Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cuốn sách đầu tiên về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Trong sâu lắng tình dân” do NXB Quân đội Nhân dân ấn hành năm 2015, là một trong những cuốn sách quý ghi lại tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác giả cuốn sách là nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Báo Quân đội nhân dân.

Anh giới thiệu: “Sách tập hợp nhiều bài ký, ghi chép của tôi trong 3 năm được giao nhiệm vụ phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư của Báo Quân đội nhân dân, vinh dự được tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi công tác đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước và một số nước trên thế giới”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số phóng viên tháp tùng trong chuyến thăm Cuba năm 2012. Ảnh: Trí Dũng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và một số phóng viên tháp tùng trong chuyến thăm Cuba năm 2012. Ảnh: Trí Dũng

Làm sách trong lặng lẽ

Tên cuốn sách chính là tên một bài ký in trong sách. Nhà báo Nguyễn Hồng Hải chia sẻ: “Bài ký “Trong sâu lắng tình dân” được tôi viết khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm một số tỉnh ở Tây Nguyên. Đồng bào Tây Nguyên bày tỏ tình cảm và niềm kính yêu vô hạn với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư cũng rất vui mừng, phấn khởi trước tình cảm nồng ấm của đồng bào dành cho Đảng và cá nhân ông. Đợt ấy, ngoài làm tin và viết bài phản ánh theo lộ trình chuyến đi thì tôi còn viết bài ký về tình cảm của nhân dân các vùng miền dành cho Tổng Bí thư.

Tôi đặt tên bài là “Trong sâu lắng tình dân”, bài ký này đã từng đăng trên báo Quân đội nhân dân năm 2012, được nhiều độc giả yêu thích, trong đó có cả những độc giả đặc biệt. Xin hé lộ, các đồng chí giúp việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng thích bài ký này. Cho nên sau khi tập hợp những bài vở để in sách, tôi đã quyết định dùng tên bài ký làm tên sách”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm già làng Điểu N’Hinh xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông tháng 12/2012. Ảnh: Hồng Hải

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm già làng Điểu N’Hinh xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông tháng 12/2012. Ảnh: Hồng Hải

Khi nhà báo Nguyễn Hồng Hải quyết định làm cuốn sách “Trong sâu lắng tình dân” thì anh đã thôi nhiệm vụ phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư. Nguyễn Hồng Hải nhớ lại: “Năm 2014, tôi được Ban biên tập Báo Quân đội nhân dân giao nhiệm vụ mới. Để khắc ghi hành trình đặc biệt trong 3 năm tôi đã tập hợp, đọc lại những bài bút ký, ghi chép ra đời sau những chuyến tháp tùng Tổng Bí thư đi công tác để làm một cuốn sách.

“Chị Py-ôm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Tâm, thay mặt người dân trong xã tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chiếc áo truyền thống của người Mơ Nông. Chị Py-ôm hi vọng, đất nước sẽ có nhiều nguồn lực để phát triển, người dân Quảng Tâm quê chị sẽ thoát nghèo. Chị biết, việc chống tham nhũng cũng khó như việc chống phá rừng ở quê chị, nhưng nhất định, cuộc đấu tranh ấy sẽ giành thắng lợi, vì nó được người dân cả nước, từ đồng bào Kinh, Tày, Mường đến đồng bào Mơ Nông quê chị ủng hộ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất vui khi nhận món quà từ chị Py-ôm. Ông mặc luôn để chụp ảnh kỷ niệm cùng đồng bào…”

(Trích từ sách “Trong sâu lắng tình dân” của Nguyễn Hồng Hải)

Tôi báo cáo với Văn phòng Tổng Bí thư, báo cáo các đồng chí trợ lý và thư ký của Tổng Bí thư. Khi chuẩn bị in sách tôi cùng với lãnh đạo NXB Quân đội nhân dân, đơn vị xuất bản cuốn sách này, cầm bản thảo đến xin ý kiến đồng chí phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư, các đồng chí trợ lý, thư ký Tổng Bí thư.

Các anh đều nói, cuốn sách là tập hợp những bài viết đã công bố, NXB Quân đội nhân dân lại là một địa chỉ uy tín, tin cậy nên cứ lặng lẽ mà làm. Vì nếu báo cáo với Tổng Bí thư thì chưa chắc Tổng Bí thư đã đồng ý in sách.

Tại thời điểm ấy, năm 2015, chưa có cuốn sách nào viết riêng về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chúng tôi đã lặng lẽ làm và xuất bản cuốn sách trong hoàn cảnh như thế”.

Cuốn sách khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bất ngờ và xúc động

Cuốn sách khiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bất ngờ và xúc động

Những chuyện sách chưa kể

Gần 300 trang sách “Trong sâu lắng tình dân” chưa đủ gom hết những kỷ niệm, những câu chuyện xúc động về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà nhà báo Nguyễn Hồng Hải được mắt thấy, tai nghe. Anh bùi ngùi nhớ lại: “Trong chuyến công du châu Âu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Italy theo lời mời của Tổng thống Italy Giorgio Napolitano. Ông nghỉ ở phòng VIP của một khách sạn sang trọng.

