Thời sự - Bình luận

Cùng chào năm học mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một buổi mai, từ ban công, tôi nhìn sang căn nhà đối diện, bắt gặp hình ảnh những chiếc áo trắng bay bay trong nắng sớm. Phải rồi, đã đến ngày tựu trường, tụi trẻ ríu rít gặp nhau để chuẩn bị đón năm học mới. Tôi bất chợt quay sang hỏi cậu con trai, con muốn đi học hay nghỉ hè. Con đáp, con muốn đi học, đi học vui.

Trẻ con thành phố nhìn vậy mà không phải lúc nào cũng ưu thế. Nghỉ hè, tháng đầu, tôi cho con về quê với bà ngoại. Con hết đi bắt ốc, mò cua, đi vào làng chơi, cho đến leo núi, đi suối với bạn, đi rẫy với bà. Ở quê, con trẻ có không gian chơi đùa, gần gũi thiên nhiên. Còn ở thành phố, tụi trẻ đến hè lại được dồn vào... mùa “năng khiếu”. Nhà thì cho con đi trại hè quốc tế, học kỹ năng, nhà thì cho con đến các trung tâm học võ, vẽ, đàn, hát, bơi lội... Bạn tôi nói, gửi luôn ở trung tâm, học được gì thì học, với lại có nơi gửi con. Vợ chồng đi làm, gia đình 2 thế hệ, nếu không gửi con thì suốt ngày nhốt ở nhà lại điện thoại, ti vi.

Lớp học được các giáo viên trang trí đẹp mắt để chào đón học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường. Ảnh: Trần Văn Chương

Lớp học được các giáo viên trang trí đẹp mắt để chào đón học sinh lớp 1 trong ngày tựu trường. Ảnh: Trần Văn Chương

Hè 3 tháng, tôi hỏi cậu chàng, con thích học gì, cậu không có hứng thú với tiếng Anh, tin học, võ, vẽ, cuối cùng chọn ở nhà, đi bơi, bóng rổ. Có lẽ vì thế mà con mong đến trường. Nhưng ít nhất, tôi cũng thấy con có niềm vui khi đến lớp, không bị áp lực, đúng với khẩu hiệu của ngành Giáo dục “trường học thân thiện”, “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.

Đầu năm học, lan man lo chuyện sách vở. Sách giáo khoa cải cách, mỗi bộ vài chục cuốn, mỗi trường chọn 1 bộ. Cặp dùng lại chiếc cũ. Khi con đòi mua mới, tôi nói nhẹ với con, chỉ cần khâu lại là được. Tôi không tiếc tiền, nhưng qua đó muốn dạy con đức tính tiết kiệm và những lợi ích khác.

Tôi nhớ lại thời của mình, hồi học tiểu học cũng chỉ có cuốn Toán và Tiếng Việt. Sách thì chị học để lại cho em. Tôi hay ghi vào sách, mỗi cuốn cứ thế đầy nét ngang dọc. Vở ô ly dùng tiết kiệm. Viết xong rồi, nhúng vào nước, để ráo, nó bay mực cũ đi thế là thành vở nháp, giấy ố vàng cong queo. Cặp đi học cũng cứ thế chuyền từ năm này sang năm khác, đứa này sang đứa kia. Áo quần thì khỏi nói, đầu năm, mẹ may cho bộ mới, rộng một xíu, mặc đi khai giảng, sau đó thì cất đi, Tết mặc tiếp và từ Tết trở đi mới được mặc chính thức. Áo cũng phải giữ, nếu còn mới thì lại nhường cho em.

Lên THPT, mặc áo dài tuần 3 ngày, mẹ may cho 1 bộ mới, còn lại là những chiếc áo cũ được chuyền từ vài ba chị trước. Chúng tôi đã lớn lên như thế. Cũng có đôi lần thấy mình tủi thân vì khổ, bữa cơm ngày đói ngày no, bữa mong thịt, bữa chờ cá... nhưng cứ thế mà lớn lên. Và, đây cũng là thời mà tôi neo giữ được nhiều ký ức đậm sâu nhất.

Tôi hiểu, con tôi rồi cũng sẽ có ký ức của riêng mình khi sau này lớn lên kể với bạn, mỗi thời khác nhau. Con được tôi mua thêm chiếc áo trắng mới, để lỡ trời mưa, lỡ không giặt kịp có cái dự phòng; bạn bè con cũng thế, lớn lên trong đủ đầy. Tôi cũng sợ con quên mất sự chia sẻ, sống đầy đủ dễ sinh ích kỷ nên dạy con, cố gắng sẻ chia với người cơ nhỡ, yếu thế. Sách, áo giữ sạch để tặng các bạn, đầu năm nhớ để dành ít tiền, cùng với mẹ mua vở gửi tặng các bạn chưa quen, dạy từ những điều nho nhỏ để con có ký ức mà lớn lên cùng năm tháng.

Chuẩn bị năm học mới, đường phố lại rộn ràng, giờ cao điểm tấp nập người và xe. Tôi mong, các con ngoài kiến thức sẽ học thêm được nhiều về tình yêu thương, sự chia sẻ và các giá trị sống cơ bản. Bởi kiến thức nay mai có thể thay đổi nhưng gốc rễ làm người cần tử tế, chia sẻ, trung thực, thẳng thắn, yêu thương thì không thay đổi dù bạn sống ở xã hội nào.

Có thể bạn quan tâm