Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Đak Đoa huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, trong nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã đạt được nhiều thành tựu trên mọi phương diện, đặc biệt là kinh tế-xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để Đak Đoa hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện trong nhiệm kỳ 2020-2025.
 


Những bước chuyển mình

Trong 5 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy Đak Đoa, có 29/30 chỉ tiêu đạt và vượt so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI. Ông Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy-cho biết: “Nhiệm kỳ 2015-2020, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn chuyển biến rõ nét; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; các thành phần kinh tế có xu hướng phát triển, nhất là kinh tế tư nhân và kinh tế hợp tác xã. Hạ tầng kinh tế-xã hội tiếp tục được hoàn thiện. Văn hóa-xã hội đạt nhiều kết quả. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ, huyện đã thu hút được nhiều nguồn lực xã hội hóa để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) và giảm nghèo bền vững. Bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên”.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn (giữa) trao đổi với các đại biểu tại phiên Đại hội trù bị. Ảnh: Đức Thụy

 
Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 11,5%/năm, bằng 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVI. Tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) đạt 8.100 tỷ đồng. Tỷ trọng ngành nông-lâm-thủy sản đạt 40,3%; công nghiệp-xây dựng đạt 24,4% (tăng 1,95% so với năm 2015); thương mại-dịch vụ đạt 35,3% (tăng 7,94% so với năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 43,4 triệu đồng, tăng gấp 1,45 lần so với năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 10.072 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2015. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 62,32 tỷ đồng, tăng 172,3% so với năm 2015.

Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền huyện Đak Đoa đã lãnh đạo, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 220 trang trại, thu hút 789 lao động làm việc thường xuyên. Huyện đã triển khai 9 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; 6 dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; 24 mô hình sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; thành lập mới 10 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông-lâm-thủy sản.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã tạo bước chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp. Hiện có 6 sản phẩm được tỉnh phân hạng, trong đó có 3 sản phẩm 4 sao gồm: tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí và tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, thịt bò khô Huy Vũ; 3 sản phẩm 3 sao gồm: tiêu đen hữu cơ Lệ Chí; tiêu đỏ sấy bằng công nghệ hồng ngoại; khoai lang Lệ Cần đóng túi lưới.

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ 2015-2020, công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư và quảng bá du lịch đã tạo được dấu ấn nổi bật. Huyện đã tổ chức thành công “Ngày hội cỏ hồng và phiên chợ hàng nông sản huyện Đak Đoa” lần thứ 3, thu hút hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, mua sắm. Khu di tích lịch sử Anh hùng Wừu được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Đây là công trình chào mừng đại hội Đảng các cấp và chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng bộ huyện Đak Đoa (20/10/1950-20/10/2020).

Huyện cũng lập kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng tại các làng thuộc xã Hà Đông, làng nghề truyền thống tại xã Glar và Ia Pết. Đây là những điểm đến được đưa vào kế hoạch phát triển du lịch của UBND tỉnh. Ngoài ra, huyện Đak Đoa đã quy hoạch và kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch sinh thái trên địa bàn.

Chương trình xây dựng NTM đã trở thành phong trào hành động rộng khắp. Theo Bí thư Huyện ủy Nguyễn Hữu Thọ: Chương trình đã tạo ra các công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh; đa dạng các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn, nhiều mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao; văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ; an ninh chính trị, trật tự xã hội ổn định; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn, vai trò chủ thể của người dân ngày càng thể hiện rõ nét hơn.

Giai đoạn 2016-2020, huyện đã huy động hơn 1.126 tỷ đồng xây dựng NTM. Cuối năm 2019, toàn huyện có 7 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 43,75%; có 3 làng được công nhận đạt chuẩn NTM trong đồng bào dân tộc thiểu số gồm: Ia Mút (xã Hà Bầu), Đak Joh (xã Đak Krong) và Bông Hiot (xã Hải Yang).

