Ba tháng qua, đại dịch Covid-19 đã thay đổi thế giới. Không một gia đình nào đứng ngoài cuộc chiến với virus corona. Trong lúc này, trên mọi miền đất nước, mọi người đều phải chấp nhận đối mặt và học cách thích nghi với những biến động sâu sắc của xã hội.
Lực lượng chức năng bảo vệ và phục vụ người cách ly tại nhà số 3, ngõ 162, phố Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên, Hà Nội. |
Kỳ 1: Khẩn trương chuyển trạng thái
Sau buổi làm việc như mọi ngày, tôi trở về nhà trọ Ngọc Thắng số nhà 162 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội) với tâm trạng rối bời. Chiều 16-2, đọc báo biết tin bạn Q., tiếp viên hàng không, ở cùng tầng tư với mình, đã dương tính với Covid-19, trở thành bệnh nhân thứ 59. Mấy hôm trước, khi Q. nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, mọi người trong khu nhà liên tục điện cho cô Cầu, người trông coi khu nhà, xem xét nghiệm của Q. thế nào. Khi biết tin Q. dương tính với Covid-19, hầu hết mọi người tỏ ra bối rối, không biết nên ở hay nên đi.
Nhà trọ Ngọc Thắng thực chất là một khách sạn, sau cho thuê kiểu nhà trọ. Tòa nhà năm tầng này được trang bị thang máy, có hai khu nấu nướng và ba chỗ phơi đồ trên tầng thượng. Phòng ốc đẹp, bảo vệ tốt nên được nhiều bạn trẻ lựa chọn, trong đó có gần chục người của Đoàn bay Vietnam Airlines. Từ ngày dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, mọi người trong tòa nhà đều đeo khẩu trang, không chạm vào các bề mặt như thang máy, cầu thang và hạn chế tiếp xúc, đúng theo chỉ dẫn của ngành y tế. Thận trọng là thế nhưng không ai ngờ, con virus lại theo lên máy bay, qua hàng nghìn dặm len lỏi tới đây và gây họa. Q. chính là nạn nhân đầu tiên của tòa nhà này.
Sau khi tắm giặt, ăn tối, tôi vào mạng như mọi khi, dự cảm khu nhà sẽ bị cách ly nay mai. 22 giờ, cô Cầu đi từng phòng thông báo, ngày mai, không ai được ra khỏi nhà, chính quyền yêu cầu như thế. Một số người linh tính sẽ bị “nhốt” hai tuần nên chuẩn bị đồ đạc ra khỏi nhà. 22 giờ 30 phút, lực lượng công an, y tế phường Bồ Đề xuất hiện trước nhà. Một lát sau, xe tải chở biển báo, hàng rào sắt của Công an quận Long Biên có mặt. Một số người có ý định đi khỏi nhà được yêu cầu quay vào trong. 23 giờ, hàng rào vây quanh ngôi nhà được thiết lập. Thông báo khẩn, không ai được rời nơi cư trú, bất kể lý do gì. Đến lúc này, khoảng 40 người đang có mặt tại nhà trọ. Mọi người dường như không muốn chấp nhận thực tế là đã bị cách ly tại chỗ.
Sau khi nghe lực lượng chức năng tuyên truyền, cách ly để bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng, cơ bản mọi người chấp nhận biện pháp cách ly của chính quyền. Đêm đã khuya nhưng hầu hết mọi người không ngủ. Tiếng người nói, tiếng bước chân lên xuống cầu thang bộ rậm rịch. 0 giờ 30 phút sáng, cô Cầu và nhân viên y tế yêu cầu tất cả các phòng mở cửa để khử khuẩn. Một vài phòng cố tình đóng cửa lập tức bị gõ liên hồi, yêu cầu bật điện sáng. Các nhân viên y tế xuất hiện trong trang phục bảo hộ, mang theo các loại máy móc khử khuẩn từng phòng.
Xong, mọi người đi ngủ. Không nghe thấy tiếng cô Cầu gọi nữa. Sau này, chúng tôi mới biết, cô Cầu và một nam tiếp viên hàng không, người đi cùng chuyến bay với Q. vào TP Hồ Chí Minh ngày 4-3, được di chuyển khẩn cấp đến điểm cách ly ngay trong đêm. Hai người này thuộc diện F1, nghĩa là tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân F0.
Tưởng chừng giấc ngủ đã đến, nhưng điện thoại lại reo. Nhân viên y tế quận gọi điện hỏi han tình hình sức khỏe, lịch sử đi lại, mức độ tiếp xúc của một số người. Gần 2 giờ sáng, lại có tiếng gõ cửa dồn dập. Mọi người ký vào tờ khai gì đó. Một lát sau, nhân viên y tế vào lấy mẫu xét nghiệm mũi và hầu họng. Đến lúc này, tôi cảm thấy rất khó ngủ. Bên ngoài phòng ở vẫn rậm rịch tiếng bước chân qua lại. Gần 3 giờ sáng, điện thoại lại reo, nhân viên y tế quận đề nghị cung cấp thêm thông tin cá nhân, giọng gấp gáp. Sau đó là tiếng gõ cửa dồn dập từng phòng, tất cả mọi người trong nhà được phát quyết định cách ly của Chủ tịch UBND phường Bồ Đề, dấu đỏ chưa ráo mực. Tôi hiểu là mình chính thức bị cách ly, không thể ra ngoài trong suốt 14 ngày. Việc chuyển trạng thái quá nhanh khiến tôi không chợp mắt được chút nào.
Hộ lý Nguyễn Thị Kim Hoa, Khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn phục vụ chu đáo cho người bị cách ly. |
Sáng sớm hôm sau, cửa sắt khu nhà mở toang (bình thường giờ này vẫn đóng). Mặt ngõ phía trước được trưng dụng làm chốt canh cho lực lượng công an, dân phòng. Mọi người đang hoàn thiện lán trại. Điểm qua, có sắc áo trắng y tế, sắc phục cảnh sát và áo xanh của lực lượng dân phòng. Các anh chị hẳn đã chịu sức ép rất lớn và trắng đêm chuẩn bị mọi thứ. Nhìn mọi người vất vả làm việc dưới mưa phùn, anh em nhà trọ quay sang bảo nhau, người ta cũng vất vả rồi, đâu có ai sướng gì, thôi mình chấp hành đi.
Trạm Y tế phường đã lập nhóm Zalo nội bộ, gồm những người bị cách ly, thông tin y tế được cập nhật thường xuyên. Qua mạng nội bộ này, nhân viên y tế yêu cầu mọi người ở lại trong phòng, nên đeo khẩu trang mọi lúc, sát khuẩn tay liên tục. Mọi thông báo qua nhóm Zalo nhận phản hồi hai chiều khá tốt, khiến cho nhân viên y tế và người bị cách ly hiểu nhau và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Tôi nghĩ, cứ thế này thì cũng ổn. Chờ hai tuần trôi qua là xong. Tôi cũng làm xong thủ tục báo cáo cơ quan, xin tạm nghỉ việc và quay sang chat với bạn bè.
Gần trưa có thông báo cấm đi lại bằng thang máy. Mọi người đi xuống theo cầu thang bộ bên phải. Sau đó, thang máy dừng hoạt động. Chuyện đó không ngại. Điều đáng sợ hơn cả virus corona bây giờ đối với tôi và những người bị cách ly là mất internet, cánh cổng duy nhất kết nối chúng tôi với thế giới bên ngoài. Công việc, gia đình, bạn bè, mua bán, giao dịch, tất tật mọi thứ giờ chỉ trông chờ vào cái smartphone. Trong thiên tai, địch họa mới thấy phương tiện liên lạc không dây quan trọng đến nhường nào. Rõ ràng, sự phụ thuộc bất đắc dĩ vào nó dần trở thành một “tình trạng bình thường mới”, theo như cách nói của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông. Covid-19 đang thay đổi thế giới theo cách đó.
Sang ngày cách ly thứ ba, chuông điện thoại của bốn người ở cùng tầng với bệnh nhân 59 liên tục reo. Trung tâm Y tế quận Long Biên thông báo những người này sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Mọi người nài nỉ được cách ly tại nhà như hiện nay, song nhân viên y tế quận và phường ra sức thuyết phục mọi người thực hiện chủ trương, đã ở cùng tầng thì phải cách ly tập trung. Sau khi trao đổi với nhân viên y tế, tôi và ba bạn khác, đều là điều dưỡng tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, hiểu rằng đi cách ly trước là để bảo đảm an toàn cho bản thân, sau là cho cộng đồng. Y tế phường giục giã chuẩn bị đồ đạc, xe sắp đến đón. Toàn bộ quá trình trao đổi thông tin đều qua điện thoại, không tiếp xúc trực tiếp, nên chúng tôi cũng không biết mặt các nhân viên y tế. Qua đây mới thấy, ngành y tế đã tận dụng lợi thế của mạng xã hội và xử lý tình huống khẩn cấp rất tốt.
12 giờ 30 phút, xe cứu thương đến. Nhân viên y tế trên xe và lái xe bọc kín từ đầu đến chân. Lúc này, trên xe đã có hai nam giới đeo khẩu trang, chúng tôi đoán họ cũng thuộc diện cách ly tập trung. Xe chuyển bánh. V., một điều dưỡng trẻ khóc nấc lên, có lẽ vì sợ. Là điều dưỡng, cô đã chăm sóc cho nhiều bệnh nhân, nhưng khi trở thành đối tượng cách ly, theo dõi của ngành y tế, cô bỗng trở nên yếu đuối.
Chúng tôi đoán già đoán non, chắc xe sẽ đến một doanh trại quân đội nào đó, rộng rãi, có sân thể thao, hàng nghìn người vui vẻ. Nhưng không, chiếc xe đi theo hướng Nội Bài, gần đến sân bay đột ngột rẽ vào Quốc lộ 3. Cuối cùng, chiếc xe cứu thương đi thẳng vào Bệnh viện đa khoa Sóc Sơn. Sáu người trên xe lập tức được đưa lên tầng hai của Khoa Bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ Dương Văn Nhiệm, Trưởng khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa huyện Sóc Sơn, khám cho bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19. |
-----------------
Kỳ 2: Khu cách ly đặc biệt và cuộc chiến thầm lặng
Theo GHI CHÉP CỦA HÀ HỒNG HÀ (NDĐT)