Cuộc sống mới ở làng tái định cư ở huyện Kông Chro

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với 162 hộ dân ở làng Brang (xã Đak Pling) và làng Lơ Bơ (xã Chư Krey, huyện Kông Chro, Gia Lai), những ám ảnh khi núi Kông HNon bất chợt lở xuống gieo họa và sự nghèo đói triền miên đã khép lại sau khi được di dời về nơi ở mới. Người dân 2 ngôi làng tái định cư này đang nỗ lực xây dựng cuộc sống mới.
Bình yên những giấc ngủ
Brang là làng xa nhất của huyện Kông Chro. Nhà cửa của người dân làng này từng dựng chênh vênh dưới chân núi Kông H'Non-ranh giới tự nhiên giữa Gia Lai với Bình Định và Phú Yên. Sau ngày giải phóng, làng dời về vị trí cách trụ sở xã khoảng 3 km và cách trung tâm huyện 40 km. Nơi ở mới góp phần giúp cuộc sống của người dân khởi sắc hơn khi có điện lưới và đường bê tông nhưng cứ đến mùa mưa là làng lại bị cô lập do lũ lụt. Ngoài ra, dân làng Brang thường trực một nỗi lo mới: Núi lở. Ông Đinh Nhân-Bí thư Đảng ủy xã Đak Pling-kể lại: “Có năm lũ lớn cuốn trôi mấy ngôi nhà và tài sản của bà con. Sau lũ là lở núi. Mùa mưa núi lở nhiều lắm, nhất là khu vực phía cuối làng cũ”.
Nhằm giúp dân làng Brang ổn định cuộc sống, năm 2017, tỉnh đã đầu tư hơn 1,2 tỷ đồng để tổ chức di dời 62 hộ dân về khu đất trống rộng 3 ha, cách làng cũ 500 m. Mỗi hộ dân được hỗ trợ 20 triệu đồng làm nhà ở. Ngoài hệ thống nước sạch gồm 2 bể chứa cùng đường ống dẫn nước từ đỉnh núi về thì những con đường quanh làng cũng được đổ bê tông phẳng phiu, điểm trường học được xây mới.
 Một góc làng Brang (xã Đak Pling). Ảnh: N.T
Một góc làng Brang (xã Đak Pling). Ảnh: N.T
Sau 2 năm di dời, làng Brang đã thực sự khởi sắc. Trên thửa đất bằng phẳng, những ngôi nhà mái tôn xanh đỏ san sát như một khu phố nhỏ. Mỗi ngôi nhà đều có hàng rào quanh vườn. Đường làng được quét dọn sạch sẽ và hai bên trồng hoa. Hàng trăm cây xanh vươn cao tỏa bóng mát cho những ngôi nhà. Nhiều gia đình sử dụng cây dâm bụt làm hàng rào thay cho tường xây bê tông hay dây thép gai. Trong căn nhà sàn gỗ, anh Đinh Riêng bộc bạch: “Chỗ ở mới được quy hoạch bản bài nên đẹp hơn trước nhiều lắm. Hồi đó, sau khi nhận 20 triệu đồng tiền hỗ trợ, mình bỏ thêm 44 triệu đồng làm ngôi nhà sàn này. Gỗ có sẵn rồi, chỉ tốn tiền công cho thợ. Được dời về nơi ở mới, dân làng mừng lắm. Mừng nhất là không còn sợ bị núi lở cuốn trôi. Trước đây, khi mưa to thì chả ai dám ngủ vì phải lo chuẩn bị đồ chạy lên núi, giờ thì an tâm lắm. Dân làng mình cũng ý thức được trách nhiệm nên phấn đấu trở thành làng nông thôn mới kiểu mẫu của xã và lo làm ăn. Như nhà mình có vài héc ta trồng lúa, mì, bắp và keo lai. Cuối năm trừ chi phí còn dư 30 triệu đồng”.
Cũng theo Bí thư Đảng ủy xã Đak Pling, dân làng Brang đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức. “Họ đã mua 3-4 máy cày loại nhỏ phục vụ sản xuất. Cả làng đã trồng 80 ha keo lai. Nhà nào cũng nuôi nhiều bò. Có rất nhiều hộ sau khi trừ chi phí còn dư được vài chục triệu đồng/năm”-ông Nhân hồ hởi cho hay.
Ấm no làng mới
Năm 2008, vì mưu sinh, nhiều hộ dân tộc Dao ở tỉnh Sơn La chọn một vùng đất màu mỡ, bằng phẳng nơi dãy núi Chư Krey-đoạn tiếp giáp giữa xã Chư Krey và xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) làm điểm đến cho cuộc di dân tự do. Dù cuộc sống giữa rừng tạm bợ, thiếu thốn đủ thứ và mắc nhiều loại bệnh tật nhưng đất mới hơn hẳn đất quê nên họ vẫn dắt díu vào. Một cụm dân cư tự do với 43 hộ là họ hàng quê ở Sơn La và Quảng Ninh đã hình thành. Ngày ấy, họ phải đối diện với sốt rét hoành hành. Trẻ em mù chữ. Đường sá đi lại vô cùng khó khăn. 
Thực trạng trên làm đau đầu các nhà quản lý huyện Kông Chro. Nhiều giải pháp cấp bách được triển khai nhằm xóa tình trạng di dân tự do, đảm bảo an ninh chính trị và bảo vệ những khu rừng. Giải pháp cuối cùng là di dời 43 hộ dân này về một khu đất trống rộng khoảng 3 ha, cách làng Lơ Bơ của người Bahnar xã Chư Krey khoảng 4 km. Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí quỹ đất và cấp 3,3 tỷ đồng xây dựng trạm điện hạ thế, san ủi mặt bằng, làm đường giao thông nông thôn bằng bê tông, xây dựng 2 bể nước và hỗ trợ mỗi hộ 10 triệu đồng dời nhà ra khu tái định cư. 
Một năm sau khi di dời, khu tái định cư này có nhiều thay đổi và tràn trề sinh khí mới. Đó là 4 dãy nhà chia làm 2 khu vực dọc theo đường liên thôn, trong đó có nhiều nhà xây kiên cố. Cây cối được trồng trong những khu vườn lên xanh tốt tỏa bóng mát. Những hàng cột điện thẳng tắp dọc trên những con đường bê tông ở khu tái định cư. Nước sạch cũng được cung cấp đầy đủ. “Về đây ở, chúng tôi thuận lợi hơn trước rất nhiều. Con cái đi học gần hơn. Trạm Y tế xã chỉ cách nhà 4 km. Điện, đường được đầu tư giúp sinh hoạt hàng ngày tiện hơn. Mấy hộ dân ở đây đều có đất sản xuất, hộ ít có 1 ha, hộ nhiều 3-4 ha. Ở trong này tốt hơn ngoài quê cũ nhiều. Tôi mới làm xong nhà ở trị giá 70 triệu đồng. Ở ngoài quê không dám mơ đến đâu”-ông Triệu Tài Hùng-chủ một cửa hàng tạp hóa tại làng Lơ Bơ chia sẻ.
Cùng chúng tôi dạo bước trên những con đường bê tông ở khu tái định cư của 43 hộ dân tộc Dao, ông Khương Đình Huy-Chủ tịch UBND xã Chư Krey-cho biết: “Những hộ này chăm chỉ làm ăn nên đời sống khá hơn trước. Khi về định cư nơi đây, các hộ dân này chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Họ cũng sống thuận hòa với các làng khác”.
NGUYỄN TÚ

Có thể bạn quan tâm