Việc huy động xã hội hóa trong đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả. Hạ tầng giao thông được nâng cấp, mở rộng, trên 200 km đường giao thông nông thôn, 11 km đường giao thông nội đồng được làm mới; sửa chữa và xây dựng mới 13 công trình thủy lợi, 10 cầu dân sinh với tổng kinh phí 50,6 tỷ đồng. 17/17 xã, thị trấn có trụ sở làm việc đạt chuẩn; 26/55 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Công tác chỉnh trang đô thị được chú trọng, tạo đà xây dựng thị trấn Đak Đoa theo hướng đô thị văn minh.

Tận dụng nguồn lực để phát triển

 

Các đại biểu tham dự phiên trù bị Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đak Đoa nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Đức Thụy

3 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025:

- Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với triển khai quyết liệt chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, phấn đấu xây dựng thị trấn Đak Đoa theo tiêu chí đô thị loại IV.

- Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu quả; trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã kỷ cương, liêm chính, trung thực, trách nhiệm, hành động, sáng tạo.

- Tập trung chỉ đạo và đề ra các giải pháp giữ vững ổn định quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội trong giai đoạn mới, tạo môi trường ổn định thu hút đầu tư, phát triển kinh tế-xã hội.



Huyện Đak Đoa có rất nhiều tiềm năng, thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là các ngành nông-lâm-thủy sản, công nghiệp, thương mại-dịch vụ, du lịch. Cùng với việc kế thừa những thành quả đã đạt được và những kinh nghiệm thực tiễn, Đảng bộ huyện Đak Đoa xác định phương hướng phát triển trong nhiệm kỳ tới là: tiếp tục chú trọng nâng cao năng lực và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá trong thu hút đầu tư; chuyển giao khoa học-công nghệ, ứng dụng những tiến bộ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, phát triển tài sản sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm có thế mạnh, mang tính đặc trưng của huyện; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài huyện để khai thác tiềm năng, lợi thế của huyện vào thực hiện nhiệm vụ trung tâm là phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện thắng lợi 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; phát huy tinh thần quyết tâm, quyết liệt đẩy mạnh đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của huyện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện; tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân trước những yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương trong giai đoạn phát triển mới.

Một góc thị trấn Đak Đoa hôm nay. Ảnh: Đức Thụy


Để làm được điều đó, Đak Đoa sẽ tập trung khai thác mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời xác định rõ giải pháp đột phá trong thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, nhằm thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực. Đẩy mạnh sự nghiệp văn hóa; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chủ động nắm chắc tình hình, giữ vững quốc phòng-an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của cả hệ thống chính trị, xây dựng Đảng bộ huyện thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, thực hiện tốt chức năng là hạt nhân lãnh đạo toàn diện.

 

Ông Chriêng-Bí thư Đảng ủy xã Đak Sơ Mei: Tôi mong là Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ mới sẽ có nhiều quyết sách đúng đắn, kịp thời hơn nữa, đặc biệt trong công tác hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho đồng bào ở vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, năm vừa qua, huyện Đak Đoa đã quan tâm đầu tư xây dựng Nhà lưu niệm Anh hùng Wừu trên địa bàn xã. Đây là niềm vui, niềm vinh dự đối với nhân dân Đak Sơ Mei. Chúng tôi mong rằng sau này nơi đây sẽ được đầu tư bài bản hơn, trở thành “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống của huyện nhà.

 

 

Ông Jaoh-Bí thư Chi bộ làng Ngol (thị trấn Đak Đoa): Chi bộ làng Ngol hiện có 12 đảng viên. Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp lãnh đạo huyện mà cuộc sống bà con có nhiều khởi sắc. Tôi mong rằng, thời gian tới có nhiều chương trình hỗ trợ hơn nữa để giúp đỡ các gia đình nghèo, khó khăn trong làng, giúp bà con tiếp cận với các nguồn vốn chính sách, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống.


 PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm