Phóng sự - Ký sự

Cười ra nước mắt chuyện "lấy chồng trả góp"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Để lấy được chồng khi cái bụng đã có con rọ rẹ đi vào, cô sơn nữ chấp nhận “trả góp” anh chồng bằng tuổi mình vẫn còn ham bắn bi hơn đi làm nuôi vợ.

Trong người có con “rọ rẹ” nên phải cưới

Cả xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, Gia Lai) mỗi lần nhắc đến cặp vợ chồng Y Nâu và chị H’Riu (cùng SN 1995) đều không khỏi bật cười nhưng là nụ cười thương cảm. Bởi chẳng ai như đôi vợ chồng này lại đi làm cái việc "lấy chồng trả góp" như thế.

 

 

Chuyện là cách đây hai năm, Nâu và cô gái H’riu quen nhau đã lâu rồi, ưng nhau cũng đã lâu rồi từ sau cái đêm đi xoang ở nhà rông của buôn, Hai đứa vẫn hay rủ nhau đi chơi lễ, vẫn hay rủ nhau vào rừng tìm cái nấm, tìm cái củi về nấu rồi, vậy mà vẫn chưa chịu để nhau về làm vợ làm chồng. Mặc dù biết Nâu có ưng cái bụng con H’riu rồi, nhưng sao mãi vẫn chưa thấy nhà H’riu mang lễ vật sang để bắt thằng Nâu về làm chồng, thế nên cái đầu của cha Nâu là ông A Yer nghĩ lung lắm. Nghĩ mãi mà vẫn chưa tìm ra cái chuyện từ đâu. Nhiều lần ông A Yer hỏi con: “Sao mày không để con H’riu bắt về làm chồng đi, cái thằng Muk, thằng Tam cùng tuổi với mày cũng đã có người bắt mấy năm rồi!”. Hỏi con thế, chỉ thấy Nâu cười cười ngượng nghịu thú thật là vì vẫn còn muốn chơi thêm ít năm nữa, rồi nhà bên kia cũng nghèo lắm, lại nghe chuyện ở rể phải làm lụng cực khổ cho nhà vợ nên sợ quá không dám cưới. Nghe Nâu nói thế, ông A Yer chỉ biết lắc cái đầu tóc đã chuyển dần sang màu hoa đá của mình mà rầu.

Mặc dù chưa muốn lấy vợ, nhưng cả hai lại rủ nhau “ăn cơm trước kẻng” nhiều lần khiến H’riu thấy như có con “rọ rẹ” cọ quậy trong bụng, đứng ngồi không yên. Hơn 2 tháng sau, H’riu thấy cái bụng mình khang khác rồi. Vậy là đích thị con rọ rẹ nó lớn lên trong bụng rồi. Mà con rọ rẹ ấy chỉ là của Nâu chứ không phải của ai khác được. H’riu muốn bắt Nâu về làm chồng, ngặt nỗi nhà nghèo quá, chẳng có của nả gì để làm hồi môn cho đằng trai. H’riu ốm mất mấy ngày cũng bỏ luôn cả những ngày lễ hội, bỏ luôn cái bếp mỗi chiều thường hay ngồi nấu cơm chỉ để nghĩ đến cái chuyện bắt chồng mà thôi. Rồi cha mẹ H’riu biết chuyện, muốn làm lớn lên cho cả làng cùng biết, nhưng rồi như thế thì thằng Nâu mất mặt, làm sao bắt được nó về làm chồng cho con gái mình nữa. thế là cha của H’riu là ông A Clum lẳng lặng tìm tới già làng, bảo: “Thằng Nâu quen con H’riu nhà mình rồi thả con rọ rẹ vào người nó. Nhưng mình muốn bắt nó làm chồng con H’riu, chứ để con gái mình buồn như cái lá héo thế kia thì mình cũng buồn đến chết mất thôi!”.

 

H’riu và đứa con nhỏ của mình.

