Thời sự - Bình luận

Cùng nhau vượt khó  

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Vừa bước vào những tháng cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp (DN) phía Nam, nhất là các tỉnh lân cận TP HCM - đã gặp cảnh khó khăn vây bủa.

Do ảnh hưởng từ những tác động kinh tế thế giới khiến nhiều đơn hàng bị hủy hoặc ngưng trệ, nhiều DN phải cho công nhân (CN) nghỉ chờ việc hoặc làm việc cầm chừng để giữ nguồn lao động, thậm chí có DN phải giải thể, phá sản.

Tại tỉnh Bình Dương, do tình hình sản xuất khó khăn, 240.000 CN bị giảm giờ làm, 28.000 CN phải chấm dứt hợp đồng lao động, hơn 70.000 CN nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần. Tại TP HCM, Công ty Pou Yuen phải cho 20.000 CN nghỉ việc luân phiên, mỗi CN được trả lương 180.000 đồng/ngày…

Những nỗ lực xoay xở tìm kiếm đơn hàng, giữ việc làm cho người lao động (NLĐ) và DN thể hiện thiện chí chăm lo cho NLĐ là rất đáng quý, nhất là trong thời điểm đi dần vào cuối năm, cái Tết đang cận kề và cả DN lẫn NLĐ đều nghĩ đến với tâm trạng chung là mong sao có thể đắp đổi để cùng nhau đón cái Tết "không đến nỗi nào"…

Hai năm kiên cường chống chọi với đại dịch COVID-19, vừa gượng dậy, nỗ lực khôi phục sản xuất chưa lâu thì DN lại gặp phải những khó khăn, như một cú đánh bồi, một đòn nặng giáng xuống. Tình thế đó buộc không ít DN đứng trước những lựa chọn cân não: Chấm dứt hợp đồng, trả trợ cấp thôi việc cho CN hay tạm hoãn hợp đồng, cho CN nghỉ việc không lương...

Lựa chọn nào cũng khó khăn, bởi thời điểm này khoản tiền trả lương chờ việc đã là nan giải, khoản trợ cấp thôi việc không biết xoay xở làm sao. Cho CN nghỉ việc không lương cũng là giải pháp trung hòa, chờ đợi thời cơ may mắn để hồi phục và lúc đó đã có sẵn nguồn lao động, không phải chạy đôn chạy đáo kiếm tìm như nhiều DN từng mắc phải.

Để hỗ trợ DN và NLĐ, các địa phương đều có những giải pháp từ các cơ quan chức năng để giám sát thực hiện đúng pháp luật lao động, nhất là các khoản tiền lương, trợ cấp; đồng thời kết nối, liên thông giải quyết việc làm, điều tiết lao động phù hợp và tìm kiếm đơn hàng, hỗ trợ DN. Tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng chỉ đạo các cấp Công đoàn tham gia đối thoại, thương lượng với chủ sử dụng lao động, duy trì việc làm cho NLĐ, hạn chế tối đa việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạm hoãn hợp đồng lao động.

Trước cái Tết đang dần đến, bị chấm dứt hợp đồng, mất việc là chắc chắn NLĐ đối diện với những ngày Tết buồn. Bất cứ NLĐ nào nghĩ tới cũng đều lo âu, chua xót. Dù sao, giữ được vị trí việc làm, nghỉ việc luân phiên và hưởng lương chờ việc vẫn còn hơn những ngày nhà máy đóng cửa trong suốt 2 năm đại dịch.

Do đó, nỗ lực và thiện chí của DN thể hiện trong những ngày này sẽ được đền đáp ngày sau bằng tình cảm quý mến và sự gắn bó của NLĐ. Sự đùm bọc lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ luôn là động lực, sức mạnh nội tại của từng DN. Khi có được sự chăm lo, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng cùng DN, những ngày cuối năm của NLĐ ở những DN khó khăn sẽ nhẹ nhàng hơn. DN và NLĐ sẽ cùng nhau vượt qua được những thời khắc khó khăn nhất để phục hồi, phát triển, ổn định lâu dài.

Theo NGUYỄN MINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm