(GLO)- Nhiều năm qua, Công ty TNHH một thành viên Vật tư cao su Huy Hùng (thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông) luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn với người trồng cao su trên địa bàn. Không chỉ vậy, Công ty cũng là một trong những doanh nghiệp đóng góp vào ngân sách nhà nước nhiều nhất huyện Chư Prông suốt nhiều năm liền.
Vườn cao su tiểu điền rộng 1 ha của chị Nịnh Thị Sao (làng Nhỏ, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) trồng đã 8 năm và chuẩn bị cho thu hoạch. Bao nhiêu vốn liếng gia đình chị vay mượn đổ vào vườn cây. Trong đó, tiền mua nợ vật tư của Công ty Vật tư cao su Huy Hùng hy vọng sẽ được trả bớt sau vụ thu hoạch này. Chị Sao cho biết: “Công ty đã giúp rất nhiều người trồng cao su như chúng tôi. Tôi may mắn được người quen giới thiệu đến đây để mua nợ vật tư. Mai mốt thu hoạch, tôi bán trực tiếp mủ cao su cho Công ty mà không phải qua đại lý nào nên giá cũng sẽ cao hơn. Khi đó, gia đình sẽ có tiền trả nợ. Tôi thực sự cảm ơn Công ty đã cho mua nợ vật tư lúc khó khăn”.
Chị Nịnh Thị Sao (xã Ia Ga, huyện Chư Prông) vui mừng khi được Công ty Vật tư cao su Huy Hùng tạo điều kiện trả tiền vật tư sau khi thu hoạch mủ. Ảnh: H.D |
Gia đình chị Sao là một trong rất nhiều trường hợp được Công ty Vật tư cao su Huy Hùng giúp đỡ bằng cách cho mua nợ vật tư. Trả lời câu hỏi vì sao sẵn sàng cho nhiều nông dân nợ, ông Trịnh Huy Hùng-Giám đốc Công ty-cho biết: “Thời gian qua, giá mủ cao su xuống thấp nên người trồng cao su tiểu điền gặp nhiều khó khăn. Một số người mới đầu tư vườn cây lại càng khó khăn trong việc mua những loại vật tư thiết yếu như: chén hứng mủ, kiềng đỡ chén, máng che mưa... Tôi nghĩ đơn giản là bạn hàng có thể cho mình lấy hàng gối đầu thì mình cũng có thể cho nông dân mua nợ. Bên cạnh đó, mình cũng có chút tài sản có thể vay ngân hàng để có vốn làm ăn. Trong hoàn cảnh khó khăn chung thì người khó khăn ít giúp người khó khăn nhiều cũng là điều nên làm”.
Nhiều năm trở lại đây, ngành cao su lao đao vì giá mủ giảm sâu. Điều này khiến việc kinh doanh vật tư cao su và thu mua mủ cao su của Công ty cũng không được thuận buồm xuôi gió. Nhưng để gắn bó với mảng kinh doanh này cho tới giờ, với ông Hùng có lẽ là do duyên nợ. Ông cho biết: Năm 1992, ông từ Hà Tĩnh vào Gia Lai làm công nhân Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê. Sau một thời gian, ông được Công ty cử đi học rồi về làm công nhân kỹ thuật tại nhà máy sơ chế. Năm 2012, ông về hưu trước tuổi. Cũng trong năm này, ông thành lập công ty chuyên kinh doanh vật tư cao su và thu mua mủ cao su. Công ty cũng có hợp đồng cung ứng vật tư cho các doanh nghiệp lớn trồng cao su trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Công ty Cao su Mang Yang, Công ty Cao su Chư Sê... Bên cạnh đó, Công ty còn thu mua mủ cao su, đồng thời hợp đồng với Công ty Cao su Chư Sê để sơ chế trước khi bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chia sẻ những khó khăn trong hoạt động kinh doanh mặt hàng mủ cao su, ông Hùng cho biết: “Với mặt hàng mủ cao su, thường sẽ thu vào cuối năm và bán vào đầu năm sau. Cuối năm 2017, Công ty như rơi xuống vực khi trong kho có khoảng 100 tấn mủ, bán không kịp, lúc đó giá khoảng 50 triệu đồng/tấn. Đầu năm 2018, giá đột ngột giảm còn 27 triệu đồng/tấn. Có cảm tưởng như chỉ sau một đêm thức dậy, mình bị mất 2,3 tỷ đồng. Mà đó không phải là lần duy nhất. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hàng trong kho có khi lên tới 100 tấn, thời điểm tôi thu mua vào thì mủ cao su có giá 33 triệu đồng/tấn nhưng bán ra chỉ khoảng 27 triệu đồng/tấn. Thế là lỗ nặng”.
Khó khăn là thế nhưng ông Hùng vẫn luôn gắn bó với nghề kinh doanh vật tư và thu mua mủ cao su. Để duy trì mảng kinh doanh này, ông làm thêm vườn rẫy. Hiện gia đình ông đang sở hữu 1 ha cà phê, 6 ha cây ăn quả, 4 ha điều và chuẩn bị trồng thêm 2 ha chuối. Thu nhập từ vườn rẫy hiện chưa nhiều do đa số mới trồng. Tuy vậy, Công ty luôn nỗ lực hết sức mình để giúp đỡ bà con nông dân và hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Được biết, trung bình mỗi năm, Công ty nộp hơn 2 tỷ đồng tiền thuế và năm nào cũng được ngành Thuế tuyên dương là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu thực hiện nghĩa vụ thuế.
HÀ DUY