Đà Lạt sẵn sàng đón khách tham quan Thiên đường Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tất cả đã sẵn sàng để “trình làng” một không gian “Thiên đường Tây Nguyên”, với hàng ngàn cổ vật, hiện vật gắn liền với đời sống các dân tộc ít người bản địa gốc Tây Nguyên được tái hiện ngay bên bờ hồ Xuân Hương Đà Lạt thơ mộng…

Một góc không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên.


 
Ngày 9/11, lãnh đạo UBND TP Đà Lạt cho biết đang phối hợp với Công ty TNHH Vietnam Silk House tập trung hoàn thiện các hạng mục cuối cùng của dự án không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên và Sân khấu nghệ thuật thời trang thổ cẩm và biểu diễn nghệ thuật thời trang Tơ lụa - Con đường Di sản ngoài trời ngay bên bờ hồ Xuân Hương Đà Lạt.
 


 

Các nghệ nhân đang gấp rút hoàn thành các công đoạn cuối của không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên


 
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin Đà Lạt Lê Anh Kiệt cho biết: Phòng được UBND TP Đà Lạt giao trách nhiệm triển khai thực hiện không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên và Sân khấu nghệ thuật thời trang thổ cẩm và biểu diễn nghệ thuật thời trang Tơ lụa - Con đường Di sản. Đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên cũng như Sân khấu biểu diễn nghệ thuật thời trang Thổ cẩm và Tơ lụa ngoài trời ven bờ hồ Xuân Hương (nằm đối diện Chùa Quán Thế Âm, TP Đà Lạt) đều đảm bảo đúng tiến độ. Hiện nay chỉ còn công đoạn trưng bày tượng gỗ và vệ sinh tổng thể là có thể mở cửa đón khách thưởng lãm.


 

 
 
Rất nhiều hiện vật được trưng bày cùng với ngôi nhà dài của đồng bào bản địa gốc Tây Nguyên



Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên này mang trình làng cùng công chúng hơn 3.000 hiện vật sưu tầm về Tây Nguyên, được chia thành nhiều nhóm nhạc cụ, công cụ phục vụ sản xuất và đời sống, dụng cụ săn bắn, trang phục thổ cẩm truyền thống, cùng những món đồ về văn hóa tín ngưỡng, nghi thức và lễ hội của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên. Cũng tại không gian Thiên đường Tây Nguyên này còn được phục dựng, giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước 5 ngôi nhà của người dân tộc bản địa Tây Nguyên, gồm: 1 căn nhà dài người dân tộc Ê Đê, 1 nhà sinh hoạt hàng ngày người Cil, 1 ngôi nhà rông Rơngao của dân tộc Xê Đăng, 1 nhà rông của dân tộc Ba Na và 1 nhà dệt của dân tộc Ba Na.

Nằm trong chuỗi triển lãm Thiên đường Tây Nguyên, Ban tổ chức còn trưng bày triển lãm 97 tác phẩm ảnh nghệ thuật chủ đề “Nụ cười Tây Nguyên”, của nhiếp ảnh gia Hải Đông. Và, 49 bức ảnh về TP Đà Lạt chủ đề “Đà Lạt của tôi - Cung đường di sản” của các nhiếp ảnh gia Lý Hoàng Long, Bình Nguyễn, Hiếu Nguyễn, Minh Hòa…

 

Du khách tranh thủ chụp hình lưu niệm trước căn nhà dài



 

Ấn tượng hơn, trong khuôn khổ chương trình, tại sân khấu nghệ thuật ngoài trời nổi trên mặt hồ Xuân Hương còn diễn ra chương trình biểu diễn thời trang nghệ thuật với các bộ sưu tập được thiết kế trên nền vải thổ cẩm và thời trang Tơ lụa - Con đường Di sản với các bộ sưu tập Lụa tơ tằm do 15 nhà thiết kế thời trang nổi tiến hàng đầu Việt Nam được trình diễn trên nền vải tơ lụa Bảo Lộc.

 

Đàn đá trưng bày tại không gian triển lãm


Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên và biểu diễn nghệ thuật thời trang Tơ lụa - Con đường Di sản diễn ra bên bờ hồ Xuân Hương, chào mừng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ IX - năm 2022, mở cửa đón khách dự khán và thưởng lãm cổ vật, hiện vật gắn với đời sống các dân tộc ít người bản địa gốc Tây Nguyên vào chiều ngày 11/11/2022, và phục vụ du khách đến hết ngày 31/1/2023.
 

Trên 3.000 ngàn cổ vật, hiện vật của người Tây Nguyên được trình làng tại không gian Thiên đường Tây Nguyên
 
Dụng cụ gắn liền với đời sống sinh hoạt của các dân tộc bản địa gốc Tây Nguyên
Tượng gỗ Tây Nguyên được trưng bày tại triển lãm
Không gian sân khấu nghệ thuật biểu diễn thời trang ngoài trời trên hồ Xuân Hương, TP Đà Lạt



 
 http://baolamdong.vn/dulich/202211/da-lat-san-sang-don-khach-tham-quan-thien-duong-tay-nguyen-3143543/

 

Theo  THỤY TRANG  (LĐ online)

 

Có thể bạn quan tâm