Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Công trình thủy lợi Ia Mơr: Bao giờ hoàn thành?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Công trình thủy lợi Ia Mơr là một trong những công trình được người dân vùng biên huyện Chư Prông (Gia Lai) kỳ vọng mang lại sức sống mới cho vùng đất còn nhiều khó khăn này. Hiện cụm công trình đầu mối đã hoàn thành khoảng 80% song do nhiều nguyên nhân nên công trình vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập cần tháo gỡ.

Vùng biên kỳ vọng nước tưới

Công trình thủy lợi Ia Mơr được Chính phủ phê duyệt từ năm 2005. Giai đoạn I của dự án gồm hợp phần đập dâng Ia Lốp và hồ chứa Plei Pai đến nay đã hoàn thành đưa vào khai thác. Riêng cụm công trình đầu mối Ia Mơr đến năm 2011 mới được khởi công xây dựng. Theo thiết kế, khi công trình hoàn thành sẽ phục vụ nước tưới cho 12.500 ha lúa nước và hoa màu ở các xã vùng biên huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) và huyện Ea Súp (tỉnh Đak Lak), ngoài ra phục vụ nước sinh hoạt cho 50 ngàn dân sinh sống dọc vùng biên giới… Tổng vốn thực hiện công trình vào thời điểm năm 2005 khoảng 1.264 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Công trình do Ban Quản lý dự án Thủy lợi 8 (Bộ Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư. Ngày công trình được khởi công, người dân rất phấn khởi, nhiều hộ đồng bào Jrai làng Khôih và Hnáp đã tình nguyện di dời đến nơi ở mới để phục vụ thi công.

 

Công trình thủy lợi Ia Mơr đang được thi công. Ảnh: N.D

Sau lễ khởi công, các đơn vị thi công các hạng mục như đập đất nhánh trái, nhánh phải, tràn xả lũ, cống lấy nước, đập tràn, điện vận hành, khoan phụt xử lý nền; đập phụ… Tuy nhiên, cũng vào năm 2011, khi Chính phủ có Nghị quyết số 11/ NQ-CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định an sinh xã hội, công trình phải tạm dừng thi công một thời gian dài, do không được bố trí vốn. Đến năm 2014, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trung hạn giai đoạn 2014-2016, thủy lợi Ia Mơr được đầu tư bổ sung trên 575 tỷ đồng để tiếp tục thi công trở lại. Đến nay nhiều hạng mục đã hoàn thành như: cống lấy nước, tràn xả lũ… và hiện đang tập trung hoàn thành cụm công trình đầu mối để cuối năm 2016 có thể tiến hành chặn dòng tích nước.

Vướng mắc trong giải phóng lòng hồ

Cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr đã được bố trí đủ vốn để hoàn thành trong năm 2016. Mọi điều kiện kỹ thuật đã được chuẩn bị đầy đủ nhưng công tác giải phóng mặt bằng, thu dọn lòng hồ và giao đất chưa được thực hiện xong. Vì vậy, tháng 3-2016, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có Công văn số 2215/BNN-XD đồng ý cho lùi thời gian chặn dòng đập chính chậm nhất đến giữa quý IV năm 2016 nhằm giải ngân hết vốn kế hoạch được giao.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa-Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Thủy lợi Ia Mơr: Cụm công trình đầu mối hoàn thành trong năm 2016 là muộn và lẽ ra phải chặn dòng từ năm 2015 nhưng do tiến độ giải phóng mặt bằng chậm nên phải kéo dài thời gian thi công. Cũng theo ông Hòa, đến nay, khối lượng thi công đập đất bờ phải đạt trên 65%, các hạng mục khác đạt trên 90%; phần kỹ thuật của công trình đã hoàn thành chỉ còn chờ giải phóng mặt bằng lòng hồ là chặn dòng, hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm đầu mối 2017. Tuy nhiên, việc đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng, thu dọn vệ sinh lòng hồ thuộc trách nhiệm địa phương. Bộ Nông nghiệp và PTNT đã đề nghị UBND tỉnh Gia Lai cho tạm ứng 7 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để thực hiện các phần việc trên và thời tiết thuận lợi thì sẽ tổ chức chặn dòng ngay. Hiện nay, khu vực Đak Lak đã có ruộng đồng, còn Gia Lai thì chưa có.

Liên quan đến công trình thủy lợi Ia Mơr, ông Trần Quốc Toàn-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, cho biết: Qua các đợt tiếp xúc cử tri, người dân trên địa bàn đề nghị quan tâm đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm đưa công trình vào khai thác phục vụ nước sản xuất và nước sinh hoạt cho bà con. Xã sẽ tích cực phối hợp các ngành liên quan thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng để phục vụ chặn dòng. Theo UBND huyện, vướng nhất hiện nay là một số diện tích bị trùng với rừng nghèo và rừng phục hồi khi chuyển đổi làm thủy lợi phải tuân thủ quy định hiện hành. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND huyện Chư Prông đã có công văn đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng công trình thủy lợi Ia Mơr. Theo công văn này thì: UBND huyện đã triển khai xong việc kiểm, kê khai lập hồ sơ đền bù và áp giá, xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng thuộc khu vực lòng hồ xã Ia Mơr. Qua đo đạc, khảo sát thực tế, tổng diện tích đất của các hộ dân đang canh tác tại khu vực này là 220,7 ha. Diện tích này năm 2014 đã được khảo sát để lập phương án xây dựng, lập dự toán đền bù giải phóng mặt bằng cho giai đoạn II của khu vực lòng hồ. Tuy nhiên, đối chiếu với bản đồ kiểm kê rừng năm 2014 đã được các cơ quan chức năng phê duyệt, trong tổng số diện tích trên có 80,2 ha là đất lâm nghiệp, rừng nghèo và rừng phục hồi đã và đang được người dân địa phương canh tác ổn định.

Làm rõ số diện tích này, UBND huyện đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra. Kết quả kiểm tra thực tế, 80,2 ha đang được người dân trồng lúa, mì, điều và các hoa màu khác. Nguyên nhân số diện tích bỏ hoang, có dấu hiệu của rừng phục hồi là do người dân không tổ chức canh tác trên diện tích đó sau khi có thông báo về xây dựng công trình thủy lợi Ia Mơr. Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân địa phương và kịp thời bàn giao mặt bằng cho Ban Quản lý Đầu tư-Xây dựng Thủy lợi 8 thi công đảm bảo tiến độ chặn dòng, huyện đề nghị UBND tỉnh xem xét cho phép lập phương án đền bù đối với 80,2 ha diện tích đất nói trên.

Công trình thủy lợi Ia Mơr đã đi được một chặn đường, người dân vùng biên giới Ia Mơr và các xã lân cận được hưởng lợi từ công trình vẫn đang mong mỏi công trình được đầu tư đúng mức để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, giúp người dân sản xuất nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống trên vùng đất còn nhiều khó khăn này.

Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm