Phóng sự - Ký sự

"Đại phẫu" các ban quản lý rừng-Kỳ 2: Nhiều sai phạm về tài chính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngoài việc để mất rừng, để đất lâm nghiệp bị xâm chiếm, thời gian qua, nhiều Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) còn có những sai phạm về tài chính. Theo đó, nhiều đơn vị đã giao khoán sai đối tượng, giao khoán trên cả diện tích không có rừng, có dấu hiệu lập khống chứng từ để chiếm đoạt, trục lợi tiền ngân sách...
Khoán bảo vệ rừng trên diện tích… không có rừng
Theo Báo cáo số 366 ngày 26-9-2018 của UBND huyện Chư Sê gửi UBND tỉnh, trên khu vực núi Cheng Leng (thuộc địa phận xã Hbông, huyện Chư Sê), trong các năm 2015 và 2016, Ban QLRPH Ayun Pa đã chi trả tiền khoán bảo vệ rừng (200.000 đồng/ha/năm) đối với hơn 35 ha đất không có rừng. Đến năm 2017, đơn vị này vẫn tiếp tục khoán bảo vệ rừng cho diện tích trên nhưng cuối cùng lại không chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng do đoàn nghiệm thu phát hiện trên diện tích đó không có rừng…
Trả lời về vấn đề này, ông Nay Rcom Jem-Trưởng ban QLRPH Ayun Pa-khẳng định: Không có chuyện trục lợi trong việc giao khoán. Ông Jem giải thích thêm, khu vực diện tích rừng giao khoán cho dân nằm xen kẽ với diện tích nương rẫy cũ. Một thời gian, người dân lấn chiếm, cơi nới cho rộng thêm. Trong lúc đơn vị giao khoán, theo dõi đã không cập nhật kịp thời diện tích bị xâm chiếm, cơi nới mới nên vẫn chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng trên diện tích bị mất. Đến năm 2017, Ban phát hiện vụ việc và đã thu hồi khoảng 10 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng từ các hộ dân nhận khoán đối với diện tích không có rừng.
  Đất rừng của Ban QLRPH Ia Grai bị người dân xâm chiếm trồng điều từ nhiều năm nay. Ảnh: Q.T
Đất rừng của Ban QLRPH Ia Grai bị người dân xâm chiếm trồng điều từ nhiều năm nay. Ảnh: Q.T
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh tại Ban QLRPH Ia Grai, từ năm 2009 đến nay, đơn vị này đã thực hiện việc giao khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng không đúng đối tượng với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 387 triệu đồng giao khoán cho UBND xã Ia O và dân quân xã Ia O, Ia Chía không đúng đối tượng. Đồng thời, những người được giao khoán không biết, không thực hiện công việc theo hợp đồng giao khoán, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, theo kết luận của Thanh tra tỉnh, tổng diện tích được đầu tư giao cho Ban QLRPH Ia Grai để trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng từ năm 2001 đến 2017 là 717 ha (trồng rừng phòng hộ 572,7 ha, trồng chăm sóc làm giàu rừng 144,3 ha). Tổng kinh phí đầu tư được cấp cho đơn vị là hơn 17 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua kiểm tra, số cây trồng còn sống chỉ có giá trị khoảng hơn 4,5 tỷ đồng, đạt 26,65%. Theo đó, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban đã thiếu trách nhiệm, không bảo toàn vốn để phát triển rừng bền vững, không theo dõi, thống kê, báo cáo diễn biến rừng hàng năm theo quy định, để mất rừng, cháy rừng gây thiệt hại, lãng phí tài sản của Nhà nước tương ứng với số tiền gần 12,5 tỷ đồng…
Lập khống chứng từ để chiếm đoạt tiền ngân sách
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh, Ban QLRPH Ia Grai cũng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để đưa họ ký một số chứng từ hoặc giả mạo chữ ký trên một số phiếu chi thanh toán chi phí trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng. Hầu hết những người được đơn vị này nhờ ký phiếu chi đều không biết rõ nội dung phiếu chi và bản thân họ không hề nhận bất cứ số tiền nào ngoài “tiền công ký”. Trong khi đó, danh sách nhận tiền chi tiết kèm theo phiếu chi người dân không biết và hầu hết chữ ký trong danh sách này là do 1 người ký. Cụ thể, ông Siu Nghét (làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai) xác nhận với đoàn thanh tra rằng, ông không nhận công việc làm nhóm trưởng của nhóm trồng rừng năm 2010 với diện tích 30,1 ha và cũng không nhận số tiền hơn 729 triệu trong 5 phiếu chi của Ban QLRPH Ia Grai mà ông đã ký. Ông khẳng định, các chữ ký trên phiếu chi, hồ sơ là do viên chức của Ban nhờ ông ký hộ để làm thủ tục thanh toán...
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh tại Ban QLRPH Ia Grai, từ năm 2009 đến nay, đơn vị này đã thực hiện việc giao khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng không đúng đối tượng với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng.
Theo kết luận của Thanh tra tỉnh tại Ban QLRPH Ia Grai, từ năm 2009 đến nay, đơn vị này đã thực hiện việc giao khoán trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ rừng trồng không đúng đối tượng với số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. 
Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã tìm đến nhà ông Siu Nghét. Tại đây, ông Nghét cũng xác nhận, ông vừa mới làm việc với đoàn thanh tra và khá bức xúc khi biết Ban QLRPH Ia Grai lợi dụng chữ ký của mình để trục lợi. “Vào năm 2011, mình được trưởng thôn gọi sang nhà 2 lần để ký một số hồ sơ cho lâm trường (Ban QLRPH Ia Grai-P.V). Mình không biết là hồ sơ gì nhưng nhiều lắm, do trưởng thôn nói ký nên mình ký thôi. Mỗi lần ký, trưởng thôn đưa cho mình 100 ngàn đồng. Khi đó, mình làm công an viên kiêm phó trưởng thôn chứ không làm gì liên quan đến rừng, cũng không nhận khoán rừng gì cả”-ông Nghét khẳng định. Cũng theo ông Nghét, ông không hề nhận làm đường ranh cản lửa cho Ban QLRPH Ia Grai vào năm 2010. Ông chỉ là người ký vào các thủ tục thanh toán với số tiền hơn 99 triệu đồng mà đơn vị này nhờ.
Bên cạnh đó, một số danh sách ghi địa chỉ người nhận khoán tại xã Ia O, Ia Chía được Chủ tịch UBND xã xác nhận nhưng theo giải trình của Ban QLRPH Ia Grai thì thực chất không phải người ở địa phương. Trong kết luận thanh tra nêu rõ, ông Ksor Khiếu (nguyên Chủ tịch UBND xã Ia O) thừa nhận, ông không biết những người trong danh sách có phải là dân tại chỗ hay không nhưng do Ban nhờ nên ông ký xác nhận. Trước những việc làm mập mờ trên, Thanh tra tỉnh kết luận, Ban QLRPH Ia Grai có dấu hiệu hợp thức hóa chứng từ, lập khống chứng từ để chiếm đoạt tiền ngân sách.
Còn tại Ban QLRPH Đak Đoa, Thanh tra tỉnh cũng vừa hoàn tất kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định về phòng-chống tham nhũng trong giai đoạn 2013-2017. Theo đó, đơn vị này đã quản lý, sử dụng nguồn kinh phí được cấp trái quy định pháp luật. Thanh tra tỉnh đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách số tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Cụ thể, trong quá trình thực hiện chi các hạng mục công trình lâm sinh bằng kinh phí được cấp từ Quỹ Dịch vụ Môi trường rừng, Ban đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số để lập chứng từ kế toán thiếu trung thực nhằm hợp thức hóa hồ sơ, chứng từ, sử dụng nguồn kinh phí không đúng với nội dung, mục đích đã thanh toán với số tiền hơn 2,6 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện đào hào chống xâm lấn vào các năm 2013 và 2014, Ban QLRPH Đak Đoa cũng đã tổ chức nghiệm thu, thanh toán vượt khối lượng cho đơn vị thi công hơn 190 triệu đồng. Ngoài ra, Ban cũng thực hiện chi một số nội dung không đúng quy định về chế độ, tiêu chuẩn định mức, sai nguyên tắc quản lý tài chính với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng… Từ các sai phạm trên, Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xử lý trách nhiệm đối với 7 cá nhân, gồm: ông Hoàng Thi Thơ-nguyên Trưởng ban Quản lý giai đoạn 2013-2016; ông Văn Hải Hội-nguyên Trưởng ban Quản lý giai đoạn 2016-2018; ông Mai Hồng Chương-Phó Trưởng ban Quản lý; ông Phạm Đức Linh-kế toán trưởng; bà Phạm Thị Mỹ Diệu, Phan Thị Hồng Phượng-nhân viên kỹ thuật; bà Trương Thị Hồng Lan-thủ quỹ.
Trong khi đó, tại Ban QLRPH Bắc Biển Hồ, Thanh tra tỉnh cũng đã có kết luận thanh tra nêu rõ đơn vị này đã để lấn chiếm, mất quyền sử dụng với diện tích hơn 2.400 ha và thiệt hại 278 ha rừng trồng. Trong đó, nhiều cán bộ là lãnh đạo, viên chức, nguyên lãnh đạo, nguyên viên chức của Ban đã lấn chiếm, sử dụng hàng chục héc ta đất rừng thuộc sự quản lý. Ngoài ra, từ năm 2012 đến năm 2016, Ban đã vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, đã để ngoài sổ sách và không chứng minh được việc sử dụng hợp pháp, có dấu hiệu vụ lợi số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Những sai phạm tại đơn vị này đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để tiếp tục điều tra, xử lý.
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm