Phóng sự - Ký sự

Cựu binh Nguyễn Thế Long: "Cho đi là còn mãi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ là tấm gương điển hình trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, cựu binh Nguyễn Thế Long (SN 1957, trú tại thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ) còn được biết đến bởi những việc làm giàu lòng nhân ái. Dẫu vậy, bản thân ông chưa bao giờ muốn nói nhiều về những điều tốt đẹp ấy bởi một suy nghĩ vô cùng bình dị: Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình!
Cách trụ sở UBND xã An Thành chừng 3 km, ngôi nhà nhỏ của ông Long nằm lọt thỏm giữa thung lũng mênh mông. Bao quanh là vườn cây ăn quả với đủ chủng loại và 2 ao nước lớn phục vụ cho việc trồng trọt, chăn nuôi của gia đình. Dưới ánh nắng cuối đông, bên hiên nhà, ông Long đã pha sẵn ấm trà xanh, ngồi đợi khách theo lời hẹn.
Một góc trang trại của gia đình ông Long. Ảnh: Mộc Trà
Một góc trang trại của gia đình ông Long. Ảnh: Mộc Trà
Người lính năm xưa
Cựu binh Nguyễn Thế Long mở đầu câu chuyện với chúng tôi về những tháng ngày gian khổ mà rất đỗi tự hào khi còn là một anh “Bộ đội Cụ Hồ” trẻ trung, nhiệt huyết. Từng trang ký ức cứ nối tiếp nhau lật giở qua chất giọng trầm ấm và đầy hào sảng của ông. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước ở xứ Nghệ, tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Thế Long lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Sau một thời gian đóng quân ở Nha Trang, ông cùng đơn vị (Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, góp phần cùng quân tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng Pol Pot. Trong những trận chiến cam go nơi nước bạn, không ít lần ông Long phải chứng kiến đồng đội của mình bị thương, thậm chí hy sinh. Ngay cả trên người ông cũng chằng chịt những vết sẹo. Những lúc như vậy, ông luôn tự nhủ phải biến đau thương thành sức mạnh để tiếp tục chiến đấu.
Sau đó, ông Long lại tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Năm 1987, Lữ đoàn Công binh 7 về đóng quân tại địa bàn Gia Lai, ông Long cũng đưa vợ con vào mảnh đất cao nguyên sinh sống. 3 năm sau đó, ông chuyển công tác về Ban Chỉ huy Quân sự huyện An Khê (nay là thị xã An Khê), làm nhiệm vụ trợ lý dân quân tự vệ cho đến năm 1998 thì về hưu. Hơn 20 năm khoác trên mình chiếc áo lính, trở về với bao vết thương chực chờ đau nhức mỗi khi trái gió trở trời (ông hiện là thương binh hạng 3/4), thế nhưng khi tâm sự với chúng tôi, người cựu binh ấy vẫn một mực khẳng định rằng, đó là khoảng thời gian ý nghĩa nhất của đời mình khi chí trai được thỏa nguyện cống hiến trọn vẹn cho non sông, đất nước.
Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”
Tạm dừng câu chuyện “đời lính”, ông Long đưa chúng tôi đi tham quan một vòng trang trại của gia đình được đầu tư theo mô hình vườn-ao-chuồng. Bên cạnh ngôi nhà nhỏ là 2 ao nước trong vắt, lấp lánh dưới nắng. Kế đó là vườn cam, bưởi lủng lẳng quả chín; xa hơn là vườn nhãn xanh ngắt, cành lá sum suê. Bên bờ ao, những chú bò, dê đang nhởn nhơ gặm cỏ. Một khung cảnh rất đỗi yên bình.
Ông Nguyễn Thế Long là tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Ảnh: M.T
Ông Nguyễn Thế Long là tấm gương tiêu biểu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Ảnh: M.T
Cơ ngơi này được vợ chồng ông bắt tay gầy dựng từ năm 1996. Trước kia, nơi đây thuộc Nông trường Hà Tam nhưng vì đất đồi dốc, bị xói mòn và khô cằn nên gần như không ai ngó ngàng đến. Với đức tính cần cù, chịu khó, vợ chồng ông ngày qua ngày bỏ sức khai hoang rồi dần biến nơi đây thành vùng đất màu mỡ. Năm 2010, với ý tưởng xây dựng mô hình trang trại, ông Long mua lại 1 ha nhãn lồng Hưng Yên với giá 35 triệu đồng, gồm 50 cây nhãn đang bước vào thời kỳ kinh doanh. Tiếp đó, ông đào 2 cái ao với diện tích hơn 4.000 m2 để thả cá và lấy nước tưới cho cây trồng. Những năm sau đó, ông tiếp tục trồng thêm 200 cây nhãn, 200 cây cam Vinh; chăn nuôi trâu, bò, dê, gà, vịt… Không những thế, người cựu binh này còn chịu khó học hỏi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để vừa tiết kiệm công lao động, vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Toàn bộ diện tích cây ăn quả của gia đình đều được tưới bằng hệ thống béc phun tự động theo công nghệ Israel với kinh phí đầu tư gần 70 triệu đồng.
“Tôi đang có 3 sào lúa, 1,5 ha cây ăn quả, 4 ha mía, 2 ha bạch đàn và hơn 100 con trâu, bò, dê, gà, vịt, heo rừng… Hàng năm, trừ chi phí, gia đình cũng lãi được 200 triệu đồng. Tôi dự định sẽ trồng thêm 20 cây dừa, 500 cây nhãn và 600 cây chanh tứ quý. Tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng gia trại nhỏ của mình thành một nơi câu cá thư giãn, thu hút mọi người đến vui chơi vào dịp cuối tuần để tạo thêm nguồn thu”-ông Long chia sẻ.
Một tấm lòng nhân ái
Tuy vậy, điều khiến nhiều người nhớ ngay đến cựu binh Nguyễn Thế Long có lẽ chính là những việc làm “khác người” của ông như: chủ động đưa 3 đối tượng nghiện ma túy từ Thái Nguyên về nhà để giúp họ cai nghiện; sẵn sàng cưu mang những đứa trẻ Bahnar có hoàn cảnh không may…
Người cha nuôi đặc biệt Nguyễn Thế Long và bé Đinh Neo. Ảnh: Lan Anh
Người cha nuôi đặc biệt Nguyễn Thế Long và bé Đinh Neo. Ảnh: Lan Anh

Ông Nguyễn Văn Luyện-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã An Thành, huyện Đak Pơ: “Ông Nguyễn Thế Long là hội viên luôn đi đầu trong các hoạt động. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động bà con trong thôn hiến được 4.000 m2 đất để mở rộng đường nội đồng. Đặc biệt, vợ chồng ông còn cưu mang những đứa trẻ đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nuôi dưỡng, dạy dỗ chúng nên người”.

Chỉ vì ghi nhớ ân tình của một cụ già ở Thái Nguyên đã từng chở che mình trong những năm còn trong quân ngũ, năm 2014, ông Long quyết định đưa lần lượt 3 người thân của bà cụ này về nhà mình ở Gia Lai để giúp họ cai nghiện ma túy. “Việc làm này của tôi khiến vợ con dù ủng hộ nhưng vẫn lo lắng không yên. Bởi ai cũng biết, người nghiện ma túy là đối tượng cực kỳ liều lĩnh, trong khi cả 3 đều không phải là người thân thích. Đưa họ về, gia đình tôi hay bị mất vặt tài sản, lớn nhất là chiếc xe máy, nhưng tôi không vì thế mà nản lòng bỏ cuộc. Sau 1 năm, vợ chồng tôi đã giúp được 2 người cai nghiện thành công, ở lại Gia Lai làm ăn sinh sống; còn 1 người thì tự bỏ trốn về quê nhưng vẫn coi tôi như cha và thường xuyên giữ liên lạc với gia đình”-ông Long tâm sự.
Không dừng lại ở đó, năm 2017, vợ chồng ông Long còn trở thành cha mẹ nuôi của nhiều đứa trẻ Bahnar. Đầu tiên là Đinh Vui (khi ấy 17 tuổi, ở làng Kuk Kôn, xã An Thành). Cha của Vui hàng ngày uống rượu say rồi đánh đập vợ con, mẹ Vui vì túng quẫn nên uống thuốc diệt cỏ tự tử, để lại 7 đứa con nheo nhóc. Vui giận cha nên không muốn về nhà, cứ đi lang thang khắp nơi. Thương tình, vợ chồng ông Long đưa về nhà, nấu cơm cho ăn rồi mua thêm quần áo, thức ăn để Vui mang về làng nhưng cậu bé không muốn. “Riết rồi nó xin tôi cho ở lại, thương quá nên tôi đồng ý. Được 1 năm, nó quay về rủ đứa em trai kề mình là Đinh Vức lên ở cùng. Vức lại tiếp tục lên làng Kliết (thị trấn Đak Pơ) rủ thêm 2 đứa nữa là Đinh Neo (9 tuổi) và Đinh Nùng (14 tuổi). Thế là tôi nuôi luôn 4 đứa, coi chúng như con ruột của mình. Thằng Vui giờ đã theo con trai út của tôi vào làm việc tại Bình Phước, 3 đứa còn lại thì hàng ngày phụ tôi việc đồng áng hoặc đi làm thuê theo mùa vụ, tùy sở thích của chúng chứ tôi không ép buộc gì cả. Vợ chồng tôi cứ nuôi tụi nó vậy, khi nào không thích ở nữa thì chúng cứ trở về nhà”-ông Long kể.
Không chỉ cho miếng ăn, chốn ngủ, vợ chồng ông Long và các con mình còn giúp làm giấy tờ tùy thân cho những đứa trẻ này; dạy chúng học chữ và tạo cơ hội việc làm. Trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, Đinh Vui phấn khởi nói: “Em đang cùng con trai bác Long làm công tại một trang trại ở Lộc Ninh với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nhờ gia đình bác Long mà em mới có cuộc sống tốt như bây giờ. Em biết ơn bác lắm”. Còn Đinh Neo thì rụt rè cho hay: “Cha mẹ em bỏ nhau, cha đi lấy vợ khác, mẹ cũng có chồng khác. Một lần theo bạn lên nhà bác Long chơi, em thích nên ở lại luôn. Bác dạy em học chữ, cho em uống sữa, ăn cơm no bụng và đưa em theo về quê bác chơi thật vui”.
Tấm lòng nhân ái của ông Long được hàng xóm vô cùng trân quý. Bà Bùi Thị Ngọc Huệ (thôn 5, xã An Thành) nhận xét: “Dù không chủ động xin về nuôi nhưng vợ chồng anh Long cưu mang và đối xử với bọn trẻ như con ruột, cùng ăn, cùng ngủ với chúng. Lúc đầu mới đến đây tụi nó chưa biết gì hết, nhưng giờ thì đã biết đọc, biết chào hỏi người lớn. Hiếm có ai được như vợ chồng anh ấy”.
Càng nghe ông Long bộc bạch, chúng tôi càng thêm khâm phục. Đơn giản, với ông, một chút sẻ chia có thể giúp vơi bớt những nỗi đau; một sự động viên kịp thời có thể tiếp thêm sức mạnh; một sự đùm bọc, chở che có thể cảm hóa những bước chân túng quẫn và lầm lỡ. Trò chuyện với chúng tôi, ông bày tỏ mong muốn trên địa bàn huyện có một trung tâm bảo trợ xã hội để đón nhận, hỗ trợ được nhiều hơn những mảnh đời sa ngã hoặc kém may mắn, giúp họ trở thành công dân có ích.
 MỘC TRÀ-LAN ANH

Có thể bạn quan tâm