Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đại tướng Lê Đức Anh - Chân dung một người lính

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày 30-4 và 1-5-1975, tại sở chỉ huy đặt ở phía Nam huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, khi nghe các nơi báo cáo “Xong rồi”, một cảm giác nhẹ nhõm, rồi sau đó là mệt rã rời chợt ập đến với người chỉ huy. Tối hôm ấy, khi được mời lên họp, ông nói: Giờ cho tôi ngủ chút đã, mệt quá. Rồi ngủ một giấc yên lành tới tận 9 giờ sáng hôm sau.

Đại Tướng Lê Đức Anh và phu nhân


Ông chính là Sáu Nam - Lê Đức Anh, người sau này trở thành Đại tướng, Chủ tịch nước. Ông giải thích: “Trên đời này, ai vừa trải qua những thử thách nghiệt ngã, những ngày tháng căng thẳng, thì hẳn sẽ hiểu và cảm thông cho giấc ngủ ngon lành, không gì cưỡng nổi của những người lính chúng tôi ngay khi vừa kết thúc cuộc chiến tranh”. Ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam sắp đến, nhiều người lại nhớ đến ông với những câu chuyện vừa bình dị, vừa kỳ vĩ lớn lao. Những câu chuyện như vẽ nên chân dung người lính Cụ Hồ suốt đời một lòng vì dân, vì nước.

Bản lĩnh Tư lệnh chiến trường

Lịch sử Việt Nam thế kỷ 20 ghi nhận liên tiếp những cuộc chiến tranh khốc liệt để giành và giữ lấy độc lập, tự do cho dân tộc. Cũng như bao người Việt sinh ra và lớn lên ở làng quê đầu thế kỷ XX, ông Sáu Nam cảm được cái khổ đau mất mát của thân phận người nô lệ, đã sớm tham gia cách mạng khi còn rất trẻ (năm 1937, khi ông 17 tuổi). Bước đường đấu tranh đưa ông dần trở thành người chỉ huy, nắm giữ những vị trí quan trọng trong quân đội và Nhà nước sau này.

Là một vị tướng, bản lĩnh của ông thể hiện rõ ràng nhất ở những phút giây, tình thế cần sự quyết đoán của người chỉ huy trực tiếp. Như thời điểm sau Hiệp định Paris 1973, cấp trên chỉ đạo nhiều lần rằng phải lấy đấu tranh chính trị làm cơ sở, đấu tranh vũ trang làm hậu thuẫn. Nhưng giữa chiến trường, ông hiểu được nếu làm như vậy thì mất đất, mất dân, bởi Mỹ - Thiệu phá hoại Hiệp định Paris. Nên ông vẫn quyết định giữ tinh thần tiến công, giữ vững vùng giải phóng. Nghe có người đề nghị đưa mình ra tòa án binh vì “xé” hiệp định, làm trái ý cấp trên, ông Sáu đáp: “Tôi phải đánh đã, nếu thua thì tôi ra tòa luôn một thể”.

Thực tiễn cách mạng miền Nam đã chứng minh ông đúng. Chẳng những không bị “ra tòa”, mà tháng 4-1974, Chủ tịch nước còn ký quyết định thăng quân hàm cho ông từ Đại tá lên Trung tướng!

Năm 1979, quân ta cùng lực lượng vũ trang yêu nước và nhân dân Campuchia giải phóng nước bạn khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Khi ấy, trước vấn đề đặt ra là có bàn giao ngay cho bạn không, ông Sáu Nam đã thể hiện rõ quan điểm: Khi nào bạn đảm đương được thì giao. Ông phân tích, nếu rút về ngay thì Pol Pot sẽ quay lại thực hiện mưu đồ của nước ngoài tiếp tục đánh ta quyết liệt hơn. Khi ấy ta cứ be bờ phòng thủ cũng không chắc giữ được biên giới. Giải phóng rồi, giúp bạn mạnh lên thì mới giữ vững được. Khi ấy ta về, không phải đương đầu dai dẳng với địch nữa... Thực tế lịch sử lại một lần nữa chứng minh tầm nhìn chiến lược, vượt thời gian của ông Sáu Nam khi ấy.

“Bạo liệt và thuần khiết”

Năm 2019, khi ông Sáu Nam về với thế giới người hiền ở tuổi 99, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã chia sẻ: Thời chiến tranh, đất nước này đã có những vị tướng trận như Lê Đức Anh để chiến đấu và chiến thắng. Trong hòa bình, chúng ta càng cần những vị tư lệnh lỗi lạc trên tất cả các mặt trận - những người có khí chất minh triết, gan góc, bạo liệt và thuần khiết như vậy, để tiến nhanh, tiến mạnh về phía trước.

“Bạo liệt và thuần khiết”, có lẽ là hai từ khiến hậu sinh hình dung được rất nhiều về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông Sáu Nam. Là vị tướng trận, luôn giữ thế tiến công, nhưng ông chưa khi nào là một người hiếu chiến. Năm 1976, ở Trà Vinh xảy ra bạo loạn. Bí thư Tỉnh ủy sốt ruột đề nghị ông Lê Đức Anh, Tư lệnh Quân khu 9 lúc đó, đưa lực lượng xuống dẹp loạn. Ông nói: “Không được. Thậm chí nếu để mất chính quyền một huyện tôi cũng không đưa. Bạo loạn cũng tại các anh. Các anh phải tìm hiểu và thấy rõ những lệch lạc mà sửa, chủ động xử lý, chứ đưa quân đội xuống là to chuyện!”. Rồi mọi việc cũng yên.

 


Và một góc nhỏ nào đâu thể thiếu: gia đình. Kết lại đời mình, ông Sáu Nam rút ra một điều: Cơ sở quan trọng để tôi dành tâm sức, trí tuệ cho sự nghiệp cách mạng là hậu phương gia đình ổn định; quê hương, dòng họ tổ tiên là gốc rễ; công lao cha mẹ sinh thành, anh em ruột thịt hòa thuận. Đó là niềm tự hào, chắp cánh cho mọi quyết tâm, hoài bão trong đời…

Thời kỳ ở Campuchia, ông cùng lãnh đạo, chỉ huy quân tình nguyện Việt Nam đã quán triệt chủ trương bộ đội ta phải lấy lòng nhân mà vận động, thuyết phục người hướng thiện, xóa bỏ hận thù. Quân ta động viên từng gia đình vào rừng kêu gọi, vận động con, em, chồng, cha của họ trở về với gia đình lo làm ăn, xây dựng cuộc sống mới. Để sau này nhìn lại, người dân Campuchia mới thương mến gọi quân tình nguyện Việt Nam là “đội quân nhà Phật”. Như ông Sáu Nam nói, một đất nước từ lâu đời vẫn lấy đạo Phật làm quốc đạo mà người dân dành cho chúng ta câu nói đó, thật đáng quý vô cùng.

Những năm 1986-1987, khi làm Tổng Tham mưu trưởng, rồi sau đó là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ông Sáu Nam đi thăm từng nơi và nhận ra, cần phải giảm mạnh quân số của quân đội, bố trí lại cho hiệu quả. Một đất nước vừa trải qua mấy chục năm chiến tranh, đặt ra vấn đề này sao tránh khỏi những ý kiến trái chiều. Nhưng đâu có gì ngăn được ông, khi ông biết rằng đó là một chủ trương đúng. Cuối cùng, ta giảm 60% quân thường trực và giảm tỷ lệ ngân sách chi cho quốc phòng từ 25% xuống còn 15-18%. Người ở lại được tăng lương, giải quyết nhà ở. Người về được giải quyết việc làm, khi đích thân ông đi “nhờ” các bộ ngành ưu tiên cho bộ đội xuất ngũ được đi xuất khẩu lao động, lấy vốn làm ăn. Giải quyết như thế là trọn nghĩa vẹn tình với những người đã cầm súng bảo vệ đất nước những năm dài chiến tranh.

Để chống các thế lực phản động chống phá, ông chủ trương củng cố lại Đảng và chăm lo đời sống người dân. Bước ra từ cuộc chiến, có lẽ ông Sáu Nam hiểu được cái quý giá của hòa bình và máu xương dân tộc ta đã đổ. Với vai trò là Chủ tịch nước, ông đã ký công bố Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, Pháp lệnh ưu đãi người có công… Để rồi, ngày 29-12-1994, lần đầu tiên trong lịch sử, hàng trăm bà mẹ Việt Nam anh hùng tuổi ngoài 70, rớm lệ khi cùng Chủ tịch nước duyệt hàng quân danh dự dưới nắng Ba Đình.

 

Theo MAI HOA (SGGPO)

Có thể bạn quan tâm