(GLO)- Các nghệ nhân thực hành di sản văn hóa phi vật thể là những người ưu tú của cộng đồng, góp phần làm cho các giá trị của di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” thăng hoa. Vinh danh và có chính sách đãi ngộ xứng đáng đội ngũ này là vấn đề căn cốt để phát huy kho tàng tri thức lớn lao ở họ, qua đó bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Đãi ngộ và tôn vinh
Thời gian qua, nhiều cuộc hội thảo trong nước lẫn quốc tế về bảo tồn “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được tổ chức. Trong đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh sự cần thiết của việc tôn vinh đội ngũ nghệ nhân dân gian-những con người đang nắm giữ kho tàng tri thức đồ sộ, thực hành và truyền dạy các giá trị văn hóa phi vật thể cho cộng đồng. Từ năm 2017, Nhà nước đã ban hành chính sách đãi ngộ những con người mà nhà văn Nguyên Ngọc coi là “đặc biệt, rất hiếm hoi, và được hết sức quý trọng” ở cộng đồng bằng danh hiệu cao quý: nghệ nhân ưu tú. Qua 2 đợt xét tặng trước, Gia Lai có 23 nghệ nhân người Jrai, Bahnar được trao danh hiệu. Năm 2021, thêm 9 nghệ nhân (3 nữ, 6 nam) của tỉnh có tên trong danh sách xét đề nghị phong tặng, thuộc các lĩnh vực: tri thức dân gian (đan lát, dệt thổ cẩm, chỉnh chiêng), nghệ thuật trình diễn dân gian (truyền dạy cồng chiêng, tạc tượng gỗ).
Nghệ nhân Đinh Bi (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) tạo hoa văn bằng kỹ thuật đan đạt đến trình độ cao cho những chiếc gùi. Ảnh: Minh Châu |
Huyện Kbang có nhiều nghệ nhân được đề nghị xét tặng danh hiệu nhất với 5 người, đều ở xã Kông Lơng Khơng; tiếp đến là huyện Kông Chro có 3 nghệ nhân và huyện Chư Sê 1 nghệ nhân. Ông Nguyễn Trọng Hiếu-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Kông Chro-cho biết, hiện toàn huyện còn khoảng hơn 100 nghệ nhân đang thực hành di sản văn hóa phi vật thể trên các lĩnh vực. Qua 2 đợt phong tặng trước, huyện mới chỉ có 4 nghệ nhân được trao danh hiệu, trong đó 1 người đã mất do tuổi cao sức yếu. “Mỗi nghệ nhân ra đi là một mất mát lớn đối với văn hóa truyền thống, vì họ mang theo toàn bộ tri thức dân gian về với ông bà, trong khi thế hệ kế cận chưa thể đạt đến trình độ tinh hoa, ưu tú. Để tôn vinh đóng góp của các nghệ nhân trong gìn giữ, sáng tạo các giá trị văn hóa, hàng năm, địa phương duy trì tổ chức các hoạt động hội thi, hội diễn văn hóa văn nghệ và khen thưởng nghệ nhân. Tuy nhiên, sự vinh danh này chỉ mang ý nghĩa tinh thần là chính”-ông Hiếu chia sẻ.
Xã Kông Lơng Khơng có 5 nghệ nhân trong danh sách được đề nghị trao danh hiệu năm 2021. Bà Trần Thị Bích Ngọc-cán bộ Văn hóa-Thông tin xã-cho biết: “Trong bảo tồn văn hóa truyền thống của người Bahnar, đội ngũ nghệ nhân của xã có những đóng góp quan trọng. Họ kế thừa và phát huy các giá trị di sản bằng tài năng vượt trội, giữ bản sắc văn hóa không phai nhạt trước rất nhiều sự tác động. Đội ngũ nghệ nhân là những “báu vật” không chỉ bởi họ là lực lượng nòng cốt truyền giữ văn hóa mà còn để khai thác du lịch và phục vụ các đoàn nghiên cứu văn hóa”. Khi làm hồ sơ xét tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, dù gặp nhiều khó khăn và có lúc tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng bà Ngọc vẫn hết sức nỗ lực. Bà chia sẻ, so với những đóng góp vô tư của các nghệ nhân đối với văn hóa dân tộc thì để họ có được danh hiệu cao quý và sự đãi ngộ của Nhà nước là việc nên làm. Nhiều tháng ròng, bà Ngọc lui tới nhà các nghệ nhân không biết bao lần mới củng cố đầy đủ hình ảnh, tư liệu để hoàn thiện hồ sơ. “Cả xã có 5 nghệ nhân được đề nghị trao danh hiệu nghệ nhân ưu tú là niềm vui và tự hào của cộng đồng Bahnar ở các làng. Tôn vinh xứng đáng chính là khuyến khích các nghệ nhân phát huy hơn nữa vai trò thực hành và trao truyền di sản văn hóa cho các thế hệ”-bà Ngọc cho biết.
