Thời sự - Bình luận

Đại hội của niềm tin và kỳ vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau bao ngày chờ đợi, sáng 26-1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chính thức khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Hàng triệu người dân Việt Nam trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài hướng về Đại hội với niềm tin mãnh liệt vào một kế hoạch phát triển cùng bộ máy lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm sẽ được Đại hội sáng suốt lựa chọn để lãnh đạo đất nước tiếp tục phát triển trên con đường thịnh vượng.
 

Sinh ra từ lòng dân, hơn 90 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lấy việc phục vụ sự nghiệp cách mạng của toàn dân làm mục tiêu, lý tưởng phấn đấu của mình. Trong 9 thập kỷ ấy, lịch sử vẻ vang của Đảng đã gắn chặt với lịch sử vẻ vang của dân tộc trong quá trình đấu tranh đưa đất nước từ nô lệ, đói nghèo, lạc hậu, thương đau vượt lên thành quốc gia độc lập, tự do, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Từ chỗ không có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia có vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, là bạn, là đối tác của hầu hết các nước trên thế giới.

Trung tâm Hội nghị Quốc gia - nơi đón 1.587 đại biểu đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên trong cả nước về dự Đại hội. Ảnh nguồn: VTV.vn
Trung tâm Hội nghị Quốc gia-nơi diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh nguồn: VTV.vn


Người dân tin tưởng vì nhiệm kỳ XII “lịch sử” của Đảng đã ghi dấu ấn bằng cuộc đấu tranh quyết liệt, không khoan nhượng với tệ nạn tham nhũng. Thông điệp “lò đã nóng thì củi tươi vào cũng cháy” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định quan điểm nhất quán: không ai có quyền vi phạm các quy định của Đảng, đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật, dù người đó từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương, từng là Anh hùng hay tướng lĩnh...

Càng ấn tượng hơn khi năm cuối nhiệm kỳ, cái tên Việt Nam đã được bạn bè nhắc đến với tất cả sự khâm phục, ngưỡng mộ. Không chỉ vì nhịp độ tăng trưởng kinh tế được giữ vững, mô hình chống dịch hiệu quả mà trên hết là lòng tin của người dân đối với Đảng, Chính phủ, là truyền thống đoàn kết trên dưới một lòng, là tính ưu việt của chế độ. Phát biểu tại phiên khai mạc chính thức Đại hội sáng 26-1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng một lần nữa khẳng định: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”.

Người dân kỳ vọng vì đại hội lần này, Đảng không chỉ hoạch định tương lai đất nước trong 5 năm sắp tới mà còn có tầm nhìn dài rộng đến 25 năm sau. Dự thảo văn kiện đề ra các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao...

Một mối quan tâm rất lớn nữa được người dân chờ đợi là đội ngũ lãnh đạo mới của Đảng, Nhà nước được hình thành sau Đại hội sẽ như thế nào, họ là ai, để đảm bảo những chỉ tiêu, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội đề ra sẽ được triển khai thực hiện một cách hiệu quả, đem lại sự an yên, hạnh phúc cho toàn dân. Người dân mong rằng, Đại hội sẽ thực sự sáng suốt khi lựa chọn nhân sự.

Người dân kỳ vọng đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước nêu cao tinh thần cống hiến cho Đảng, cho dân, cho sự phát triển của đất nước. Bởi họ tin, khi vào Trung ương, mỗi ủy viên đã phải qua nhiều lần sát hạch với những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt: phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm.

Người dân đặt hết sự kỳ vọng vào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng trong việc lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt thực sự có tài, có đức, có khả năng làm nhiều hơn nói, biết mang tới cho dân những giá trị thực tế trong cuộc sống.

 

ĐÌNH CƯƠNG
 

Có thể bạn quan tâm