Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù phải đối mặt với nhiều thử thách nhưng trong năm 2021, Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) khu vực Tây Nguyên luôn nỗ lực vượt khó, làm tốt nhiệm vụ “bắt mạch” cho trời. Những bản tin dự báo, cảnh báo kịp thời không chỉ phục vụ hiệu quả công tác phòng-chống thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân mà còn góp phần phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương trong khu vực.
Ông Lê Văn Hưng-Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên-cho hay: Đài hiện có 18 trạm khí tượng, 1 trạm khí tượng nông nghiệp (Ea Kmat), 16 trạm thủy văn, 34 điểm đo mưa nhân dân tự động, 81 điểm đo mưa tự động, 1 trạm ra đa thời tiết Pleiku, 5 trạm khí tượng đo tự động 2 yếu tố nhiệt độ và lượng mưa, 2 trạm đo bức xạ tự động, 1 trạm định vị sét, 5 trạm môi trường nước sông và 3 trạm môi trường không khí. Ngoài ra, Đài vừa được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư thêm Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Kông” với 12 trạm khí tượng, 14 trạm thủy văn và 4 trạm giám sát tài nguyên nước tự động hoàn toàn; chính thức vận hành và đưa vào khai thác, sử dụng đầu năm 2021.
Thời gian qua, hoạt động của mạng lưới trạm KTTV và môi trường tiếp tục được duy trì ổn định; thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc, đo đạc, thu thập số liệu kịp thời, chính xác về các hiện tượng KTTV thông thường và nguy hiểm; đồng thời, điện báo số liệu phục vụ công tác dự báo phòng-chống thiên tai ở trung ương và địa phương, trong đó có tỉnh Gia Lai. 
Ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo (Đài KTTV khu vực Tây Nguyên) tác nghiệp trên hệ thống dự báo SmartMet. Ảnh: Mộc Trà
Ông Nguyễn Văn Huấn-Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dự báo (Đài KTTV khu vực Tây Nguyên) tác nghiệp trên hệ thống dự báo SmartMet. Ảnh: Mộc Trà
Nằm trên địa bàn xã Đak Ta Ley (huyện Mang Yang), Trạm Thủy văn Pmơrê đảm nhận nhiệm vụ quan trắc, đo đạc các yếu tố trên sông Ayun như: mực nước, lưu lượng nước, lượng mưa, nhiệt độ nước và không khí, phù sa, hướng gió... Theo Trạm trưởng Lê Thanh Vàng, số lần xuất hiện lũ trên sông Ayun trong năm nay nhiều hơn năm ngoái với khoảng 6 cơn lũ lớn, trong đó, lớn nhất là đợt lũ xảy ra vào giữa tháng 12 vừa qua. Lũ lên xuống khá nhanh và thường xuất hiện vào ban đêm. Hơn nữa, vì là vùng đồi núi nên khi nước lũ về thường kéo nhiều cây cối trôi theo, gây khó khăn trong việc đo đạc. “Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm cao, 4 thành viên của Trạm đã cố gắng khắc phục những bất lợi; phân công triển khai tương đối tốt nhiệm vụ, từ trực mực nước 24/24 giờ, đo đạc, quan sát, thu thập số liệu đến việc thông báo kịp thời, chính xác thông tin về cơ quan để dự báo, cảnh báo thiên tai cho vùng hạ du”-ông Vàng chia sẻ.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, Đài KTTV khu vực Tây Nguyên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới; điển hình như: ứng dụng hệ thống FieldVisits trong thu thập dữ liệu; ứng dụng SmartMet trong dự báo. Đồng thời, đơn vị từng bước đổi mới nội dung bản tin theo hướng định lượng, dễ hiểu, dễ sử dụng, đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng-chống thiên tai và phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Nhờ đó, chất lượng các bản tin dự báo trong năm cũng được cải thiện đáng kể, góp phần giúp giảm thiểu tối đa mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra. 
Một hệ thống quan trắc tự động của Đài thuộc Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Kông” mới được lắp đặt và đưa vào sử dụng năm 2021. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Một hệ thống quan trắc tự động của Đài thuộc Dự án “Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mê Kông” mới được lắp đặt và đưa vào sử dụng năm 2021. Ảnh: Đơn vị cung cấp
Ngoài ra, Đài cũng thường xuyên chỉ đạo các trạm thực hiện tốt công tác bảo dưỡng máy thiết bị, vườn quan trắc, công trình đo... đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, tuyệt đối an toàn trong lao động; thường xuyên kiểm tra, sửa chữa và kịp thời khắc phục sự cố hư hỏng máy, thiết bị đo KTTV trên toàn mạng lưới, đặc biệt là hệ thống trạm KTTV và đo mưa tự động; thực hiện tốt công tác so mẫu khí áp, máy mưa, máy nhật quang ký định kỳ cho các trạm khí tượng trên toàn mạng lưới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Nguyên cũng thông tin thêm về một số vướng mắc mà đơn vị gặp phải trong quá trình triển khai nhiệm vụ. Đó là công tác dự báo, cảnh báo KTTV chi tiết đến cấp huyện, xã còn gặp khó khăn, đặc biệt trong dự báo, cảnh báo mưa lớn, gió mạnh, ngập lụt. Công nghệ dự báo, cảnh báo KTTV hạn dài (dự báo thời hạn tháng, mùa; bản tin dự báo nguồn nước) còn hạn chế, chủ yếu dựa nhiều vào các phương pháp thống kê và kinh nghiệm của dự báo viên. Mặt khác, hiện nay, Đài vẫn đang sử dụng các máy truyền thống được trang bị từ nhiều năm trước, chất lượng xuống cấp; một số đã quá cũ khi đưa đi kiểm định chất lượng không đạt yêu cầu kỹ thuật. Thiết bị đo lắp đặt tại các trạm KTTV tự động được đầu tư từ các dự án có xuất xứ khác nhau, không đồng bộ. Tình trạng vi phạm hành lang kỹ thuật công trình KTTV, các trạm khí tượng vẫn còn xảy ra.
“Chúng tôi cũng đã đề ra những giải pháp cụ thể nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế; phấn đấu năm 2022, chất lượng điều tra cơ bản KTTV, chất lượng khí tượng bề mặt và chất lượng thủy văn đạt 92%; chất lượng môi trường và cao không đạt 93%. Cùng với đó, đơn vị sẽ tích cực theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, thủy văn trong khu vực, đặc biệt là thời tiết nguy hiểm; cung cấp thông tin kịp thời phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra”-ông Hưng cho biết.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm