Ông Vũ Đức Phổ (thôn 3, thị trấn Đak Đoa) cho biết: Đầu tháng 2-2023, ông mua 55 con heo giống với trọng lượng trung bình 20 kg/con từ huyện Chư Sê về nuôi. Khi mua, người bán cam kết đã tiêm phòng các loại vắc xin cho heo và 21 ngày sau mới lấy số tiền còn lại. Những ngày đầu, đàn heo vẫn ăn uống, phát triển bình thường. Nhưng từ ngày 11 đến 13-2, đàn heo có biểu hiện bị bệnh và chết dần lên đến 18 con. Gia đình đã đào hố tiêu hủy số heo chết này. Số heo còn lại, gia đình tiếp tục theo dõi điều trị nhưng không khả quan. Vì vậy, ông Phổ đã báo chính quyền địa phương và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện.
Nhân viên thú y Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Ngay sau khi nhận được tin báo, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng V xét nghiệm. Kết quả, mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút dịch tả heo châu Phi. Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: “Ngay sau khi có kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp cùng UBND thị trấn Đak Đoa tiêu hủy 37 con heo còn lại của gia đình ông Phổ với tổng trọng lượng 814 kg; đồng thời, tổ chức tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi khu vực xung quanh. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi hàng ngày nhằm ngăn chặn kịp thời, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng”.
Để ngăn chặn dịch tả heo châu Phi, ngày 17-2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh có công văn đề nghị Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa tập trung tiêu hủy số heo mắc bệnh, trường hợp thiếu hóa chất khử trùng thì đề xuất UBND huyện đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT xuất cấp kịp thời phục vụ phòng-chống dịch. Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các địa phương khác tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn gia súc, nhất là dịch tả heo châu Phi để phát hiện, ngăn chặn kịp thời, không để lây lan rộng. Đặc biệt, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tuyệt đối không mua con giống không rõ nguồn gốc mà mua ở những cơ sở tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng; tăng cường công tác kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc nhằm ngăn chặn dịch tả heo châu Phi lây lan trên diện rộng, giảm thiệt hại cho người chăn nuôi.
Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học sẽ hạn chế được dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Diệp |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Dũng-Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Đoa-cho biết: Ngay khi đàn heo của gia đình ông Phổ có kết quả dương tính với dịch tả heo châu Phi, UBND huyện đã có công văn chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn khẩn trương triển khai các biện pháp phòng-chống dịch. Trong đó, tập trung cảnh báo dịch tả heo châu Phi; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn người dân chăm sóc đàn vật nuôi; chủ động xuất hóa chất hỗ trợ các xã, thị trấn triển khai bao vây, khống chế ổ dịch, tuyệt đối không để lây lan trên diện rộng và chuẩn bị sẵn các phương án nếu dịch tả heo châu Phi lây lan rộng… Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi heo đến từng hộ dân, khi phát hiện hoặc nghi ngờ dịch bệnh cần báo về cơ quan chuyên môn để xử lý. Đặc biệt, các xã, thị trấn hướng dẫn người dân không mua bán, vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, mua bán gia súc không rõ nguồn gốc.