Phóng sự - Ký sự

Đăk Bla tìm ước mơ xanh từ phía mặt trời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người ta có thể nói đi nói lại về vẻ thơ mộng của dòng Đăk Bla nhưng nếu dòng sông biết nói có lẽ nó sẽ thốt lên: “Hỡi các bạn, tôi bỏng rát vì những cánh rừng nuôi nước cho tôi đã bị đốt cháy tan tành”.
 
Sông Đăk Bla tại huyện Kon Rẫy, Kon Tum mùa khô hạn.
Sông Đăk Bla tại huyện Kon Rẫy, Kon Tum mùa khô hạn.
Rừng cháy, lỗi bởi Đam San
Tôi muốn từ bỏ thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) sau bữa cơm trưa, khi lần đầu tiên tôi đến đây và ít nhiều đã thỏa mãn được qua cầu treo Kon Klor, rồi “check in” như bao du khách khác. Không chỉ tranh thủ lượn dọc bờ sông bên kia về qua cầu bê-tông bắc ngang dòng sông Đăk Bla, tôi còn dừng lại nhiều lần xem xét cuộc sống bên bờ sông này.
Dòng Đăk Bla không thơ mộng. Ai đó đã từng viết nó thơ mộng hẳn hơi đặt điều, bởi bờ sông quá cao, dòng chảy hun hút phía dưới, nước không trong. Suốt dọc đôi bờ khó mà tìm kiếm được một mảng rừng xanh nguyên vẹn. Bạt ngàn đất trống đồi núi trọc phô diễn sự tàn phá của con người, càng nhìn càng buốt mắt.
Như đọc được tâm tư, người bạn rủ tôi đi về phía thượng nguồn. Bạn còn cắt nghĩa, lỗi là do chàng Đam San cầu hôn Nữ thần mặt trời. Nữ thần mặt trời trong trường ca Đam San cực kỳ nóng bỏng, nàng đi đến đâu rừng cháy đến đó. Tây Nguyên hết rừng là lỗi của Đam San, lỗi của tình cảm nhất thời thiếu hẳn lý trí đi cầu hôn với thần cháy, nên mất rừng. Tôi phì cười, đúng là đường xa cần có bạn kiên nhẫn, thích đọc sách và dẫn giải để động viên người đồng hành.
Ngược dòng Đăk Bla về phía huyện Kon Plông như đi trên cung đường khát bóng cây xanh, thỉnh thoảng bên đường bắt gặp một cây cổ thụ, cành lá nghiêng về dòng Đăk Bla, đơn côi như minh chứng quần thể rừng xanh đã bị triệt phá. Cây kia, tôi không biết tên loài cây nhưng tôi tự thầm thì với chính mình, chỉ còn mỗi một mình mày còn sống và rất nhiều bạn của mày đã đổ gục, chết cháy.
Thị trấn Đăk Rve (Kon Rẫy, Kon Tum) nằm bên một nhánh của thượng nguồn Đăk Bla. Nhánh này đổ vào dòng chính Đăk Bla tại xã Tân Lập cùng huyện. Nếu ngược dòng chính Đăk Bla đến địa phận xã Kon Keng (Kon Rẫy, Kon Tum), dòng Đăk Bla lại có hai nhánh nữa. Một nhánh bắt nguồn từ xã Măng Buk (Kon Plông), nhánh khác bắt nguồn từ xã Đăk Pxi (Đăk Hà, Kon Tum).
Chúng tôi đi theo hướng này vì muốn vượt dãy Trường Sơn để về duyên hải.
Thị trấn Đăk Rve như một mảnh “văng” của đồng bằng, duyên hải, chỉ có cái tên Đăk Rve và dòng Đăk Bla là của Tây Nguyên thôi. “Hạ trại” bên bờ sông, nghỉ ngơi chút đỉnh, bạn tôi tháo giày, khỏa hai bàn chân trần vào dòng nước, tay chống về phía sau, mắt nhắm nghiền, miệng nói: “Đam San chàng hỡi! Đem cho tôi một chàng trai Tây Nguyên. Tôi muốn có một người lội sông. Tôi muốn có một người trèo núi. Tôi mát da, mát thịt. Tôi muốn có một người đi cùng tôi nhưng đừng phải lòng nữ thần mặt trời...”. Chúng tôi như hai kẻ điên, cùng cười.
Dòng Đăk Bla như một tấm thân trần, “cơ thể” lộ ra những vết nám, sẹo dọc theo dòng chảy. Nhìn ngược lên những ngọn núi trên kia, gần thị trấn thôi, đó là ngọn núi cao mà sao núi này núi kia cháy trơ cháy rụi. Lại liên tưởng đến đám trai tạp lêu lổng cạo đầu, xăm trổ đòi nợ thuê. Biết đến khi nào, biết đến bao giờ, rừng nơi đó sẽ được phục hồi. Cảm xúc của tôi, nhìn những cánh rừng bị phạt trụi như một vết bỏng trên thân mình, phải cấy da vào đó xóa nó đi hay cứ để vết sẹo to phình theo mãi.
“Hỡi Đam San, chàng hỡi! Rừng mất hết sạch rồi, núi khỏa thân. Chàng về đây, đưa giống cây rừng về đây để trồng lại những cánh rừng”, chúng tôi lại cười, nước dưới sông vẫn chảy.
 