Già làng nghe thế, ban đầu nổi giận đùng đùng quyết đòi bắt Nâu ra giữa làng phạt vạ. Thế nhưng ông A Clum năn nỉ quá, trình bày rỉ rả như con nước đầu làng từ sáng đến tối lại từ tối đến sáng nên già làng cũng xuôi tai. Chấp nhận cho nợ chuyện phạt vạ nếu Nâu chịu làm chồng H’riu.

Anh chồng “trả góp”

Mặc dù suýt bị phạt vạ, Nâu cũng đồng tình để cho H’riu bắt mình về làm chồng, nếu không người làng sẽ phạt vạ rất nặng. Đồng ý làm chồng là thế, nhưng đúng theo phong tục của người jrai thì nhà gái phải lo mọi chi phí đám cưới, và tất nhiên không thể thiếu được cái phần của hồi môn cho đằng trai. Coi như là mua đứt đứa con, từ khi cưới thì Nâu sẽ thành người của nhà H’riu, không được về nhà cha mẹ đẻ nữa. phải ở rể hẳn bên nhà gái. Chỉ khi nào vợ chết, Nâu mới được về lại sống với cha mẹ đẻ. Thế là tháng 2/2015, khi bàn chuyện cưới xin, gia đình Nâu đã thách cưới số tiền 20 triệu đồng cùng rất nhiều món lễ vật. Trong đó có 3 con bò, 1 con dùng để thịt trong đám cưới đãi bà con họ hàng làng bản, 2 con sống để cho gia đình nhà chồng dắt về nuôi; lợn 3 con, trong đó 1 con dùng để thịt cho thanh niên trai tráng hai bên gia đình, 2 con còn lại mỗi con 20 ký thì đãi người lớn tuổi; chưa hết, gia đình H’riu còn phải chuẩn bị 10 ghè rượu cần loại hảo hạng; 1 bộ váy cho mẹ chồng mặc; 1 chiếc nồi bằng đồng giá 1 triệu đồng; 2 cái chăn.

Nhà trai thách cưới to quá. Nhưng nếu không treo đủ số thách ấy thì còn chịu phạt vạ gấp nhiều lần nữa vì cái tội "chửa hoang". Để chiều lòng con gái, cha mẹ H’riu đã phải vay mượn khắp nơi, mượn hết buôn xa đến buôn gần, mượn hết người thân đến người không thân nhưng vẫn không đủ tiền. Bí quá, chẳng có cách nào được. Cha mẹ H’riu nhiều đêm gác cái tay lên trán, mở con mắt thao láo ra nhìn lên vách nhà nghĩ cách kiếm của hồi môn cho đủ mà vẫn không được. Ấy thế rồi một lần tình cờ nghe mấy người hàng xóm nói đến cái chuyện mua hàng trả góp ở trên phố huyện, mỗi tháng chỉ trả một ít tiền, lại có đồ mang về. Cha mẹ H’riu chột dạ nghĩ tới chuyện hay là xin nhà trai cho được cưới nợ, rồi sau đó trả góp đồ thách cưới sau.

 

Ngôi nhà của vợ chồng H’riu nhỏ xíu bên cạnh nhà cha mẹ.