Vào một buổi sáng, tôi cùng một nhà báo nữa lên phòng Tổng Bí thư, vì trước đó Tổng Bí thư có cuộc gặp với Giáo hoàng theo lời mời của Giáo hoàng nhưng Vatican giới hạn phóng viên tháp tùng, chỉ một phóng viên truyền hình và một phóng viên ảnh được đi cùng, phóng viên viết như tôi phải ở lại. Vì thế, chúng tôi lên phòng Tổng Bí thư từ sớm, tranh thủ lúc chưa diễn ra các cuộc hội đàm, hội kiến để hỏi chuyện Tổng Bí thư về cuộc gặp với Giáo hoàng.

Khi chúng tôi vào phòng thì thấy ông đang gấp chăn màn. Đồng chí cảnh vệ đứng bên cạnh đề nghị: Việc này để cháu làm. Mà đây là phòng VIP nên sẽ có người phục vụ việc thu dọn, gấp chăn màn. Chúng tôi thấy Tổng Bí thư tủm tỉm, không để đồng chí bảo vệ làm thay, vẫn tự làm, vừa gấp chăn màn gọn gàng, ông vừa nói: “Phải làm cho quen, mấy hôm nữa nghỉ hưu thì ai làm giúp mình?”.

Con người có phong cách sống dung dị ấy khi tiếp xúc với báo chí lại sắc sảo, dí dỏm và mềm dẻo.

Theo nhà báo Nguyễn Hồng Hải, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi trả lời phỏng vấn báo chí thường hay lẩy Kiều, trích thơ Tố Hữu, trích ca dao, dân ca: “Ông hay dùng hình tượng văn học, tục ngữ, ca dao khi nói, cho mềm hóa vấn đề. Một số hình ảnh ấn tượng mà Tổng Bí thư đã sử dụng như: Đừng thấy đỏ mà tưởng chín. Hoặc là: Đừng có cua cậy càng, cá cậy vây. Ông có khả năng phản xạ nhanh, biến những vấn đề tưởng gay gắt, thành nhẹ nhàng.

Tôi nhớ một lần Tổng Bí thư nói chuyện ở Trường Chính Sách Công Lý Quang Diệu - Singapore, có một giáo sư nghiên cứu lĩnh vực chính trị đặt câu hỏi về việc tranh chấp biển đảo giữa hai cường quốc trên thế giới: Ngài nghĩ thế nào về cuộc tranh chấp giữa hai nước lớn này? Ngài nghiêng về bên nào trong cuộc tranh chấp? Chắc tôi đã đặt cho ngài một câu hỏi quá khó?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cười, đáp: Không ai hiểu mình bằng chính mình. Nếu muốn tìm câu trả lời chính xác, tốt nhất ngài nên gặp hai “ông ấy” để hỏi thì rõ hơn. Còn tôi là bạn của cả “hai ông”. Ngài có thể đoán được tôi sẽ trả lời thế nào rồi mà còn hỏi làm gì? Sau câu trả lời này, cả hội trường cười ồ lên, không khí dịu rất nhiều.

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải kể tiếp, khi sang Ấn Độ, một phóng viên Ấn Độ hỏi: Vì sao Việt Nam không thực hiện đa nguyên, đa đảng? Tổng Bí thư trả lời ngắn gọn nhưng thuyết phục, hoàn toàn thoả mãn người đặt câu hỏi: Một đảng hay nhiều đảng do điều kiện của mỗi nước. Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn và quyết định ghi vào Hiến pháp: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Bạn bè quốc tế đều thừa nhận và tôn trọng điều đó. Vấn đề là không phải nhiều đảng thì dân chủ, một đảng thì không dân chủ. Quan trọng là đảng cầm quyền có thật sự vì dân hay không, có dân chủ hay không? Điều đó mới quyết định bản chất của một chế độ, một xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhà báo Nguyễn Hồng Hải tại nhà riêng của Tổng Bí thư ở làng Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội tháng 4/2013. (Ảnh trong bài do nhà báo Nguyễn Hồng Hải cung cấp)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhà báo Nguyễn Hồng Hải tại nhà riêng của Tổng Bí thư ở làng Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội tháng 4/2013. (Ảnh trong bài do nhà báo Nguyễn Hồng Hải cung cấp)

Nhà báo Nguyễn Hồng Hải ghi nhận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chưa bao giờ né tránh câu hỏi khó khi tiếp xúc với báo chí, dù báo chí trong nước hay nước ngoài: “Điều này thể hiện bản lĩnh và trí tuệ của một nhân cách lớn”, anh nói.

Được làm phóng viên chuyên trách Tổng Bí thư của Báo Quân đội trong thời gian 3 năm là dấu mốc không thể quên trong đời làm báo của Nguyễn Hồng Hải.

Trong thời khắc tiếc thương này, anh nhớ đến căn nhà cấp 4 đơn sơ của gia đình Tổng Bí thư ở làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội, lại nhớ đến câu nói của nhân vật Paven trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nikolai Ostrovsky: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Có thể bạn quan tâm