Cộng đồng chung tay phòng-chống sốt rét

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2014 đến nay, tình hình sốt rét tại tỉnh Gia Lai vẫn diễn biến phức tạp, dai dẳng với tỷ lệ bệnh nhân tăng cao. Riêng 10 tháng năm 2018, toàn tỉnh có 668 bệnh nhân sốt rét, tăng 46,38% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Rơ Mah Huân-Giám đốc Trung tâm Phòng chống Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng tỉnh, thông tin: Toàn tỉnh hiện có 164 xã thuộc vùng sốt rét lưu hành với dân số trên 1 triệu người. Các huyện trọng điểm về sốt rét là: Krông Pa, Ia Pa, Đức Cơ, Chư Prông và Ia Grai. Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh sốt rét gia tăng: nguồn bệnh (cụ thể là ký sinh trùng) lưu hành trong dân cao; công tác phát hiện và quản lý bệnh nhân ở tuyến cơ sở chưa chặt chẽ; thời tiết diễn biến bất thường làm cho muỗi và ký sinh trùng sốt rét có điều kiện phát triển mạnh. Bên cạnh đó, dân di biến động đến các vùng sốt rét lưu hành ngày càng cao; tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng Artemisinin-một trong những loại thuốc điều trị hiệu quả nhất hiện nay-có nguy cơ lan rộng; công tác truyền thông giáo dục sức khỏe phòng-chống sốt rét còn nhiều hạn chế tại các vùng sốt rét nặng, nơi có số lượng dân di biến động lớn…
 Cán bộ y tế hướng dẫn người dân tẩm hóa chất vào rèm màn để phòng-chống sốt rét. Ảnh: K.N.B
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân tẩm hóa chất vào rèm màn để phòng-chống sốt rét. (Ảnh: internet)
Ông Nay Tlốp-cán bộ Trạm Y tế xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) cho biết: Người dân trong xã đi rừng, ngủ rẫy thường xuyên. Những năm qua, công tác tuyên truyền được tăng cường nên ý thức của người dân trong việc phòng-chống sốt rét đã được nâng lên, tuy nhiên vẫn còn nhiều người chủ quan dẫn đến mắc bệnh. Từ đầu năm đến nay, xã đã phát hiện 8 bệnh nhân sốt rét.
Tại xã Đak Kơ Ning (huyện Kông Chro), sốt rét vẫn đang là nguy cơ tiềm ẩn. Theo Phó Trưởng trạm Y tế xã Triệu Trọng Nam, xã có 2 làng trọng điểm về sốt rét là Tờ Kắt và Nhang Nhỏ. Tại đây, số người đi rừng, ngủ rẫy chiếm gần 50%.
Để công tác phòng-chống sốt rét mang lại hiệu quả cao không chỉ cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành mà còn phải xây dựng được mạng lưới cộng đồng chung tay giúp sức. Đó là lý do dự án “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng-chống và loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam” được Quỹ Toàn cầu phòng-chống AIDS, Lao và Sốt rét triển khai từ năm 2018-2020 đồng thời ở 149 xã có tỷ lệ mắc sốt rét cao nhất của 4 tỉnh Bình Phước, Gia Lai, Đak Lak và Đak Nông. Tại Gia Lai có 74 xã thuộc 14 huyện tham gia dự án. Thông qua hệ thống cộng tác viên đến từ chính các nhóm cộng đồng có nguy cơ cao, dự án tập trung can thiệp dự phòng và kết nối với các dịch vụ y tế hiện có tại địa phương cho các đối tượng có nguy cơ cao với sốt rét.
Tại hội thảo giới thiệu và họp điều phối dự án “Tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong phòng-chống và loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam” tổ chức tại TP. Pleiku ngày 4-12, bà Khuất Thị Hải Oanh-Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) nhấn mạnh: Dự án tập trung vào các tỉnh có nhiều sốt rét nhất; làm việc với nhóm đối tượng có nguy cơ mắc sốt rét cao nhất nhưng khó tiếp cận…, góp phần làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do sốt rét tại các xã thực hiện dự án. Trong đó, mục tiêu cụ thể là tăng cường sự tham gia của cộng đồng người di biến động và khó tiếp cận trong hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ chuyển gửi xét nghiệm và tuân thủ điều trị sốt rét cho chính các thành viên trong cộng đồng của họ thông qua việc xây dựng và nâng cao năng lực của các nhóm và mạng lưới cộng đồng tại các xã thuộc dự án.
Nằm trong khuôn khổ dự án trên, các hoạt động sẽ được tích cực triển khai trong thời gian tới. Theo đó, các nhóm cộng đồng phòng-chống sốt rét tại các xã thực hiện dự án sẽ được thành lập và đi vào hoạt động. Đây là nhân tố quan trọng trong tuyên truyền, góp phần đẩy lùi bệnh sốt rét trên địa bàn tỉnh.
Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm