Cù Lao Xanh "Hòn ngọc Biển Đông" của xứ Nẫu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cách đất liền 24km, Cù Lao Xanh (thuộc xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) được ví như “hòn ngọc Biển Đông”. Nếu có dịp du lịch trên đất Bình Định mà chưa ghé Cù Lao Xanh thì coi như phí cả chuyến đi.

 

Từ ngoài biển nhìn vào, làng chài của ngư dân nằm ẩn mình dưới hàng dừa rợp mát ven biển, bên bờ cát trắng phau làng chài yên ả, thanh bình, không có bụi khói ô tô, xe máy. Người dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản trên những chiếc thuyền thúng có gắn động cơ. Trong ánh nắng tinh khôi buổi sớm, những chiếc thuyền thúng trên nền biển xanh như nét chấm phá sinh động khiến cho khung cảnh Cù Lao Xanh đẹp tựa tranh vẽ.

 

Làng chài nằm ẩn mình dưới hàng dừa rợp mát ven biển.



Từ trung tâm xã, men theo con đường bê tông vòng quanh đảo, qua các dãy nhà, du khách có thể leo lên núi khám phá ngọn hải đăng được xây dựng từ thời Pháp thuộc (năm 1890), cao 119m. Đây là một chứng tích của thời gian vẫn còn hiện hữu sừng sững tại Cù Lao Xanh. Công trình được xây dựng và hoàn thành trong 10 năm. Đây là một trong những ngọn đèn biển cổ nhất Việt Nam, từ lâu, được xem là biểu tượng của Cù Lao Xanh.

Đối diện hải đăng là cột cờ Tổ quốc được xây dựng trên ngọn đồi cao, khánh thành ngày 31.10.2014 với chiều cao 22,66m, bằng chất liệu đá Granite, có ghi rõ chủ quyền, kinh độ, vĩ độ của đảo Cù Lao Xanh.

 

Các con đường ven đảo được bao bọc bởi các khối bê tông.


Đảo chưa có điện lưới quốc gia mà chỉ có điện từ máy phát từ 17h đến 23h hằng ngày, mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu điện sinh hoạt; nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội. Cũng vì thiếu điện, tiềm năng của Cù Lao Xanh vẫn chưa được đánh thức, nhiều dự án đăng ký đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào Cù Lao Xanh cũng vì thế chậm triển khai, thực hiện.

 

Người dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề nghề đánh bắt hải sản.



Bên cạnh đó, đảo cách xa đất liền, mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ra đảo rồi về lại đất liền nên việc chuyên chở nhu yếu phẩm phục vụ người dân trên đảo và đưa đón khách du lịch cũng bị hạn chế.

Du lịch trên Cù Lao Xanh vẫn hoàn toàn tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ, hầu như không có bất cứ cơ sở lưu trú chuyên nghiệp nào. Du khách muốn ngủ lại đêm trên đảo thường phải tìm vào nhà dân thuê phòng. Cùng với đó là sự thiếu quán ăn, dịch vụ giải trí cho du khách có nhu cầu lưu trú tại đây.


 

Hiện mỗi ngày chỉ có một chuyến tàu ra đảo.



Do đó, dù cảnh quan thiên nhiên đẹp nhưng Cù Lao Xanh ít được du khách tìm đến. Khách ra đảo, chủ yếu đi tự phát ra khám phá đảo rồi nhanh chóng quay về đất liền trong ngày. Đây là vấn đề khó khăn cho du lịch Cù Lao Xanh. Về lâu dài, tình trạng này khó có thể đưa du lịch Cù Lao Xanh phát triển bài bản, đồng bộ như nhiều khu vực khác tại Bình Định.

N.V (t/h, LĐO)

Có thể bạn quan tâm