Đã có 27 người chết và mất tích vì cơn bão số 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhà cửa xóm Sim, Thủy Nguyên, Hải Phòng bị đổ sập sau trận lốc xoáy.
Nhà cửa xóm Sim, Thủy Nguyên, Hải Phòng bị đổ sập sau trận lốc xoáy.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống lụt bão, tính đến 20 giờ ngày 25-6, bão số 2 đã làm ít nhất 27 nguời tại các tỉnh Yên Bái, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Thanh Hóa bị chết và mất tích; 60 người bị thương; hàng nghìn ngôi nhà hư hỏng; hàng chục nghìn hécta lúa và rau màu ngập úng; nhiều tàu, thuyền bị chìm.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, từ ngày 24-6 đến nay tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An có mưa vừa, mưa to đến rất to nên có khả năng gây lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng là rất cao.

Vì vậy, ngày 25-6, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương- Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã tiếp tục có công điện khẩn số 16/CĐ-TW yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các Bộ Quốc phòng. Công an, giao thông vận tải khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Theo đó, các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành cần thực hiện nghiêm túc nội dung các công điện số 14/CĐ-TW ngày 21-6-2011, công điện số 15/CĐ-TW ngày 23-6-2011 của BCĐ PCLBTW - Ủy ban QGTKCN và các văn bản chỉ đạo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương ngày 24-6-2011; tổ chức triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê điều theo cấp báo động; tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các sự cố đê khi vừa phát sinh.

Trong đó, đặc biệt quan tâm chỉ đạo đảm bảo an toàn cho 2 cống đang thi công trên đê sông Lam, sông La là cống Nam Đàn - Nghệ An và cống Đức Xá - Hà Tĩnh; kiểm tra, quản lý chặt chẽ và hướng dẫn giao thông ở các bến đò, yêu cầu chủ các phương tiện phải chấp hành các điều kiện đảm bảo an toàn cho hành khách, kiên quyết không cho phương tiện hoạt động nếu không đủ điều kiện an toàn theo qui định. Giao chính quyền cấp cơ sở chịu trách nhiệm về việc hoạt động giao thông thuỷ ở khu vực có lũ. Nghiêm cấm việc vớt củi khi có lũ; chỉ đạo việc sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất; hạ lưu các hồ chứa có nguy cơ xảy ra sự cố; khu vực ngoài bãi sông.

Duy trì, tổ chức lực lượng, vật tư, phương tiện để ứng cứu và xử lý kịp thời các tình huống xấu xảy ra; thông báo cho các chủ công trình và đơn vị có công trình đang thi công ở ven sông, trên sông, chủ các phương tiện vận tải thủy biết thông tin về lũ để chủ động các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, tài sản và các phương tiện; Tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống lũ, nắm vững thông tin và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm