Thời sự - Bình luận

Cứu bệnh nhân phi công người Anh: Mệnh lệnh từ trái tim!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ca bệnh COVID-19 nặng nhất – “Bệnh nhân 91”, phi công người Anh – đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận. Có thể nói, ít có trường hợp ca bệnh nào lại được những thầy thuốc, bác sĩ, chuyên gia y tế hàng đầu tại Việt Nam liên tục hội chẩn trong thời gian qua như vậy.

 

Bộ Y tế thường xuyên tổ chức hội chẩn nhằm đưa ra hướng điều trị tốt nhất để cứu sống bệnh nhân 91 (ảnh minh họa). Ảnh: Bộ Y tế cung cấp
Bộ Y tế thường xuyên tổ chức hội chẩn nhằm đưa ra hướng điều trị tốt nhất để cứu sống bệnh nhân 91 (ảnh minh họa). Ảnh: Bộ Y tế cung cấp


Dường như từng thông tin về diễn biến bệnh tình của phi công người Anh đều được dư luận dõi theo sát sao.

Với các thầy thuốc, việc cứu chữa cho “bệnh nhân 91” là trách nhiệm, là đạo đức nghề nghiệp của người thầy thuốc. Những loại thuốc quý hiếm, đặc trị, đã được Bộ Y tế nhập về để cứu chữa cho bệnh nhân này. Chi phí chữa trị cho bệnh nhân phi công người Anh tính đến thời điểm này cũng lên đến trên 5 tỉ đồng. Khi bệnh tình của phi công người Anh ngày càng trở nặng, cứ vài ba ngày, Bộ Y tế lại tổ chức hội chẩn nhằm đưa ra hướng điều trị tốt nhất để cứu sống bệnh nhân.

Những thầy thuốc, cơ quan y tế không chỉ nặng trách nhiệm mà còn nặng lòng. Không có mệnh lệnh hành chính nào được phát ra trong trường hợp này; nhưng mệnh lệnh từ con tim lại xuất phát từ nhiều người, trong đó có những người dân rất bình thường trong xã hội.

Ngay khi bệnh nhân phi công người Anh được chỉ định ghép phổi, Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia đã nhận được ngay những lời đề nghị được hiến phổi để cứu “bệnh nhân 91”. Hai người đầu tiên muốn hiến phổi, trong đó có một cựu chiến binh tuổi đã ngoài 70 và một phụ nữ 40 tuổi đều đang có một cuộc sống yên lành. Họ muốn hiến phổi không ngoài mục đích gì khác là góp phần bằng chính một phần cơ thể của mình để cứu người.

Từ đó, số người muốn hiến phổi để ghép cho bệnh nhân phi công người Anh đã tăng lên rất nhanh. Từ con số 2 người của tuần trước, đến ngày 13.5 đã lên tới hơn 10 người, và tới thời điểm sáng ngày 15.5, đã có 40 người muốn hiến phổi, trong đó có người còn rất trẻ ở độ tuổi 35.

Những việc làm nghĩa hiệp này khiến các thầy thuốc rất cảm động. Theo lời của vị đại diện Trung tâm Điều phối hiến ghép mô tạng quốc gia, những trường hợp muốn hiến phổi cứu bệnh nhân phi công người Anh đều chia sẻ rằng, họ muốn đồng hành cùng nỗ lực của những người Việt ngăn chặn dịch bệnh và cũng là vì muốn giúp đỡ bệnh nhân trong khả năng của mình.

Chỉ có mệnh lệnh từ con tim mới giúp những người Việt bình thường trong xã hội đi đến quyết định hiến tạng, sẵn sàng vượt qua những rào cản nhất định để chia sẻ một phần cơ thể nhằm cứu người. Mệnh lệnh từ con tim được kết nối, lan tỏa từ chính dòng chảy đùm bọc, cưu mang, bao dung luôn cuộn trào mạnh mẽ trong những thời điểm xã hội gặp khó khăn, điển hình là trong cơn đại dịch COVID-19.

Truyền thống "lá lành đùm lá rách", "lá rách ít đùm lá rách nhiều" không chỉ thể hiện ở việc cứu giúp, hỗ trợ tiền, lương thực thực phẩm và các loại nhu yếu phẩm…; ở cấp độ cao hơn, còn là sự hiến tạng, chia sẻ một phần cơ thể sống, với mong muốn cứu sống bệnh nhân đang thập tử nhất sinh.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/cuu-benh-nhan-phi-cong-nguoi-anh-menh-lenh-tu-trai-tim-805574.ldo
 

Theo Thế Lâm (LĐO)

Có thể bạn quan tâm