Nghệ nhân Đinh Thị Lăm (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) vẫn tự trồng bông để lấy nguyên liệu dệt thổ cẩm. Ảnh: Minh Châu |
Trên thực tế, số lượng nghệ nhân được trao danh hiệu và đang đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú ở tỉnh ta còn khá ít ỏi so với đội ngũ người tài đang lặng lẽ cống hiến nơi buôn làng. Một số địa phương qua các lần xét tặng không có tên nghệ nhân nào. Ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: “Hoàn thiện một hồ sơ cho nghệ nhân không dễ. Người làm cần các kỹ năng/khả năng của 1 nhà nghiên cứu ở mức độ nhất định và phải có tâm huyết. Trên thực tế, không phải ai cũng làm được việc này. Chưa kể, việc hoàn thiện hồ sơ cho nghệ nhân mất nhiều thời gian, lại không có chế độ cho người đi làm. Trong khi đó, Phòng Văn hóa-Thông tin một số nơi lại thiếu người”.
“Báu vật của làng”
Ông Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch): “Nghệ nhân chính là người dẫn dắt dân làng, truyền nghề và lan tỏa những giá trị văn hóa đặc sắc cho cộng đồng. Họ chính là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Không có sự tham gia, đóng góp liền mạch của các nghệ nhân, văn hóa truyền thống đứt gãy là điều đương nhiên”. |
Đội ngũ nghệ nhân dân gian đã góp phần truyền giữ, làm cho di sản văn hóa mà người Tây Nguyên tích lũy qua hàng ngàn năm thêm phong phú, rực rỡ hơn bằng tài năng và trí tuệ của mình. Trong những người được đề nghị xét danh hiệu năm nay có 3 nữ nghệ nhân dệt thổ cẩm. Nếu nghệ nhân Đinh Thị Drinh (Hrin)-tổ dân phố Plei Nghe, thị trấn Kông Chro suốt đời truyền dạy cho hàng ngàn học trò không chỉ trong phạm vi địa phương mà ở khắp các huyện vùng Đông Trường Sơn, thì các nữ nghệ nhân Đinh Thị Lăm, Đinh Thị Hiền (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng) còn gìn giữ nguyên vẹn tri thức, kỹ năng nghề dệt truyền thống từ khâu trồng bông, se sợi, nhuộm màu đến dệt vải. Hiện nay, họ vẫn miệt mài thực hành nghề nghiệp và truyền dạy cho các thế hệ phụ nữ Bahnar ở làng.
Nghệ nhân Đinh Thị Drinh (thị trấn Kông Chro) truyền dạy nghề cho chị em phụ nữ ở các làng Bahnar (ảnh chụp trước tháng 4-2021). Ảnh: Minh Châu |
Homestay A Ngưi (làng Kgiang, xã Kông Lơng Khơng) là mô hình lưu trú khá nổi tiếng. Cạnh đó là nhà của một nghệ nhân dệt thổ cẩm cũng nổi tiếng không kém-bà Đinh Thị Lăm. Anh A Ngưi tự hào cho biết: “Người Bahnar chúng tôi rất tự hào, quý trọng những nghệ nhân dân gian như bà Lăm. Trong xu hướng phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa, họ chính là vốn quý, đóng vai trò rất quan trọng. Du khách lưu lại nơi này khi tận mắt chứng kiến nghệ nhân thực hành làm ra một sản phẩm thủ công, ai cũng đều vô cùng thích thú, sẵn sàng mua về làm kỷ niệm vì sự tinh tế, độc bản của sản phẩm. Chính các nghệ nhân đã làm cho tour du lịch cộng đồng hấp dẫn hơn, nhiều trải nghiệm hơn. Tôi sẽ kết nối để các nghệ nhân sáng tạo thêm những sản phẩm tiện lợi như vỏ gối, túi đựng laptop, điện thoại di động… bán cho khách du lịch, xem đó như cách lấy di sản nuôi di sản. Bằng cách này sẽ khuyến khích các nghệ nhân gắn bó và đóng góp thiết thực hơn vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa”.
MINH CHÂU