"Có một người yêu và nhớ đến mình suốt 50 năm, giờ người ấy trở thành tri kỷ để trò chuyện mỗi ngày, không cần giàu sang hay quyền lực, đời tôi chỉ cần như thế là quá đủ".
Tấm hình bà Lan và ông Ken Reesing lức trẻ. Ảnh: NVCC |
Bà Thúy Lan (tên thật là Vũ Thị Vinh), 67 tuổi đã thốt lên như vậy trong cuộc gặp với PV Lao Động chiều 14-9, hai ngày sau khi bà đón ông Ken Reesing tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Năm 16 tuổi, cô thiếu nữ Thúy Lan đã có cuộc gặp với Ken Reesing - một chàng lính Mỹ tuổi 22 tại quầy bar của câu lạc bộ EM Club (Enlisted Men’s Club) và họ đã phải lòng nhau. Vào năm 1969, Ken Reesing trở về Mỹ cùng lời hứa hẹn anh sẽ trở về tìm người yêu. Tuy vậy, không lâu sau đó, hai người đã mất liên lạc dần.
Bà Thúy Lan hằng ngày vẫn bán cháo để mưu sinh và cuộc sống của bà lúc nào cũng ngập tiếng cười |
Qua nhiều biến cố cuộc sống bà Thúy Lan hiện sinh sống tại phường Thanh Bình, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Bà trải qua một cuộc hôn nhân và giờ sống cùng con gái và mưu sinh bằng nghề bán cháo.
Còn về phía ông Ken Reesing, khi trở về Mỹ, ông từng kết hôn nhưng không có con cái và sống độc thân với một chú mèo ở tiểu bang Ohio.
Giây phút hội ngộ xúc động giữa ông Ken Reesing và bà Thúy Lan tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: NVCC |
Ở cách xa nửa vòng trái đất, họ ngỡ như cả đời này cũng không tìm gặp lại nhau, có lúc ông Ken Reesing nghĩ rằng bà Lan đã qua đời. Nhưng cổ tích giữa đời thường đã xuất hiện, nhờ một người quen đăng tin bà Lan trên mạng xã hội, họ đã tìm thấy nhau chỉ sau 1 ngày và dành cho nhau cái ôm thật chặt giữa phi trường Tân Sơn Nhất.
Giây phút hội ngộ xúc động giữa ông Ken Reesing và bà Thúy Lan tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: NVC |
Hôm đó, người phụ nữ 67 tuổi mặc một bộ áo dài màu xanh, đó là bộ áo dài mà ông Ken muốn bà mặc trong lần đầu hội ngộ. Bà Lan kể lại: "Trước lúc gặp ông Ken, tôi hồi hộp cứ trông ngóng hoài. Không chỉ tôi mà con gái, chị gái và các cháu của tôi cũng lên sân bay để đón ông.
Tôi cứ ngỡ như là một giấc mơ vậy, có một người yêu và nhớ đến mình suốt 50 năm giờ người ấy trở thành tri kỷ để trò chuyện mỗi ngày, không cần giàu sang hay quyền lực, đời tôi chỉ cần như thế là quá đủ".
Trao đổi với Lao Động, ông Ken nói: "Tôi thật sự hạnh phúc khi biết bà ấy còn sống và khỏe mạnh. Trước lúc gặp nhau, tôi nhắn nhủ mong muốn bà ấy mặc bộ áo dài truyền thống của Việt Nam và tôi khó có thể quên được giây phút xuống sân bay và nhìn thấy bà Lan trong tà áo dài. Qua 50 năm, chỉ có mái tóc của bà ấy ngắn hơn, còn khuôn mặt và nụ cười vẫn vậy, vẫn như một cô thiếu nữ tuổi 16 mà tôi từng gặp".
Bà Lan và ông Ken Reesing hạnh phúc chia sẻ những kỷ niệm cũ |
Hai ngày gần đây, quán cháo của bà Lan chộn rộn hơn vì có sự xuất hiện của một người đàn ông ngoại quốc, đội nón lá Việt Nam và phụ bà Lan bưng cháo cho khách, động tác không thuần thục nhưng bù lại miệng lúc nào cũng cười tươi.
Lúc vơi khách, hai người lại ngồi ở một góc nói đủ thứ chuyện trên đời. Người đi đường ghé ngang có thể không hiểu được họ đang nhắc đến câu chuyện gì, chỉ biết mỗi lời nói lại kèm những nụ cười giòn tan và cái nắm tay thật chặt.
Ông Ken Reesing đội nón lá và phụ bán cháo với bà Lan |
Thời gian tới, hai người dự định sẽ đi ngắm biển và trong thời gian ngắn ngủi 2 tuần ông Ken Reesing là "khách trọ" tại nhà bà Lan. Ngôi nhà nhỏ của mẹ con bà Lan bây giờ ấm áp hơn hẳn, trên gương mặt của người phụ ấy thi thoảng lại nở nụ cười bẽn lẽn như hình ảnh của cô thiếu nữ tuổi 16 nửa thế kỷ trước.
Bà Thúy Lan và ông Ken Reesing ăn bữa cơm tối do bà Lan tự nấu |
Câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tri kỷ của hai làm mọi người phải thốt lên "Cứ yêu thôi vì cuộc đời cho phép. Ôi, cuộc đời còn nhiều điều đẹp hơn cổ tích".
ANH NHÀN - ANH TÚ (LĐO)