Công ty Cao su Chư Prông: Sản xuất kinh doanh gắn với an sinh xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực vượt qua những khó khăn, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông luôn chú trọng đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả và được cấp ủy, chính quyền, nhân dân nơi đơn vị đứng chân ghi nhận, đánh giá cao...

Những ngôi làng “đổi đời”

Tò mò từ lời giới thiệu của anh Trịnh Văn Mạnh-Phó Trưởng phòng Tổ chức-Hành chính của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, chúng tôi tìm đến làng Klũ và Klă (xã Ia Boòng, huyện Chư Prông). Theo lời anh Mạnh, dù cách trung tâm thị trấn Chư Prông chỉ vài cây số, nhưng những năm 90 của thế kỷ trước, đời sống của người dân 2 làng này đa phần quen với việc phát-đốt-chọc-trỉa nên cái nghèo hiện hữu quanh năm. Còn bây giờ, 2 làng đã có sự thay đổi về phát triển về kinh tế-xã hội cũng như ý thức tổ chức sản xuất vào bậc nhất của xã và của huyện Chư Prông.

 

Trao nhà tình nghĩa cho công nhân.        Ảnh: L.A
Trao nhà tình nghĩa cho công nhân. Ảnh: L.A

Trên đường đi, có thể cảm nhận được không gian yên bình của chốn làng quê căng đầy sức sống. Ở đây hầu như không có căn nhà tạm nào, thay vào đó là những căn nhà xây, nhà sàn khang trang. Những con đường đất lầy lội năm nào giờ cũng được bê tông hóa, nhựa hóa nên nhìn chẳng khác nào một khu dân cư ở các thị trấn, thị tứ. Ông Rơ Châm Phul, người đã gắn bó với làng Klũ hơn 40 năm nay cho biết: “Có được như ngày hôm nay là nhờ chính sách tuyển dụng người dân tộc thiểu số vào làm công nhân cao su của Công ty. Bây giờ ở làng Klũ hầu như nhà nào cũng có nhà cửa kiên cố, xe máy, xe công nông, ti vi…”. Với hơn 200 hộ dân ở làng Klũ và Klă, chuyện phải chạy cái ăn lúc giáp hạt bây giờ đã lùi xa vào dĩ vãng. Họ đã vươn lên thoát nghèo một cách bền vững; nhiều gia đình người Jrai trở thành triệu phú khi đạt thu nhập từ 200 triệu đồng/năm đến 400 triệu đồng/năm đã không còn là chuyện hiếm.

Cũng nằm trong câu chuyện về những ngôi làng đổi thay nhờ cây cao su, chúng tôi tìm đến thôn 10 (xã Ia Drăng, huyện Chư Prông). Đây là thôn điển hình trong phong trào toàn dân xây dựng nông thôn mới của xã và huyện. Được bao bọc giữa bốn bề cao su, nhưng thôn 10 có hệ thống cơ sở hạ tầng rất hoàn chỉnh cùng những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp. Đây là nhờ sự trợ giúp của Công ty theo tiêu chí “Cao su đi đến đâu, cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn thiện đến đó”. Cộng thêm việc người dân nơi đây đa phần là công nhân cao su, nên trong quá trình lao động họ đã nhận được sự giúp đỡ lớn của Công ty về mọi mặt từ giống, chuyển giao kỹ thuật, phương tiện lao động... để phát triển kinh tế gia đình bằng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su tiểu điền. Chỉ trong một thời gian ngắn, thôn 10 đã vươn lên trở thành thôn có điều kiện kinh tế đứng hàng đầu của xã.

 

Từ khi Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đứng chân trên địa bàn huyện, thông qua công tác vận động đã giúp người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, nâng cao ý thức, kỷ luật chấp hành giờ giấc lao động, đổi mới phương thức làm ăn, sinh hoạt gia đình. Có thể nói, Công ty là “bà đỡ”, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo; giải quyết được vấn đề việc làm; cải thiện, nâng cao cơ sở hạ tầng, góp phần đưa bộ mặt nông thôn của các địa phương ngày càng hoàn thiện và khang trang hơn. Cũng trong những năm qua, tổ chức Đảng của Công ty đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về các chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế gắn với giữ vững quốc phòng-an ninh trên khu vực biên giới…

Ông Bùi Viết Hội-Bí thư Huyện ủy Chư Prông

Luôn chú trọng công tác an sinh xã hội

Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông có tổng diện tích gần 9.000 ha cao su, đứng chân trên địa bàn 16 xã, thị trấn với 72 thôn, làng tại huyện biên giới Chư Prông. Những năm qua, dù điều kiện kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty luôn xác định mục tiêu: sản xuất kinh doanh phải gắn liền với phúc lợi xã hội, phát triển cao su đến đâu phải ưu tiên tuyển dụng người dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân đến đó nhằm giải quyết việc làm ổn định cho người dân địa phương; hướng dẫn người dân nơi Công ty đứng chân chuyển đổi phương thức sản xuất mới có hiệu quả, từng bước xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần ổn định xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội tại địa phương.

Hàng năm Công ty luôn trích từ quỹ phúc lợi xã hội để hỗ trợ kinh phí giúp người dân phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ chương trình này. Anh Kpuh Khốt (Nông trường Cao su Suối Mơ) vui mừng cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ của Công ty, đến nay gia đình tôi đã phát triển được 2 ha cà phê, 2 ha mì thu nhập mỗi năm đạt từ 150 triệu đồng đến 200 triệu đồng. Nhờ vậy mà mới đây, gia đình tôi cũng vừa xây được căn nhà khang trang và mua sắm đầy đủ tiện nghi trong sinh hoạt gia đình…”. Ngoài ra, với chương trình xóa nhà tranh tre cho người lao động dưới các hình thức như: hỗ trợ một phần, cho vay không tính lãi, xây dựng nhà tình nghĩa…, đến thời điểm này, 100% người lao động của Công ty không còn ở nhà tranh tre, trong đó có 65% đã xây dựng được nhà ở kiên cố.

Tính từ năm 2012 đến năm 2016, Công ty cũng đã trích nguồn kinh phí trên 17 tỷ đồng để làm hơn 130 km đường cấp phối, đường nhựa; hàng chục km đường điện trung-hạ thế; xây dựng trung tâm y tế với 30 giường bệnh và hàng chục trường học từ thị trấn đến các thôn, làng... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, cải thiện bộ mặt nông thôn trên những địa bàn Công ty đứng chân.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm