Công trình thủy lợi Ia Mláh: Nước chưa về đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công trình thủy lợi Ia Mláh đã bàn giao đưa vào sử dụng cụm đầu mối và hệ thống kênh chính, gần như toàn bộ hệ thống kênh cấp I. Dòng nước mát đang đầy ắp trên hệ thống kênh chính treo nơi đầu bờ ruộng, nhưng các cánh đồng, nương rẫy khắp 6 xã, thị trấn của huyện Krông Pa vẫn đang chịu khô khát từng ngày.

Thủy lợi trên trời, ruộng đồng khô khát

Giữa tháng 4, vùng đất “khát” Krông Pa nắng gay gắt. Nhiều cánh  đồng, nương rẫy thuộc vùng tưới của công trình thủy lợi Ia Mláh vẫn đang phơi nắng vì khô khát. Trong khi đó, nước từ hồ chứa Ia Mláh dẫn theo hệ thống kênh chính hơn 17 cây số và gần trọn hệ thống kênh cấp II cứ vô tư chảy tràn lênh láng khắp mặt đường nhựa liên xã Ia Mláh- Phú Cần. Còn phía bên kia đường nơi dòng nước bị chặn lại vì chưa có kênh mương thì ruộng đồng vẫn khô khát.

 

Hồ Ia Mláh phải xả nước qua đập tràn, trong khi ruộng đồng khô khát vì thiếu kênh dẫn nước. Ảnh: Đức Phương
Hồ Ia Mláh phải xả nước qua đập tràn, trong khi ruộng đồng khô khát vì thiếu kênh dẫn nước. Ảnh: Đức Phương

Bà Phi Thị Xuyên, ở khối 12, thị trấn Phú Túc, có đám rẫy 4 ha nằm đối diện trụ sở Xí nghiệp Khai thác Công trình thủy lợi Ia Mláh, quanh năm chỉ trồng mì và bắp, “được mất nhờ nước trời”. Giữa trưa nắng gắt, bà Xuyên lùa đàn bò nhà mình đến bờ kênh đầu mối nằm ở đám ruộng nhà hàng xóm của mình để cho chúng uống nước. Bà Xuyên ngán ngẩm: “Thiếu kênh mương, nên nước chỉ chảy về tưới đường nhựa thôi chú à. Người dân vùng đất “khát” Krông Pa chúng tôi hàng ngày chứng kiến nghịch cảnh đó. Quả là thủy lợi tưới trời!”.

Thủy lợi Ia Mláh là công trình lớn nhất huyện Krông Pa, được khởi công xây dựng từ ngày 25-5-2005. Theo thiết kế, hồ chứa nước Ia Mláh có dung tích 54 triệu m3 nước với năng lực tưới cho diện tích 5.150 ha đất canh tác tại 6 xã, thị trấn gồm: Thị trấn Phú Túc, Phú Cần, Ia Mláh, Đất Bằng, Chư Ngọc và Chư Gu. Trong đó, tưới tự chảy 3.862 ha; tưới tạo nguồn 1.288 ha; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 36.000 dân. Công trình do Ban Quản lý Thủy lợi 8 làm chủ đầu tư; đơn vị thiết kế là Tổng Công ty Tư vấn và Xây dựng Thủy lợi Việt Nam. Đây là công trình được đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, với tổng mức đầu tư của dự án (theo mặt bằng giá quý I-2009) là 723.993.131.000 đồng.

Tháng 3-2007, công trình chặn dòng để tích nước hồ chứa Ia Mláh. Đến nay, hạng mục đầu mối, 17 km kênh chính, tuyến đường liên xã từ thị trấn vào đập tràn đầu mối và hầu hết các tuyến kênh cấp I do Ban Quản lý Thủy lợi 8 làm chủ đầu tư đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. “Hồ chứa và kênh mương đã đầy ắp nước, nhưng mới chỉ đưa vào sản xuất được 98 ha/1.500 ha lúa nước theo thiết kế”-ông Trần Viết-Phó Trưởng ban Quản lý Thủy lợi 8 cho biết. Đây là một nghịch lý mà những người nông dân vùng đất khát Krông Pa khó chấp nhận.

