Phóng sự - Ký sự

"Cuộc chiến" giữ nhà cho voọc mông trắng (Bài 1): Đi tìm loài "báu vật quốc gia"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Voọc mông trắng - một trong năm loài linh trưởng quý hiếm nhất thế giới và chỉ được ghi nhận ở khu vực núi đá vôi huyện Kim Bảng và khu bảo tồn đất ngập nước đầm Vân Long (tỉnh Hà Nam) của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ “mất nhà”, không còn nơi sinh sống...
Cuối tháng 2, chúng tôi gọi điện cho ông Lê Văn Hiên (60 tuổi, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) xin đi rừng để mắt thấy tai nghe loài voọc mông trắng - loài linh trưởng chỉ có ở Việt Nam.
Xuyên rừng tìm voọc mông trắng
Ông Hiên nhận lời và dặn chúng tôi phải chuẩn bị dép đi rừng, thuốc men, áo ấm cho chuyến đi rừng dài ngày. Nhà ông Hiên ở gần với rừng nguyên sinh đá vôi rộng 4.500ha thuộc địa phận huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ít ai ngờ rằng, người đàn ông này trước đây là một thợ săn "khét tiếng" khu vực, còn giờ đây lại là một người bảo vệ rừng cần mẫn. Sau màn chào hỏi ngắn gọn, ông Hiên dẫn chúng tôi qua đường vào cửa rừng ở xã Thanh Sơn. Ông Hiên dẫn chúng tôi đi tắt qua một công trường khai thác đá, với tấm biển với dòng chữ khổ lớn "khu vực nổ mìn, hạn chế đi lại".

Ông Lê Văn Hiên, (60 tuổi) ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ảnh: P.V
Ông Lê Văn Hiên, (60 tuổi) ở xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Ảnh: P.V
Voọc mông trắng là loài linh trưởng đặc hữu, chỉ phân bố tự nhiên ở Việt Nam. Hiện nay, loài này được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) trong danh lục đỏ của IUCN (2019); thuộc Nhóm IB, Nghị định 06/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
Tiến sâu vào trong rừng, cách công trường khai thác đá khoảng hơn 1km là thung Ba Bậc. Bước đi trên lối mòn do người dân tự mở, ông Hiên nhắc chúng tôi chú ý đến những hòn đá tai mèo sắc nhọn ven đường.
Mặt trời đứng bóng cũng là lúc chúng tôi tới lán trại tại thung Ba Bậc nghỉ ngơi và chờ vận may được giáp mặt với loài thú quý hiếm chỉ có ở tỉnh Hà Nam của Việt Nam. Sau hơn một giờ chờ đợi không thấy động tĩnh của voọc, ông Hiên vẫy tay bảo chúng tôi tiếp tục xuyên rừng. Chúng tôi lại mải miết leo đá cắt rừng sang thung Cơm Tám. Đứng trên đỉnh núi,ông Hiên quan sát thấy thấp thoáng vệt trắng phau trên hàng cây.
"Có thể đó là đàn voọc mông trắng"- ông Hiên nói lớn, giọng khấp khởi. Người đàn ông ra tín hiệu cho chúng tôi núp vào bụi cây lớn. 1 phút rồi đến 2 phút trôi qua vẫn không thấy đàn voọc mông trắng xuất hiện, ông Hiên từ lùm cây lớn bước ra. Giọng tỏ vẻ đầy luyến tiếc, ông Hiên nói: "Cũng có thể đó là con voọc mông trắng đầu đàn. Thông thường khi đi ăn con đầu đàn bao giờ cũng lên ngọn cây cao nhất để cảnh giới, nếu thấy an toàn chúng sẽ ra tín hiệu cho đàn nhảy lên các ngọn cây để ăn lá non. Nếu thấy động, chúng sẽ ra tín hiệu cho đàn ẩn nấp ngay. Vừa nãy có thể chúng phát hiện ra có người nên đã ẩn nấp".
Ngày hôm đó, chúng tôi không gặp được đàn voọc nào, phải hạ trại ngủ lại trong rừng.
Nước mắt người thợ săn
Tối đó, chúng tôi nấu ăn bằng thực phẩm đã chuẩn bị sẵn từ nhà. Trong suốt buổi tối trên đỉnh thung Cơm Tám, ông Hiên cũng trải lòng về việc từ một thợ săn "khét tiếng" nay lại bỏ công bỏ việc để đi bảo vệ từng cái cây, con thú trong rừng. "Hồi tôi 20 tuổi, rừng còn nhiều thú lắm, không chỉ có voọc đâu" - ông Hiên bắt đầu câu chuyện.
"Người ta mua con sơn dương bằng 5 tạ thóc, 1 con khỉ hay voọc thương lái mua về nấu cao bằng cả chục tấn thóc. Người ta đến tận nhà mua, kinh tế gia đình khấm khá, ai mà không ham?" – người đàn ông có vẻ mặt khắc khổ nhớ lại. Cứ thế, "thợ săn" Lê Văn Hiên trở thành ác mộng với các loài thú ở rừng núi đá vôi nguyên sinh Kim Bảng, Hà Nam. Bước ngoặt đến với gã "thợ săn" vào năm 30 tuổi.
Năm đó, ông Hiên nhận lời dẫn chuyên gia Lê Văn Dũng đi điều tra về loài voọc mông trắng. Lần đầu tiên sau nhiều năm, ông Hiên vào rừng mà không khoác súng trên vai. Thay vì ngắm voọc qua đầu ruồi khẩu súng, với vài giây suy nghĩ rồi bấm cò, ông Hiên có hẳn một tuần ngắm bầy voọc qua ống nhòm, nhìn bầy voọc con quấn quýt bên mẹ, voọc bố dạy con kiếm ăn. Tim gã thợ săn rung động, mắt đỏ hoe như muốn rơi lệ. Ông Hiên nhớ lại: "Anh Dũng bảo tôi voọc cũng như con người, đều có tình cảm, yêu thương lẫn nhau. Một con voọc chết cả đàn sẽ bỏ ăn, buồn rầu. Voọc mẹ chết, con cũng sẽ chết. Anh Dũng khuyên tôi nên buông súng".
Sau chuyến đi, ông Hiên trở về nhà, nhiều đêm mất ngủ. Ông kể chuyện với vợ, bà cũng khuyên ông nên dừng lại đừng sát sinh nữa. "Cốc nước đục ông đã lọc lại cho nó trong rồi, giờ làm thế nào để giữ nước đó trong suốt, đừng để vẩn đục trở lại. Vợ tôi khuyên tôi vậy đấy"- giọng ông Hiên hơi nghẹn lại.
Thế là, ông Hiên bỏ nghề săn bắn thật. Hai vợ chồng thầu thêm ruộng, nuôi lợn, nghiền đá thuê với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Cuộc sống vất vả, khó khăn, nhưng hai vợ chồng vẫn luôn động viên nhau vượt khó, quyết không trở lại nghề cũ. Hai năm sau, ông Tilo Nadler - Giám đốc Trung tâm Cứu hộ linh trưởng nguy cấp, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) đã tìm đến và mong muốn ông tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ các loài động vật hoang dã. Ông Hiên cũng được giao nhiệm vụ thành lập Tổ tuần tra bảo vệ rừng, hiện tổ đã có 6 thành viên. Công việc của tổ tuần tra là gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí, môi trường sống của voọc mông trắng và các loài động vật trong khu rừng. Khi phát hiện hành vi phá hoại, săn bắt thú rừng, tổ sẽ thông báo để lực lượng kiểm lâm xử lý. Giờ, voọc mông trắng trở thành bạn của ông. Ông Hiên nhớ được từng khu vực gia đình voọc sinh sống, kiếm ăn.
Sáng hôm sau, chúng tôi lại đi rừng. Sau nhiều giờ kiên nhẫn chờ đợi, ông Hiên chỉ cho chúng tôi một đàn voọc mông trắng đang kiếm ăn ở phía xa. Con đực đầu đàn chọn vị trí cây cao nhất để cảnh giới cho đàn. "Đàn này khoảng 12 – 13 con, voọc lớn trung bình từ 8 - 10kg, đặc trưng là vùng mông có lông trắng kéo dài như mặc quần đùi. Chỉ có ở Hà Nam mới có loài này chú ạ, thế giới không đâu có" - ông Hiên say sưa thuyết minh với chúng tôi về loài voọc. Thế nhưng, dù có Tổ tuần tra bảo vệ rừng canh gác, lực lượng kiểm lâm xử nghiêm các hành vi vi phạm nhưng loài voọc "mặc quần đùi" lại đang đứng trước mối nguy mất nhà, thu hẹp khu vực sinh sống. 
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)
https://danviet.vn/cuoc-chien-giu-nha-cho-vooc-mong-trang-bai-1-di-tim-loai-bau-vat-quoc-gia-20210314173412149.htm

Có thể bạn quan tâm