Củng cố phong trào Đoàn ở cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượng đoàn viên và các tổ chức cơ sở Đoàn, phát huy vai trò của đoàn viên trong việc xây dựng mối quan hệ phối hợp của tổ chức Đoàn nơi đoàn viên đang công tác, học tập với tổ chức Đoàn nơi cư trú, Trung ương Đoàn đã có Hướng dẫn số 66/HD-BTC quy định đoàn viên phải tham gia sinh hoạt nơi cư trú ít nhất 3 lần/năm. Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Hoàng Phong-Phó Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai-xung quanh vấn đề này.
 

 

* Thực hiện theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương Đoàn về việc “Đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú”, đến nay Tỉnh đoàn Gia Lai đã triển khai công tác này như thế nào?

- Ngay từ tháng 8-2013, Ban thường vụ Tỉnh đoàn đã có văn bản hướng dẫn các Huyện, Thị, Thành đoàn và Đoàn trực thuộc thực hiện việc tổ chức cho đoàn viên tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú. Ngay sau đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn cũng có buổi làm việc với Bí thư các Đoàn trực thuộc để quán triệt từng nội dung, thời gian triển khai; quy trình thủ tục để chuyển đoàn viên về nơi cư trú; nhận xét, đánh giá đoàn viên cuối năm ra sao… Đồng thời yêu cầu Bí thư chi đoàn quán triệt lại đối với tất cả các cơ sở Đoàn thôn, làng, khối phố, xã phường, thị trấn.

Trước mắt, từ ngày 1-1-2014, những đoàn viên là công chức, viên chức thuộc tổ chức Đoàn trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của cấp tỉnh, huyện, xã; đoàn viên là giáo viên thuộc tổ chức Đoàn các trường học THPT, THCS trên địa bàn là hai đối tượng nòng cốt mà Ban Thường vụ Tỉnh đoàn lựa chọn để triển khai trước. Đoàn viên được chuyển về sinh hoạt tại nơi cư trú là những đoàn viên có trình độ, có kinh nghiệm, tri thức; là những người có năng khiếu trong các phong trào Đoàn, cách làm việc khoa học..., qua đó sẽ góp phần đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt thêm phong phú hơn, vực dậy các phong trào Đoàn ở các nơi này.

 

Phối hợp với thanh niên địa phương giúp người dân sửa nhà. Ảnh: Hoàng Ngọc
Phối hợp với thanh niên địa phương giúp người dân sửa nhà. Ảnh: Hoàng Ngọc

Thêm một đối tượng nữa là đoàn viên công nhân-lao động thuộc tổ chức Đoàn tại 4 công ty cao su đứng chân trên địa bàn tỉnh, gồm Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang. Tuy nhiên công tác triển khai ở đối tượng đoàn viên này sẽ gặp nhiều hạn chế vì đa phần họ lao động tay chân, thời gian làm việc cả ngày hoặc làm việc theo ca nên sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt Đoàn ở nơi cư trú.
 

* Theo anh, thông qua việc đưa đoàn viên về tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú, phong trào Đoàn ở các địa phương được kỳ vọng sẽ chuyển biến ra sao?
 

- Khi đoàn viên về tham gia sinh hoạt tại nơi cư trú sẽ làm cho các hoạt động phong trào Đoàn nơi đây thêm phong phú. Trước đây các Bí thư ở các thôn làng, tổ dân phố vẫn theo lối mòn thì nay nội dung, hình thức sinh hoạt sẽ có nhiều đổi mới do có sự tham gia tư vấn của các lực lượng đoàn viên mới này. Ngoài ra, đưa đoàn viên về sinh hoạt tại địa phương cũng là một cách bổ sung thêm nguồn lực để nơi cư trú thực hiện các nhiệm vụ công tác Đoàn, phong trào thanh niên nơi cư trú. Đây là nguồn lực về chất xám, nguồn lực về con người cùng chung tay với Đoàn nơi cư trú thực hiện các vấn đề phát triển kinh tế-xã hội, các hoạt động tình nguyện cũng như đảm bảo quốc phòng-an ninh.
 

Vệ sinh môi trường nông thôn. Ảnh: Hoàng Ngọc
Vệ sinh môi trường nông thôn. Ảnh: Hoàng Ngọc

Đơn cử như: đoàn viên Công an về nơi cư trú tại địa phương thì tình hình an ninh chính trị ở địa phương đó sẽ được tốt hơn, đoàn viên là giáo viên thì các hoạt động xóa mù chữ nơi cư trú sẽ nổi trội hơn; đối với đoàn viên là công chức, viên chức thì việc tư vấn, hướng dẫn về vấn đề hành chính thủ tục, tham gia tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giải quyết những vấn đề bức xúc của địa phương là rất thiết thực.

* Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng sẽ khó gắn kết được hai lực lượng đoàn viên này với nhau, từ đó khiến phong trào chỉ mang nặng tính hình thức. Anh có nhận xét gì về ý kiến trên?

 

Tỉnh đoàn Gia Lai hiện trực tiếp quản lý 27 đầu mối, tức là 17 Huyện, Thị, Thành đoàn và 10 cơ sở Đoàn trực thuộc gồm: Đoàn Công an tỉnh, Quân sự, Biên phòng, 4 công ty cao su, Đoàn Khối các cơ quan tỉnh, Đoàn Khối Doanh nghiệp, Đoàn trường Cao đẳng Sư phạm... với gần 84.000 đoàn viên trên địa bàn tỉnh.

- Để đánh giá hoạt động này có mang tính hình thức hay không thì vẫn còn hơi sớm, vì đang trong giai đoạn triển khai. Tuy nhiên để chương trình này hoạt động có hiệu quả thì trước hết bản thân mỗi đoàn viên về sinh hoạt tại nơi cư trú phải hoạt động tích cực, nghiêm túc, đồng thời cán bộ Đoàn ở cơ sở phải tạo điều kiện cho đoàn viên cống hiến, phát huy các sở trường của mình. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ hai phía, một trong hai phía không tích cực thì chắc chắn chương trình sẽ không hiệu quả và sẽ mang tính hình thức ngay.

Sắp tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn sẽ có những đợt kiểm tra giám sát, đánh giá cụ thể nhằm phân loại ra đối tượng nào triển khai tốt hoặc chưa tốt để kịp thời điều chỉnh. Tuy nhiên, hoạt động này còn tùy thuộc vào điều kiện ngoại cảnh, tùy theo địa bàn dân cư mà có những đặc điểm khác nhau. Nếu địa bàn thành phố thì thuận lợi về cơ sở, điều kiện vật chất còn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy có tính cộng đồng cao nhưng cơ sở vật chất thì còn nhiều khó khăn. Do đó, tùy vào điều kiện cụ thể chúng tôi sẽ hướng dẫn để phát huy hết những ưu điểm của chương trình này và hạn chế khuyết điểm.

* Xin cảm ơn anh!

Minh Triều (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm