Phóng sự - Ký sự

Cứu tinh của thú hoang lâm nạn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trước những lời đồn thổi về khả năng chữa bách bệnh, xua đuổi điềm xui, rước tài lộc từ các sản phẩm động vật rừng khiến nạn săn bắt, buôn bán thú rừng trái phép hoành hành khắp nơi, các cơ quan chức năng và người dân Đak Lak đã nỗ lực ngăn chặn, cứu hộ động vật hoang dã trước nguy cơ tuyệt chủng.

Bỏ tiền túi cứu thú rừng

Không nỡ để thú rừng trở thành mồi nhậu, anh Nguyễn Thành Long (SN 1989, phường Tân Tiến, thành phố Buôn Ma Thuột, Đak Lak) đã bỏ tiền túi mua lại chúng từ các chủ nhà hàng rồi thả chúng về với tự nhiên. Xem các video ghi lại cảnh anh thả động vật hoang dã về rừng trên mạng xã hội thu hút nhiều lượt bình luận, chia sẻ. Có người đánh giá đây là hành động nhân đạo đầy ý nghĩa, nhưng không ít người hồ nghi cho rằng anh “làm màu, câu like”. Bỏ qua dư luận, anh Long vẫn duy trì việc “mua – thả” suốt 4 năm nay.

 

Tiêm vitamin cho Mang con trước khi thả về rừng.
Tiêm vitamin cho Mang con trước khi thả về rừng.

Anh Long chia sẻ, bản thân yêu quý động vật từ nhỏ. Năm 2012, anh nuôi một con Sóc để bầu bạn và dành sự chăm sóc đặc biệt. Một lần dẫn Sóc ra ngoài dạo chơi, nhìn chú Sóc tung tăng vui đùa, anh nhận ra thiên nhiên mới chính là môi trường sống tốt nhất của nó nên quyết định thả Sóc về rừng. Trước khi nhảy đi, Sóc không quên liếc nhìn, ngoáy đuôi như muốn nói lời cảm ơn chủ nhân.

Cũng năm 2012, trong chuyến đi Đak Nông, nhìn thấy con Kỳ đà mang thai bị rao bán ven đường. Hình ảnh “bóc da, làm thịt” hiện lên, anh dừng xe mua lại rồi mang ra khu vực sông Sêrêpốk thả. “Cảm giác thả chúng đi giống như mình vừa tìm được thứ quý giá sau bao ngày thất lạc”. Và từ đó, mỗi khi gặp người bán động vật rừng anh đều mua lại để phóng sinh. Con vật nào khỏe mạnh thì anh mang đi thả ngay, con bị thương anh giữ lại chăm sóc cho lành lại mới thả.

Anh Long cho biết, động vật vốn dĩ hiền lành nhưng khi bị thương rất hung dữ. Các cơ sở chăm sóc thú cưng không dám nhận chữa trị. Anh bất đắc dĩ trở thành “bác sĩ thú y”, tự mua thuốc, băng gạc về băng bó vết thương. Nhìn chúng nằm im, kêu rên vì đau, anh xót lòng như chính cơ thể mình thương tổn. Trước khi để chúng về tự nhiên, anh Long tìm hiểu kỹ môi trường sống của từng loài, tránh xung đột giữa các loài trong hệ thống chuỗi thức ăn.

Một buổi sáng cuối tháng 10 trời nắng đẹp, chúng tôi theo chân anh vượt chặng đường xa từ thành phố Buôn Ma Thuột sang huyện Krông Nô (Đắk Nông) để thả con Chồn hương nặng 2,7kg mua 2 tháng trước. Chồn bị dính bẫy, gãy chân trước, anh băng bó, nay vết thương đã lành lặn. Trước khi đi, anh hạn chế số người theo, bí mật vị trí thả vì… sợ lộ thông tin, cánh thợ săn truy lùng. Đi đường xa, Chồn hương bị sốc nhiệt, anh cho uống nước, để nằm dưới bóng cây cho lại sức.

Nhìn chú Chồn lê bước chân chậm chạp di chuyển vào rừng, anh Long xót xa tâm sự: “Chân vẫn còn đau nhưng được về với tự nhiên nó vẫn cố bò đi. Ai nhìn cũng thấy thương. Mình muốn kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ động vật hoang dã, nhưng không thể hô hào suông mà phải bằng hành động. Việc đầu tiên mình có thể làm là tiết kiệm tiền chi tiêu cá nhân để giải cứu chúng trước. Sau đó mới tính đến các giải pháp bảo tồn quy mô hơn. Rất may việc làm của mình được gia đình, người thân ủng hộ, động viên”.

Từ năm 2012 đến nay anh đã giải cứu cho hàng trăm con rắn đủ loại, cùng nhiều loài động vật khác như Mèo, Khỉ, Chồn… Kỷ niệm khiến anh nhớ nhất là lần thả Khỉ con về rừng năm 2013. Dù đã tính thế thủ thân nhưng vừa mở bọc ra, chú Khỉ đã nhảy vồ vào người, cấu vào cánh tay anh. Vết thương đó trở thành vết sẹo dài hình tam giác để đời.

Sau lần ấy, anh cẩn trọng hơn khi thả, nhất là loài rắn. Mỗi lần anh thả mấy chục con nên phải chọn thế dốc, tuốt bao là lo chạy xa. Anh chỉ kịp ghi lại một vài clip ngắn về hành trình đi thả, chia sẻ lên mạng xã hội để kêu gọi các bạn trẻ cùng chung tay bảo vệ động vật. Anh Long cho hay: Ai cũng có đam mê, sở thích riêng, và anh chọn “giải cứu thú rừng” làm niềm vui của mình nên sẽ tiếp tục duy trì công việc này.

Gỡ bẫy giải cứu

 

Các loại bẫy được thu giữ tại vườn Quốc gia Yok Đôn.
Các loại bẫy được thu giữ tại vườn Quốc gia Yok Đôn.

Vườn Quốc gia Yok Đôn là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật, trong đó nhiều loài có tên trong sách Đỏ Việt Nam nên cánh thợ săn luôn tìm mọi cách đột nhập giăng bẫy, khiến muông thú phải nơm nớp lo sợ trong chính “ngôi nhà” của mình.

Cho phóng viên xem các loại bẫy mà cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn thu được trong lúc tuần tra bảo vệ rừng, anh Nguyễn Thế Hiển - nhân viên phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết: Các loại bẫy và cả súng săn đều do cánh thợ săn tự tay chế tác. Tùy từng loài thú mà họ thiết kế, tạo bẫy khác nhau như bẫy giăng, bẫy dây dùng để bắt thú nhỏ (Thỏ, Gà rừng, Sóc…) bẫy rút, bẫy đinh, bẫy cung bắt thú to (Heo rừng, Chồn, Nai…). Bẫy cạp được cho là loại nguy hiểm nhất, loài thú nào không may dẫm phải ngay lập tức bị các răng nhọn cắm vào chân gây sát thương cao, đe dọa tính mạng.

Cánh thợ săn thường chọn đặt bẫy ở thảm cỏ xanh, trong rừng le rậm rạp hoặc gần khu vực sông, suối nơi con thú hay lui tới tìm thức ăn, nước uống. Bẫy thú được ngụy trang rất tinh vi, nếu không để ý, kể cả con người cũng khó phát hiện. Một cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn trong lúc tuần tra từng sa chân vào bẫy, phải nhờ đồng nghiệp cưa cùm, bẻ khóa mới tháo bẫy ra được. Năm 2013, một con Voi rừng khoảng 5 năm tuổi, nặng hơn 6 tạ trong lúc di chuyển cùng đàn, đã vô tình dẫm bẫy khiến một chân trước và vòi bị thương nặng, cán bộ Trung tâm Bảo tồn Voi Đak Lak đưa về cứu hộ, nhờ chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, điều trị. Dù trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn và được chăm sóc đặc biệt nhưng chân chú Voi không thể đi lại bình thường như trước.

Để bảo vệ bình yên cho khu rừng, cán bộ kiểm lâm ngoài nhiệm vụ ngăn chặn lâm tặc chặt gỗ, còn phải “căng mắt” tìm gỡ bẫy thú, cứu hộ động vật gặp nạn trong rừng. Ngày 16-9-2017 trong quá trình tuần tra, lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Yok Đôn đã phát hiện một cá thể Mang con nặng khoảng 4 kg bị ngã xuống mương dẫn nước nên đưa về trạm cứu hộ tạm thời. Sau 4 ngày được các chuyên gia thuộc Tổ chức động vật châu Á chăm sóc, Mang con đã khỏe lại và được thả về rừng. Trước khi thả, chú Mang đã được truyền nước, tiêm vitamin để tăng sức đề kháng. Sau 24 giờ, các chuyên gia quay lại vị trí thả kiểm tra thì chú Mang đã về với thế giới của nó.

 

Theo số liệu của Chi cục kiểm lâm Đak Lak: 6 tháng đầu năm 2017 các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 17 vụ săn bắt, vận chuyển, mua bán động vật rừng, thu giữ 20 kg thịt rừng. Các cơ quan cũng thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc quản lý, gây nuôi và hoạt động mua bán, sử dụng động vật hoang dã trên địa bàn. Công tác tuyên truyền vận động người dân giao nộp động vật hoang dã cũng được quan tâm thực hiện. Năm 2016, Hạt kiểm lâm thành phố Buôn Ma Thuột vận động người dân giao nộp được 7 cá thể gấu,  3 cá thể Khỉ (năm 2017) và nhiều loài động vật hoang dã khác…

Anh Hiển cho biết thêm các loại động vật sau khi tịch thu từ thợ săn, gỡ bẫy trong rừng hoặc tiếp nhận từ người dân đều được đưa về trạm cứu hộ tạm thời tại Vườn để kiểm tra sức khỏe. Con vật nào còn khỏe mạnh sẽ đem đi thả ngay, con bị thương thì để lại trạm chăm sóc cho lành hẳn. Với những con vật bị nuôi nhốt lâu ngày, trạm tiếp tục nuôi dưỡng trong môi trường bán hoang dã, dạy chúng bản năng sinh tồn trước khi đưa về tự nhiên. Tại trạm hiện có 5 cá thể Nai, 3 cá thể Khỉ cùng các loài khác như Rùa, chim Công, chim Trĩ, Chồn…

Huỳnh Thủy/tienphong

Có thể bạn quan tâm