Phóng sự - Ký sự

Cột mốc chủ quyền đặc biệt: Mốc 42 khó khăn nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù chỉ kém hơn 23 m so với mốc 79, nhưng mốc 42 (cùng tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc) lại nổi tiếng nhất vì sự khó khăn vất vả và hành trình tuần tra ở mốc 42 kéo dài đến 3 ngày 2 đêm…

Mốc quốc giới 42 là mốc đơn loại nhỏ, làm bằng bê tông, cắm ngày 8.10.2008 trên đỉnh núi, tại vị trí có tọa độ 22˚37'19,438" vĩ độ bắc - 102˚48'59,098" kinh độ đông, với độ cao 2.857,7 m. Mốc quốc giới 42 phân định đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Phía Việt Nam là Pa Vệ Sủ, H.Mường Tè (Lai Châu). Phía Trung Quốc là các bản Lọ Lỳ Trồ, Tà Trí, Tung Ri Lèng thuộc hương Mãnh Kiều, H.Kim Bình, tỉnh Vân Nam.

Canh gác bên mốc 42.

Từ TP.Lai Châu (Lai Châu) lên TT.Mường Tè và theo con đường cấp phối men theo dòng Nậm Sì Lường, từ sáng tới tối mới đến được Đồn biên phòng Pa Vệ Sử (Bộ đội biên phòng Lai Châu) đóng quân ở xã Pa Vệ Sủ, H.Mường Tè.

Người dân mời nước bộ đội biên phòng trên hành trình lên mốc 42

Buổi sáng hôm sau, trời còn tờ mờ, đội tuần tra của Đồn biên phòng Pa Vệ Sử đã hành quân lên khu vực mốc 42. Lực lượng tham gia gồm bộ đội biên phòng, cán bộ, công an, dân quân xã Pa Vệ Sủ. Thời gian hành quân là 2 đêm 3 ngày, nên công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Ngoài vũ khí - trang thiết bị chuyên dụng, còn mang theo tăng võng, lều bạt dã chiến (để ngủ đêm trong rừng), thuốc quân y, nồi niêu xoong chảo, lương thực, thực phẩm (để nấu ăn mỗi ngày), dao rựa cuốc xẻng (để phát cây mở đường)…

Nướng cá khô để ăn tối

Liên tục đi bộ từ sáng hôm trước, ngủ lại 1 đêm trong rừng, trưa hôm sau, khi đôi chân đã cứng do leo núi, vượt đồi, trèo đèo, lội suối… chúng tôi mới chạm tay vào mốc quốc giới số 42 nằm trên đỉnh núi cao trên dãy Pu Si Lung (cao 3.083 m, xếp thứ 2 trong top 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam, chỉ sau đỉnh Fansipan cao 3.143 m). Sau khi tiến hành kiểm tra cột mốc, dấu hiệu đường biên giới quốc gia, thượng úy Giang Út cử một tổ công tác, theo đường biên lên đỉnh Pu Si Lung gần mốc 42 để kiểm tra thực địa.

Gặp con suối dọc đường

Chiều ngày thứ 3, chúng tôi kết thúc chuyến tuần tra khu vực biên giới mốc số 42 và về tới Đồn biên phòng Pa Vệ Sử. Nói chuyện với chúng tôi, ông Vàng Mồ Tờ (70 tuổi, hiện ở bản A Mại, nguyên Chỉ huy trưởng quân sự xã, rồi Chủ tịch UBND, HĐND xã Pa Vệ Sủ) kể: "Mốc 42 cắm ngày 8.10.2008, nhưng trước đấy mấy năm, cả bộ đội biên phòng, tổ phân giới cắm mốc và cán bộ xã đã phải khảo sát, làm việc, đi lại thực địa đến mòn chân".

Đường lên mốc 42 phải vượt qua hồ chứa nước

Do đường đi quá khó khăn vất vả, thời tiết khắc nghiệt nên phải thuê nhân công gùi cõng vật liệu với giá 1 triệu đồng/can nước 20 lít, 50.000 đồng/kg xi măng.

Bộ đội Đồn biên phòng Vàng Ma Chải dựng lán nghỉ đêm, dọc đường tuần tra khu vực mốc 42

"Mốc 42 làm bằng bê tông, chỉ cao 1,2 m chứ không phải đá hoa cương như một số mốc khác, nhưng cũng phải huy động gần 30 người và 4 con ngựa thay nhau khiêng cõng. Tham gia được gần 10 ngày, chủ ngựa sợ ngựa chết vì kiệt sức, nằng nặc đòi về", ông Tờ nhớ lại vậy và lắc đầu: "Một tuần liền mới đưa được mốc 42 lên cắm ở chóp núi cao 2.857,7 m gần đỉnh Pu Si Lung. 15 năm sau ngày cắm mốc, đường đi vẫn gian nan vất vả, mới thấy anh em bộ đội biên phòng kiên cường". (còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm