Đak Đoa ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng đất trái phép

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã triển khai thực hiện có hiệu quả việc ngăn chặn chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật trên địa bàn.
Hỗ trợ phát triển sản xuất
Huyện Đak Đoa có gần 57% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Từ năm 2016 đến nay, UBND huyện chỉ đạo ngành chức năng cùng các xã, thị trấn tăng cường quản lý nhà nước về đất đai và kế hoạch sử dụng đất, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong lĩnh vực đất đai; tổ chức đo đạc, đăng ký kê khai, lập hồ sơ và cấp 1.832 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích hơn 1.437 ha.
Bên cạnh đó, ngành chức năng và các xã, thị trấn triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất cho đồng bào DTTS sinh sống tại vùng khó khăn; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao, hướng dẫn kỹ thuật, phổ biến các mô hình sản xuất hiệu quả cho trên 1.700 lượt người dân; hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề chăn nuôi cho 119 hộ thiếu đất sản xuất.
Huyện Đak Đoa phát triển mô hình chăn nuôi nhốt trong vùng DTTS. Ảnh: Thanh Nhật
Đồng bào DTTS ở huyện Đak Đoa phát triển chăn nuôi bò để nâng cao thu nhập. Ảnh: Thanh Nhật
Ông Y Djit-Chủ tịch Hội Nông dân huyện-thông tin: “Đến nay, toàn huyện đã vận động thành lập nông hội với khoảng 130 hội viên. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các tổ chức tín dụng hỗ trợ các thủ tục cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Cùng với triển khai phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hơn 5.750 lượt nông dân; cấp hơn 200 con bò sinh sản, tín chấp hơn 2.550 tấn phân bón trả chậm cho hội viên, nông dân, phối hợp với các ngành tại địa phương hỗ trợ cây giống cho hội viên tái canh hơn 1.000 ha cà phê”.
Nhờ các chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, nhiều hộ nghèo và cận nghèo ở Đak Đoa có cơ hội vươn lên ổn định cuộc sống. Ông Uin (làng Thung, xã Hnol) phấn khởi cho hay: “Trước đây, gia đình mình làm không đủ ăn, cuộc sống khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Được cán bộ Hội Nông dân xã hướng dẫn sản xuất theo cách lấy ngắn nuôi dài, đến nay, gia đình có 2 ha cà phê và chăn nuôi thêm bò, heo, gà... Nhờ vậy, đời sống ngày càng ổn định, gia đình đã thoát nghèo”.
Vận động giữ đất để sản xuất
Theo ông Đinh Ơng-Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Đoa: “Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức để đội ngũ già làng, người có uy tín tại các làng đồng bào DTTS tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đất đai đối với đời sống; vận động bà con tích cực lao động, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đẩy mạnh triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Nhờ đó, tình trạng chuyển nhượng, cho thuê đất sản xuất ở vùng DTTS được ngăn chặn”.
Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, các xã trên địa bàn huyện đã có nhiều giải pháp, cách làm sáng tạo. Ông Y Pren-Bí thư Đảng ủy xã Hà Bầu-cho hay: “Xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hình thành một số mô hình liên kết sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gần đây, xã tập trung chuẩn bị các điều kiện để thành lập Nông hội sản xuất kinh doanh lúa gạo đặc trưng xã Hà Bầu nhằm liên kết sản xuất lúa gạo giống địa phương, chia sẻ thông tin thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.
Tuyên truyền vận động người dân làng Ia Mút (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) giữ gìn quỹ đất hiện có để sản xuất ổn định lâu dài. Ảnh: Thanh Nhật
Tuyên truyền, vận động người dân làng Ia Mút (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) giữ gìn quỹ đất hiện có để sản xuất ổn định lâu dài. Ảnh: Thanh Nhật
Ông Ngô Thanh Tùng-Chủ tịch UBND xã Kdang-chia sẻ: “Chính quyền và MTTQ, các đoàn thể xã vào cuộc kịp thời để tuyên truyền, vận động người dân không chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất. Kết quả, có 720 hộ của 6 làng đồng bào DTTS đã ký cam kết không cho thuê và sang nhượng đất trái pháp luật”.
Theo ông Y Đức Thành-Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Đoa: “Qua thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa XVI), nhận thức của đồng bào DTTS được nâng lên, tình trạng chuyển nhượng và cho thuê đất sản xuất trái pháp luật đã giảm đáng kể, góp phần thiết thực vào công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn hơn 4,5%. Toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 4 làng đạt chuẩn nông thôn mới trong đồng bào DTTS theo Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy”.
THANH NHẬT

Có thể bạn quan tâm