Nghĩ thế, cha mẹ H’riu cùng già làng sáng sớm hôm sau mang sang nhà Nâu một ghè rượu tốt, nước rượu thơm lừng khắp đường buôn khiến ai cũng phải dừng lại mà thưởng thức. Nhiều người chẳng biết cha mẹ H’riu mang rượu sang làm gì lúc ấy nữa. Mãi sau này người trong buôn mới tỏ rằng họ sang xin "cưới nợ". Hôm ấy, cha mẹ Nâu chưa kịp đi làm thì thấy bên nhà gái lò dò tìm sang, gãi đầu gãi tai trình bày. Già làng đã nói chuyện rất lâu và khơi gợi đủ mọi chuyện với cha mẹ Nâu, đại ý rằng con gái đã đến tuổi phải có chồng để tiếp nối dòng giống, cho xóm làng có thêm người mới. Rằng con suối còn có lúc cạn lúc đầy, con voi trên rừng còn có lúc buồn lúc vui, rằng nhiều thứ nữa để rồi mới dám nói đến cái chuyện rằng gia cảnh nhà mình cũng có lúc có của lúc không. Mà bây giờ thì nhà lại không có của, nên sang xin bắt thằng rể về sớm, nhưng xin được "nợ". mM Nâu nghe nói thế thì cười bật ngửa ra giữa sàn, vì từ trước tới giờ chưa từng nghe tới chuyện cưới nợ hy hữu như thế. Cha Nâu thì nghiêm chỉnh hơn, nhưng cũng suýt sặc ngụm rượu cần ngọt thơm trong miệng. Cũng may nhờ ché rượu cần, cũng may nhà Nâu hiểu chuyện, thế nên đồng tình cho H’riu bắt Nâu về làm chồng, với điều kiện mỗi mùa rẫy phải mang một thứ đồ nợ sang trả, nếu không sẽ bị phạt nặng gấp đôi. Nâu ngồi ở ngoài bậu cửa nhà sàn, nghe hai bên nói chuyện. Chàng trai này chỉ được ngồi nghe, không thể góp chuyện, bởi vẫn là người xa lạ của nhà H’riu.

Thế rồi đám cưới cũng được tổ chức, đơn giản thôi. Chỉ có một con heo được mổ, nhà thì góp gạo, nhà thì góp rượu để đưa đôi trẻ về chung một nhà. Ai cũng vui lắm. chỉ có nhà H’riu là cười mà trong bụng như có lửa đốt, vì số nợ bắt chàng rể về còn treo lơ lửng mãi trên đầu.

3 mùa rẫy rồi, vợ chồng H’riu mới trả được có 1 con heo nhỏ cho đằng trai thôi. Còn nhiều món hồi môn lúc cưới nữa, H’riu chưa trả được. Trong khi mảnh rẫy của nhà năm nay thu không được mấy, sào thuốc lá cũng mất mùa, mấy sào mỳ thì chỉ đủ ăn, mà H’riu lại mới sinh con mới được ba tháng. Khó lắm. Thế nhưng một cái khó của H’riu nữa, ấy là chuyện anh chồng “trả góp” kia lại ham chơi hơn ham làm. Hơn 20 tuổi đầu rồi nhưng vẫn thích cùng lũ trẻ trong buôn đi đá dế, thả diều rồi về ngủ, chẳng mấy khi phụ giúp được gì cho vợ. H’riu buồn lắm nhưng giờ không “trả” chồng về được, nếu trả thì phải có lý do “lớn” lắm mới được, vì luật tục của người Jrai như thế.

Bây giờ, mỗi khi nhắc lại chuyện H’riu bắt chồng nợ, nhắc đến chuyện Nâu là anh chồng trả góp thì ai cũng cười. Nhưng mọi người đều thông cảm và nhận ra rằng đó là hủ tục cần phải tránh, để cuộc sống gia đình không vướng vào cảnh tréo ngoe bi hài này.

Trao đổi với chúng tôi, bà Hà Thị Thìn, nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Pờ Tó cho biết: “Số tiền thách cưới quá nhiều, đồng nghĩa với việc tổ chức đám cưới của đồng bào cũng tốn kém, lãng phí. Như vậy, thay vì thách cưới, các gia đình để số tài sản này vun đắp cho các cặp đôi thì cuộc sống sẽ khấm khá hơn. Đằng này, các cặp đôi sau khi lấy nhau về còn nai lưng ra làm để trả nợ. Sau này, khi con cái lớn lên và cưới vợ gả chồng thì họ cũng thách cưới, tiếp tục làm khổ con trẻ. Tuy nhiên, do nhận thức của người dân nơi đây chưa cao nên công tác xóa bỏ hủ tục còn gặp nhiều khó khăn”.

Theo phunu

Có thể bạn quan tâm