vượt qua được những thử thách thì sau này mới vững vàng hơn. Cứ như vậy, thời gian cũng thấm thoắt trôi, những giọt nước mắt hàng đêm đã không còn chảy nữa. Thay vào đó, em đã tìm được những niềm vui trên vùng đất này.
 
Thu đã dành cả tuổi thanh xuân để đem con chữ đến cho các em học sinh vùng cao.
“Nghề nào cũng thế, không phải lúc nào cũng suôn sẻ cả. Khi đã yêu và xác định theo nghề thì phải luôn xác định phải cố gắng. Với em cũng vậy, có lẽ tình yêu nghề đã giúp em vượt qua. Còn nữa là đồng bào, các học sinh ở đây cũng thương cô giáo. Đường sá cách trở, mỗi lần hết gạo, đồ ăn chưa thể xuống núi mua được là người dân trong nóc lại đem đến cho. Họ đã quý mến mình như vậy thì chẳng có lý do gì để mình bỏ mà đi”, Thu tâm sự.
Và, tình cảm giữa cô giáo trẻ với trường, các em nhỏ với cả đồng bào nơi rẻo cao này ngày qua ngày càng trở nên thân thiết. Mỗi lần gặp nhau những nụ cười ấm áp lại hiện lên trên những khuôn mặt, xóa tan đi hết đi cái lạnh trên đỉnh núi Ngọc Linh quanh năm mây mù giăng phủ.
Ngày qua ngày, mỗi buổi sáng ngôi trường nhỏ trên ngọn đồi lại rộn rã tiếng cười nói của các em học sinh vui đùa đến lớp. Chiều đến các cô trò lại cùng nhau men theo những triền đồi đi hái rau rừng tạo nên một hình ảnh bình dị mà thân thương. Rồi mỗi ngày lễ 20/11 đến, không rộn ràng như những đồng nghiệp ở miền xuôi, món quà mà Thu nhận được chỉ là những bó rau rừng mà học trò gửi tặng. Thật giản đơn nhưng ấm áp, nặng nghĩa tình.  
Còn đó những gian nan
Giờ đây, tuy đã dần quen với cuộc sống dạy học trên đỉnh Ngọc Linh, thế nhưng, những gian nan, khó khăn vẫn còn đó.
Thu kể, vì điểm trường ở địa hình hiểm trở, cách biệt, nên thường phải nhiều tuần liền mới có thể xuống núi một lần. Mỗi lần xuống, các thầy cô phải tranh thủ mua gạo, cá khô, mắm muối, hoặc đồ dùng cá nhân cần thiết rồi cõng lên điểm trường dự trữ. Mấy năm trước, điểm trường vui hơn vì đã có điện năng lương mặt trời nhưng chẳng dùng được bao lâu thì hệ thống này lại bị sét đánh hỏng đến giờ vẫn chưa sửa lại được.
“Bất tiện nhất vẫn là những lúc ốm đau, bệnh tật. Trạm xá ở trung tâm xã cách điểm trường rất xa, đường đi lại vô cùng nguy hiểm và cách trở. Vậy nên, mỗi lần đau ốm, chúng tôi thường uống thuốc cảm thông thường mang theo để cầm cự, chỉ đến khi nặng quá mới đành phải nhờ người dân trong nóc khiêng xuống trạm xá để khám và điều trị”, Thu tâm sự.
Những khó khăn, thiếu thốn về điều kiện vật chất dường như đã không còn là điều mà Thu cũng như các thầy cô nơi đây bận tâm. Bởi lẽ, trước khi chấp nhận lên đây công tác, trong lòng mỗi người đã tự xác định tư tưởng cho bản thân. Vì tình yêu với nghề, tình thương với lũ trẻ, dù có gian nan tới đâu họ cũng sẽ không từ bỏ.
 
Tình cảm của Thu và học trò ngày càng trở nên thắm thiết.
Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất hiện giờ, chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi ước mơ của em. Không phải là được xuống núi, được chuyển công tác về lại với gia đình, mà là có một con đường thuận tiện cho các em học sinh và người dân nơi đây xuống núi thuận tiện hơn. Có lẽ, tình người nơi rẻo cao đã khiến cho Thu quên đi những lợi ích và mong muốn của bản thân mình.
Dù điều kiện sống và dạy học nơi đây khó khăn hơn gấp nhiều lần so với miền xuôi, thế nhưng Thu chưa một lần hối hận về quyết định lên núi nhận công tác. Niềm đam mê mãnh liệt với nghề giáo và nụ cười trong trẻo của lũ trẻ vùng cao chắc hẳn là động lực duy nhất giúp họ luôn giữ được ngọn lửa nhiệt huyết, để cùng nhau đi qua những ngày tháng gian nan trong sự nghiệp trồng người.
Lê Khánh (Nông nghiệp Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm