Cuộc sống mới ở Kuk Kôn, Kuk Đak

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Năm 2008, vì thiếu hiểu biết nên một số người dân ở 2 làng Kuk Kôn và Kuk Đak (xã An Thành, huyện Đak Pơ) đã bị các đối tượng phản động tuyên truyền, lôi kéo tham gia tà đạo “Hà Mòn”. Sau gần 10 năm tuyên truyền vận động, đấu tranh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay tà đạo “Hà Mòn” ở huyện Đak Pơ đã bị xóa bỏ.

Hôm nay, dân làng Kuk Kôn không lên rẫy mà tập trung dựng nhà mới cho gia đình anh Đinh Sum. Trong số những người đến giúp anh Đinh Sum làm nhà có một số người trước đây từng theo tà đạo “Hà Mòn” nay đã từ bỏ, trong đó có Đinh H’Rôn-người vừa chấp hành xong bản án 7 năm tù về tội phá hoại chính sách đoàn kết. Trước đây, Rôn theo tà đạo “Hà Mòn”, có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, phá hoại cuộc sống bình yên của dân làng. Qua học tập, cải tạo, Rôn đã hiểu rõ bản chất của tà đạo “Hà Mòn” nên khi được tha tù trước thời hạn, trở về địa phương, anh nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, bắt tay xây dựng kinh tế gia đình, chăm lo cho 3 đứa con ăn học. Ngoài 1 ha mía, anh còn trồng thêm đậu xanh, bắp, mì và chăn nuôi bò.

 

Đinh Gôl (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện với cán bộ chiến sĩ Công an huyện Đak Pơ. Ảnh: Đ.T
Đinh Gôl (thứ 2 từ trái sang) trò chuyện với cán bộ chiến sĩ Công an huyện Đak Pơ. Ảnh: Đ.T

Ông Đinh Sen-Trưởng thôn Kuk Kôn, phấn khởi cho biết: “Trước đây, một số người dân bị bọn xấu xúi giục theo tà đạo “Hà Mòn”, bỏ ruộng rẫy, bỏ phong tục tập quán, không cho con  đi học... Được chính quyền địa phương và lực lượng Công an tuyên truyền vận động nên họ đã từ bỏ tà đạo, lo làm ăn phát triển kinh tế. Làng Kuk Kôn giờ đã được Nhà nước đầu tư làm đường bê tông từ quốc lộ 19 vào nên đi lại rất thuận tiện, điện, nước sạch, trường học được đầu tư xây dựng. Ủy ban nhân dân xã còn hỗ trợ cây giống, con giống giúp dân làng phát triển kinh tế. Dân làng cũng đã khôi phục lại các phong tục truyền thống”.

Trở về đoàn tụ với gia đình hơn một năm nay nhưng anh Đinh Gôl (làng Kuk Đak) vẫn chưa hết ám ảnh về những ngày tháng khổ cực trong rừng sâu. Năm 2010, nghe lời bọn phản động xúi giục, Đinh Gôl bỏ vợ và 5 đứa con để lên Kon Tum cùng một số đối tượng ở đây trốn ra rừng hoạt động. Suốt 8 năm sống chui rúc trong rừng, Gôl và đồng bọn phải đào củ chuối, bắt chim chóc, sâu bọ sống qua ngày, tối đến trú ẩn ở trong hang đá lạnh buốt, ốm đau bệnh tật chẳng có thuốc thang... Năm 2017, Gôl bị bắt và được Nhà nước cho hưởng chính sách khoan hồng trở về địa phương sinh sống. Đinh Gôl chia sẻ: “8 năm qua vì nghe lời bọn xấu lừa phỉnh mà tôi đã bỏ vợ, bỏ con, bỏ dân làng trốn vào rừng. Bây giờ, tôi đã hiểu cái gọi là “Đức mẹ hiện hình” là tà đạo do bọn xấu bịa đặt ra để lừa phỉnh bà con, làm mất an ninh trật tự ở địa phương. Tôi rất ân hận về việc làm sai trái của mình. Được Nhà nước khoan hồng, giờ tôi lo làm ăn với vợ con thôi”.

Cách đây gần 10 năm, tà đạo “Hà Mòn” đã len lỏi vào làng Kuk Kôn, Kuk Đak và phá vỡ sự yên bình vốn có. Những người bị kích động, xúi giục theo tà đạo này đã có một số hoạt động gây mất an ninh trật tự ở địa phương... Trước tình hình đó, huyện Đak Pơ đã tập trung chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nhằm xóa bỏ tà đạo “Hà Mòn”. Đối với lực lượng Công an huyện, bên cạnh việc tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện thành lập tổ công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, Công an huyện cũng đã thành lập tổ công tác thường trực tại làng Kuk Kôn, Kuk Đak, tập trung phát động phong trào quần chúng, gọi hỏi răn đe giáo dục, đấu tranh bóc gỡ số cầm đầu cốt cán, gửi thư kêu gọi số trốn ngoài rừng về và tham gia công tác truy bắt số lẩn trốn ngoài rừng cùng với các lực lượng chức năng của tỉnh.

Ông Trần Văn Định-Phó Chủ tịch UBND xã An Thành, cho biết: “Để giúp những người trước đây theo tà đạo “Hà Mòn” tự nguyện từ bỏ và những người đi học tập, cải tạo trở về sớm hòa nhập với cộng đồng, ổn định cuộc sống, UBND xã đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ con giống, cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để từng bước xóa nghèo; đồng thời vận động họ tham gia các chi hội, đoàn thể trong làng để củng cố khối đại đoàn kết”.

Đăng Thanh

Có thể bạn quan tâm