Công tác quản lý xe công nông còn nhiều bất cập!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nghị định của Chính phủ về việc cấm lưu hành, hoạt động đối với xe công nông đã đi vào cuộc sống được 7 năm. Thế nhưng, hàng năm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến xe công nông vẫn thường xuyên xảy ra. Riêng năm nay, đã xảy ra 18 vụ tai nạn giao thông liên quan xe công nông, làm chết 18 người, bị thương 25 người. Mặt dù các ngành, tới cơ quan chức năng đã vào cuộc, nhưng việc quản lý đối với các loại xe này vẫn còn nhiều bất cập.

Xe công nông vẫn còn hoạt động trong đời sống

Đối với người dân Tây nguyên, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, xe công nông là một công cụ đắc lực phục vụ sản xuất. Nó là một công cụ đa năng trong sản xuất từ vận chuyển hàng hóa nông sản đến bơm nước, cẩu, kéo, cày bừa… Từ khi Nghị định Chính phủ cấm lưu hành, hoạt động đối với xe công nông được thực thi (từ ngày 1-1-2008 trở đi), UBND tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ tiền cho nông dân mua các loại xe khác thay thế, mức hỗ trợ mỗi xe từ 5 đến 9 triệu đồng, trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ 936 xe với tổng kinh phí là 4,99 tỷ đồng. Qua một thời gian sử dụng, các loại xe thay thế đã bộc lộ những yếu kém, không phù hợp điều kiện sản xuất. Cụ thể là không đủ mạnh để vận hành trên địa hình đồi núi, đường rừng Gia Lai, xe dể bị lật, chỉ có mỗi chức năng vận chuyển hàng, không tích hợp các chức năng khác, giá thành lại cao vì thế loại xe này đã bị nông dân tẩy chay.

 

Ảnh: Hồng Sơn
Ảnh: Hồng Sơn

Chủ cơ khí hàn tiện Toàn Diện, chuyên độ chế xe công nông tại xã Đê Ar, huyện Mang Yang, ông Lê Toàn Diện cho hay: “Mình mở xưởng cơ khí này hơn 1 năm. Trong thời gian qua mình đã đóng 2 xe công nông loại 2 cầu đẩy theo đơn đặt hàng của người dân trong xã. Để đóng một xe công nông mình phải mua các bộ phận từ xe phế thải tại Gia Lai và Bình Định rồi lắp ráp thành một xe công nông. Người dân trong xã vẫn chuộn xe công nông, bởi so sánh với các loại xe thay thế khác như, xe Chiến Thắng thì giá thành rẻ hơn nhiều. Giá để cho ra lò một xe công nông theo giá thị trường hiện nay khoảng 60 triệu đồng, nếu mua xe Chiến Thắng thì khoảng 200 triệu đồng. Tuy nhiên, xe Chiến Thắng khi đưa vào sử dụng không thể đi đường rừng, lại dễ bị lầy, chất hàng dễ lật. Vì thế, người dân ở đây vẫn sử dụng xe công nông, nhu cầu đặt hàng xe công nông vẫn rất cao. Đối với việc cấm các xưởng cơ khí đóng xe công nông, trong năm qua không thấy ai tới kiểm tra xưởng cơ khí mình. Việc mình mở xưởng đóng xe công nông là vì nhu cầu người dân ở đây, họ chọn sử dụng loại phương tiện này”.

Theo quy định hiện hành, xe công nông chỉ được sử dụng phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp, không được chở người, không được điều khiển, lưu thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, trong thị trấn, thị xã, thành phố. Các xưởng cơ khí không được tiếp tục sản xuất xe công nông. Tuy nhiên, tình trạng người địa phương điều khiển xe công nông chở theo người, đi vào các tuyến đường cấm xảy ra thường xuyên, việc các xưởng cơ khí nhỏ vẫn hoạt động sản xuất xe công nông tại các vùng sâu, vùng xa vẫn diễn ra.

Điều này dẫn đến xe công nông vẫn gia tăng, nguy cơ tai nạn liên quan đến xe công nông vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao. Vào các dịp cuối tuần, không ít hình ảnh người dân địa phương sử dụng xe công nông chở người trong làng đến các điểm công cộng, chợ mua sắm. Ngoài ra, tình trạng chở hàng, trên nóc chở theo người vẫn xảy ra. Điển hình như vụ xe công nông kéo theo rơ-moóc chở 18 người vào ngày 8-12-2013 bị lật tại Quốc lộ 19, thuộc thôn Hà Lòng 1, xã Kdang, huyện Đak Đoa, hậu quả làm bị thương nhiều người.

Nhiều kẻ hở trong công tác quản lý và xử lý xe công nông vi phạm

 

Ảnh: Hồng Sơn
Ảnh: Hồng Sơn

Trưởng Phòng quản lý công nghiệp, Sở Công Thương-Nguyễn Duy Lộc cho biết: “Năm 2006, 2007, tỉnh triển khai kế hoạch từng bước loại dần xe công nông. Những năm gần đây không thấy động tĩnh về vấn đề này, các sở ngành vì thế gặp lúng túng trong việc triển khai. Hiện tại, tôi mới về sở, không nắm được bao nhiêu cơ sở sản xuất xe công nông vì không thấy các cơ sở báo cáo về sở.

Sở Công Thương có chức năng tư vấn việc kiểm tra các xưởng cơ khí sản xuất các xe có phù hợp, đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật hay không. Nếu không phù hợp sẽ tư vấn chuyển đổi ngành nghề. Tuy nhiên, thời gian qua không triển khai công tác này vì không thấy có chỉ đạo từ UBND tỉnh. Sở công thương không có chức năng kiểm tra độc lập nên không thể triển khai công tác này”.

Một thực trạng khác, khi thu giữ xe công nông vi phạm, có nơi chủ xe kéo theo số đông người gây áp lực đòi trả xe, làm cho việc quản lý càng thêm phức tạp. Hầu như, việc xử lý xe công nông vi phạm mới dừng lại mức độ giải thích cho người điều khiển phương tiện biết lỗi vi phạm của họ, yêu cầu cam kết không tái phạm.

Mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều công văn chỉ đạo các cấp, các ngành chức năng vào cuộc để tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức pháp luật, cũng như tăng cường công tác quản lý xe công nông, xe độ thế nhưng vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua.

Hồng Sơn

Có thể bạn quan tâm