Chiều trên dòng Đăk Bla đoạn chảy qua TP Kon Tum. Ảnh: K.MINH
Chiều trên dòng Đăk Bla đoạn chảy qua TP Kon Tum. Ảnh: K.MINH
Đi về phía mặt trời
Chúng tôi bỏ thị trấn Đăk Rve, bỏ luôn cả đường quốc lộ 24 mà băng qua cây cầu thép về điểm trường Phổ thông trung học bán trú Kon Tuk. Ở đây có một lòng hồ thủy điện rộng mênh mông. Tiếp tục đi con đường ven hồ băng qua cây cầu thép Đăk Pne và đến cây cầu treo Đăk Pui, ngắm sườn nào cũng là sườn đất trống, đồi núi trọc.
Đến xã Đăk Pne, vào tiệm của anh thợ chữa xe máy quê Thái Bình. Tên tiệm Thanh Tùng đi đâu cũng hay gặp, toàn bán vật liệu xây dựng, chữa xe máy, hớt tóc, nhà nghỉ, hàng cơm. Anh Tùng trố mắt khi biết chúng tôi là hai đứa con gái đi “phượt”. Anh xem xét xe máy, chạy thử, không lấy tiền công, rồi khuyên chúng tôi quay về thị trấn trước khi còn sớm.
Đếm không biết bao nhiêu cây cầu sắt, cầu treo bắc qua dòng Đăk Bla, càng đi về phía đông, đường càng vắng người. Dãy Trường Sơn chia duyên hải và Tây Nguyên thành hai vùng khác nhau rõ rệt, những giọt mưa phía tây Trường Sơn lại có nhiều nhọc nhằn lặn lội trôi chảy mãi mới ra được biển khơi. Chúng tôi là đôi bạn thân, cùng chí hướng đi phượt nhưng đây lại là thời điểm bất đồng nhất trong nhiều lần bất đồng.
“Tao mệt lắm rồi”, tôi nói, bạn tôi đáp lại: “Tao là người máy hử”. Ngồi sau, tôi vươn đầu nói vào tai bạn, “nhưng mày không yêu ai nên mày khỏe. Còn tao, tao nghĩ, giờ này nó đang ngồi trà sữa với con nào, nên tao mệt”.
Bạn tôi phanh khựng xe lại không thèm đá chân chống, bước vào trong cầu thang của nhà dân ngồi. Báo hại tôi lụi hụi dựng lại xe, đi qua chỗ bạn và đi vào trong bếp. Nghe có tiếng động khẽ trong bếp phát ra, tôi nghĩ, không là Đam San thì hẳn là H’Nhi hoặc H’Bhi đang nấu cơm, đợi chàng. Kiếp trước, họ lừng lẫy yêu đương, kiếp này họ chăm chỉ làm nương rẫy. Ối a, tôi nhầm, chỉ là một cụ bà. Cụ không biết nói tiếng Kinh, tôi chào, tôi hỏi chỉ thấy cụ nhìn, đến khi tôi giơ hai bàn tay hướng vào bếp lửa, cụ gật đầu. Vậy là tôi được cụ đồng ý và nghĩ, người dù ở đâu, tuổi tác ra sao vẫn cần tìm một hơi ấm.
Bà cụ nói với tôi điều gì đó và chỉ tay về phía “con điên” đang ngồi ngoài cầu thang, còn tôi tự nói một mình, “nó không chết đâu, cụ ạ”. Rồi nhìn vào bếp, lại nghĩ không biết đây là người Ba Na, Ê Đê hay Xơ Đăng... tôi và cụ cùng một đất nước mà không thể trò chuyện cùng nhau, lại ước ao có bộ sách dạy tiếng đồng bào thiểu số, theo đó tôi sẽ mua, cầm theo trong những chuyến đi phượt của mình.
Thẳng lưng một cái để ngó nghiêng làng bản, ngành công nghiệp xi-măng lên tận từng buôn xa xôi theo con đường bê-tông, ngành công nghiệp plastic đến từng cái bếp của nhà dân với rổ, rá, xô, chậu là nhựa. Ngoài kia, rừng mất rồi, trong nhà người dân từ những vật dụng nhỏ được làm từ những bàn tay khéo léo cũng đang mất theo rừng.
Lọc cọc cụ đứng dậy lấy bắp luộc bên cái nồi để cạnh bếp vẫn còn ấm nóng cho chúng tôi ăn. Miếng ăn cũng là miếng làm hòa, chúng tôi tạm biệt cụ để về thị trấn.
Đêm, hai đứa tôi ngủ lại thị trấn Đăk Rve - tôi chưa từng chán cái thị trấn nào bằng cái thị trấn này. Buổi sáng qua đây, tôi cũng đã lược mắt quan sát, chiều quay lại đây, nó cũng đủ đầy hình ảnh đập vào mắt tôi. Ngoài trụ sở hành chính công kênh thì nhà dân đa phần công kênh, bàn ghế trong nhà phô ra nguyên tấm nguyên khối cũng công kênh... nhưng tất cả giống như sự ở tạm bởi không vườn cây ăn quả, không hàng cây xanh lấy bóng mát. Tư tưởng khai hoang, như ông ngoại của tôi từng nói, số đông đều tính toán nhất thời, tạm bợ, kiếm vốn, phô trương.
Đêm, thị trấn bên bờ sông cũng đối xứng, lập lòe. Một vài cảm xúc khác chen lẫn trong đầu với một câu hỏi đặt ra bao giờ tôi mới hết mê đi phượt? Bao giờ tôi trở thành một bà già ngồi bên bếp lửa ngày qua ngày? Tôi sẽ không làm vậy. Tôi mơ ước mua được một chiếc ô-tô, đựng tất cả đồ đạc lên đó và đi... Đi đâu? Đi tìm chàng Đam San ở phía mặt trời!
Theo KAO LINH (NDĐT)
 

Có thể bạn quan tâm