Phóng sự - Ký sự

Cuộc "cách mạng" nơi huyện nghèo nhất nước

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Từ tỷ lệ hơn 82% hộ nghèo đứng vào top đầu của 62 huyện nghèo nhất nước, Nam Trà My (Quảng Nam) đang lột xác không chỉ để thoát nghèo mà để làm giàu từ cây sâm và dược liệu. Nam Trà My đang có một cuộc “cách mạng” thực thụ để phát triển kinh tế địa phương mà xa hơn là dân không còn cảnh nghèo trên sâm quý.

Dân vùng sâm giàu hay nghèo?

Tỷ lệ hộ nghèo Nam Trà My đến nay đã giảm xuống còn 68%, đối với huyện miền núi qua bao đời lãnh đạo huyện vẫn loay quay với chuyện thoát nghèo, con số đó là tín hiệu đáng mừng. Nhưng chuyện dân Nam Trà My giàu hay nghèo vẫn là ẩn số.

 

Cảnh ăn nhậu thường bắt gặp ở xã nghèo, thủ phủ sâm Trà Linh.
Cảnh ăn nhậu thường bắt gặp ở xã nghèo, thủ phủ sâm Trà Linh.

Xã Trà Linh thủ phủ sâm (Nam Trà My) nằm dưới chân núi Ngọc Linh nay đã đổi thay hơn nhiều khi tuyến đường về đến xã đã được mở, rải nhựa. Hàng quán dọc đường cũng mở nhiểu hơn. Ghé một quán nước ở thôn 2, tôi gặp nhóm thanh niên đang ngồi nhậu. Mới 9h sáng, mà dưới bàn đã ngổn ngang vỏ bia. Bên cạnh là một phụ nữ đang ôm bụng, lả đi vì đau đớn. Thế nhưng anh chồng Hồ Văn Lỗi vẫn bình chân ngồi uống. Hỏi chuyện mới hay, vợ Lỗi, Hồ Thị Thuê đau 2 ngày nay cúng bái không đỡ nên sáng nay đưa xuống núi. Vì đường rừng nên phải huy động anh em trong làng dùng võng, thay nhau khiêng. Đi bộ mất 3 giờ đồng hồ. Xuống đến đường cái, thay vì tìm cách đưa người đi cấp cứu, Lỗi và nhóm thanh niên sa vào quán làm mấy lon bia. Thấy chị vợ không ổn, chủ quán ông Trần Tư, vẫy xe ô tô xin cho hai vợ chồng xuống bệnh viện huyện. Thế nhưng Lỗi vẫn chưa chịu đi. Thấy vậy, tôi và anh bạn đồng nghiệp lớn tiếng quát nạt, dọa dẫm, Lỗi mới chịu dìu vợ lên ô tô đang đứng chờ. Lên xe rồi, Lỗi vẫn bảo xe chạy đến quán khác. Giọng Lỗi lúc này đã lè nhè. Ông Tư phải chạy ra, lớn tiếng quát lái xe: “Không có ăn uống gì hết. Chạy đưa vợ nó vào viện đã. Xong nó ăn uống gì thì mặc!” Xe chạy đi, ông Tư lắc đầu ngao ngán: Thế đó. Vợ chết đến nơi không lo. Còn lo ăn với uống!

Từ xuôi lên đây buôn bán đã mấy chục năm, hỏi chuyện buôn bán ông Tư bảo: “Cũng được”. Chỉ tay về kho chất đầy bia lon, ông Tư cho biết: “Dân đây nghiền bia lắm. Uống bia thay nước!”. Quán ở xã vùng cao nghèo, với hơn 600 hộ dân mà bia chất cao, khiến ai lần đầu thấy cũng choáng. Cả xã có hơn 10 quán như vậy. Quán nào cũng trữ bia. Hàng tuần, xe ô tô chở bia lên tận nơi. Thế nhưng ông Tư bảo, khoảng một tuần là hết ngay. “Không có sức cõng lên núi. Chứ có sức bao nhiêu họ cũng cõng lên. Có tháng bán cả gần ngàn thùng”. Phía sau quán ông Tư, vỏ lon bia cũng chất đống.

Lân la hỏi chuyện sâm, ai cũng lắc đầu bảo không có. Ông Tư đứng bên tiếp lời: “Đời nào họ nói. Không có sâm thì lấy đâu ra tiền mà ăn uống. Nhìn vậy chứ đâu có mắc nợ mình. Tiền bạc sòng phẳng lắm”.  Theo phòng LĐTB&XH huyện Nam Trà My, xã Trà Linh hiện có 400/634 hộ nghèo với tỷ lệ hơn 63%, là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện. Có sâm không nói vì sợ mất trộm. Thế nên mới có chuyện, ở nóc Tak Ngo (thôn 2 xã Trà Linh, Nam Trà My) hồi đầu năm 2017, nhóm hộ gia đình ở đây mất gần 10 kg sâm, trị giá tiền tỷ. Mất sâm mới lòi ra chuyện,  trong nhóm hộ đó có cả hộ thuộc diện nghèo.

 

Sâm quý Ngọc Linh được bày bán tại Hội chợ sâm với giá cao ngất.
Sâm quý Ngọc Linh được bày bán tại Hội chợ sâm với giá cao ngất.

Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần đầu tiên cùng Hội chợ quảng bá sâm Ngọc Linh vừa kết thúc. Con số thống kê của UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trong những ngày diễn ra Hội chợ có trên 13.000 lượt người đến mua sắm, với doanh thu thống kê được trên 12,5 tỷ đồng. Với một huyện miền núi đứng vào top các huyện nghèo nhất nước, doanh thu của một hội chợ như vậy là con số mơ ước. Chứng kiến cảnh buôn bán sâm, thu tiền tươi mới thấy người dân thủ phủ sâm thu lợi thế nào.

Dân vùng trồng sâm giàu hay nghèo? Tôi hỏi, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My trả lời thẳng: Chưa có đường, có điện thì người dân vùng trồng sâm đang  nghèo. Nghèo đa chiều. Nhưng nếu xét về mặt tiền bạc, dân vùng sâm trên mức quy định nghèo của nhà nước mấy chục lần.

“Trên vùng trồng sâm, bà con khả năng mua ô tô rất nhiều nhưng vẫn nghèo vì chưa có đường, có điện. Có ở đâu như huyện Nam Trà My, huyện nghèo mà lớp học bằng lái xe ô tô khi nào cũng kín chỗ. Chuyện mua ô tô với người dân vùng sâm là chuyện nhỏ” ông Bửu cho biết.

Không dũng cảm đừng mơ phát triển

Từ khi đề án bảo tồn và phát triên sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) được Chính phủ thông qua và sâm núi Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia, ông Bửu cho hay, tốc độ phát triển trồng sâm ở Nam Trà My tăng chóng mặt. Từ 100 hộ với 65 ha đến nay Nam Trà My đã có hơn 900 hộ với 1.200 ha ở 7/10 xã của huyện.  Đã có 6 doanh nghiệp đăng ký vào đầu tư trồng sâm núi Ngọc Linh, trong đó đã có 2 doanh nghiệp đã tổ chức trồng sau khi được UBND tỉnh cho phép thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm, 4 doanh nghiệp đang thực hiện việc xác lập hồ sơ. Tổng diện tích đăng ký gần 100ha. Ngoài các doanh nghiệp nói trên thì trên địa bàn huyện còn có những cá nhân, tập thể vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng sâm; Đặc biệt hiện nay, có một số doanh nghiệp có nguyện vọng đầu tư xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sâm núi Ngọc Linh... Sau kỳ lễ hội sâm thành công, vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã đồng ý để Nam Trà My tổ chức chợ sâm thường niên tháng một lần. Chợ sâm sẽ có sự giám sát kỹ của lực lượng chức năng, đảm bảo nguồn gốc sâm thật 100% được trồng tại Nam Trà My…

“ Bây giờ chưa có điện, chưa có đường thì dân nghèo. Khi có đường, có điện, người dân có ánh sáng văn minh sẽ thay đổi tư duy. Mục tiêu của huyện bây giờ không phải là thoát nghèo nữa, mà là làm giàu” ông Bửu cho biết.

 

Đường lên vùng trồng sâm đang được đầu tư mở rộng.
Đường lên vùng trồng sâm đang được đầu tư mở rộng.

Những con đường lên vùng trồng sâm ở vùng núi Ngọc Linh đang được mở theo Đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.  Dự tính cuối năm nay, toàn bộ các tuyến đường lên vùng sâm Ngọc Linh sẽ cơ bản mở xong.  Chính quyền huyện Nam Trà My hi vọng sẽ khai phá, đưa ánh sáng văn minh lên những vùng sâm và giúp người dân thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm. Tuyến đường Tăk Pong – Tăk Ngo nối Trung tâm xã Trà Linh lên thôn 2  dài hơn 8km với tổng mức đầu tư hơn 80 tỷ đồng đang được thi công, xe ô tô đã có thể vào đến tận thôn 2. Dân làng chở sâm xuống huyện bán cũng dễ dàng hơn xưa.

“Nếu không đầu tư, không mở đường thì làm sao doanh nghiệp dám lên đây. Phải có hạ tầng thì mới tính được chuyện thu hút, đầu tư” - ông Bửu nói. Nhắc đến chuyện mở đường mất rừng, nguy cơ mất trộm sâm quý, ông Bửu vẫy tay: “Con đường như sợi tóc trên đầu. Dân vùng sâm họ thừa biết muốn trồng sâm phải giữ rừng. Chuyện mất trộm này kia, khi có điện có đường sẽ khác. Với người dân vùng sâm, bỏ mấy trăm triệu lắp đặt camera hay thiết bị chống trộm là chuyện nhỏ. Nhưng trước hết phải có đường, có điện cái đã”.

Vừa qua câu chuyện xây dựng nhà máy thủy điện ở Nam Trà My cũng gây tranh cãi, bàn tán trên báo chí, ông Bửu chia sẻ: Nam Trà My hiện tại chỉ mới 30% người dân dùng điện lưới quốc gia. Cảnh cắt điện diễn ra như cơm bữa. Nếu làm thủy điện ở Nam Trà My thì các nhà đầu tư phải góp tiền xây dựng đường dây 110 để bán điện. Đây là một lợi ích kép, lợi ích cho người dân, lợi ích cho đất nước cho địa phương, doanh nghiệp. Nếu không làm thì dòng nước đó cũng chảy xuống sông Tranh, trong khi Nam Trà My đang cần điện. Không dũng cảm làm thì không thể thoát nghèo và đừng mơ Nam Trà My phát triển được. Chỉ 5 - 10 năm nữa thôi, khi hạ tầng đường điện có, lúc đó Nam Trà My sẽ khác.

Nguyên Thành/tienphong

Có thể bạn quan tâm