Thiếu kênh mương và cánh đồng

Dự án thủy lợi Ia Mláh do Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt toàn bộ nguồn vốn. Năm 2005, Bộ này giao cho Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 8 làm chủ đầu tư cụm công trình đầu mối gồm: Đập đầu mối, 17 km kênh chính, hơn 20 km kênh cấp I, làm 17 km đường bê tông từ thị trấn Phú Túc vào đập đầu mối, một số hạng mục phụ trợ khác, tổng kinh phí hơn 444 tỷ đồng. Năm 2009 giao Sở Nông nghiệp và PTNT làm chủ đầu tư kênh và các công trình trên kênh có diện tích tưới từ 150 ha đến 200 ha với số vốn 86,2 tỷ đồng. UBND huyện Krông Pa làm chủ đầu tư các dự án kênh mương nội đồng, diện tích tưới từ 20 ha trở xuống và xây dựng đồng ruộng với số vốn trên 68,9 tỷ đồng.

 

Thiếu kênh dẫn, nước chỉ dẫn về “treo” ở đầu kênh cấp I, còn ruộng rẫy phía dưới vẫn khô khát. Ảnh: Đức Phương
Thiếu kênh dẫn, nước chỉ dẫn về “treo” ở đầu kênh cấp I, còn ruộng rẫy phía dưới vẫn khô khát. Ảnh: Đức Phương

Phần việc còn lại do Ban Quản lý dự án Xây dựng Thủy lợi tỉnh Gia Lai và UBND huyện Krông Pa làm chủ đầu tư do triển khai quá chậm, gây ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy tác dụng công trình và lãng phí tiền của Nhà nước đã đầu tư. Trong đó, phần việc do Ban Quản lý dự án Thủy lợi tỉnh Gia Lai làm chủ đầu tư, mới xây dựng xong 19 tuyến kênh, tổng chiều dài 16.837 mét; hiện đang tiến hành các thủ tục để xây dựng 10 tuyến kênh có tổng chiều dài 10.750 mét.

Phần việc do UBND huyện Krông Pa làm chủ đầu tư hiện mới chỉ triển khai xong các gói thầu, dự toán chi phí của 53 tuyến kênh có sức tưới từ 20 ha trở xuống và hoàn thành rà phá bom mìn và vật liệu nổ. Hiện địa phương đã bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công tập kết vật liệu. Riêng 1.235 ha đồng ruộng hiện vẫn đang nằm trên giấy. Đến nay, UBND huyện Krông Pa mới hoàn thành công tác khảo sát cánh đồng nhưng chưa hoàn tất hồ sơ trình UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt điều chỉnh dự án.

Đâu là nguyên nhân?

Nước đã chảy tràn các kênh chính, kênh cấp I, nhưng ruộng rẫy của dân ở hai bên các tuyến kênh thì vẫn đang khô khát, do các tuyến kênh cấp II, cấp III và kênh nội đồng thi công ì ạch.

Ông Kpă Thuyên- Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho rằng do thiếu vốn nên chỉ triển khai cầm chừng (đến tháng 12-2011 mới được bố trí vốn tổng cộng 24,12 tỷ đồng/86,2 tỷ đồng. Nhưng đến nay chủ đầu tư đã thực hiện giá trị khối lượng là trên 40 tỷ đồng). Về phía UBND huyện Krông Pa, ngoài chuyện bố trí vốn ít và trượt giá quá lớn còn do “đợi” tiến độ triển khai lập hồ sơ và thi công hệ thống kênh chính và kênh cấp I.

Với những vướng mắc như trên, mặc dù Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có ít nhất 3 lần điều chỉnh quyết định phê duyệt đầu tư, giảm tiến độ đến cuối năm 2012 hoàn thành kênh mương và đồng ruộng, song với tiến độ cấp vốn như hiện nay người dân Krông Pa còn phải dài cổ chờ nước đến đồng.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm