Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Đak Pơ: Bệnh viện quá tải vì sốt xuất huyết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ đến sớm hơn so với chu kỳ các năm, bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đang diễn biến phức tạp, mức độ lây lan nhanh trên diện rộng.

Hơn 20 ca nhập viện mỗi ngày

Một ngày cuối tháng 7, Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ tiếp nhận bệnh nhân Lê Viết Nhật Tùng (17 tuổi, ở thôn An Cư, xã Cư An, huyện Đak Pơ) nhập viện do nghi sốt xuất huyết. “Cháu sốt cao từ khoảng 2 giờ sáng, toàn thân đau nhức, mệt mỏi. Gia đình cho cháu uống thuốc hạ sốt nhưng sau vài giờ, cháu có dấu hiệu sốt cao trở lại. Biết hàng xóm vừa có người bị sốt xuất huyết nên gia đình lập tức đưa cháu đến cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ”-bà Đoàn Thị Hồng Ngọc, cô ruột của bênh nhân Nhật Tùng kể lại.

 

Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ.    Ảnh: L.H
Điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ. Ảnh: L.H

Dù trải qua 5 ngày điều trị nhưng Nhật Tùng vẫn sốt cao 39-40 độ. Bác sĩ khẳng định, bệnh nhân đã qua giai đoạn nguy hiểm nên gia đình cũng yên tâm phần nào. “Khi biết An Cư là vùng có bệnh sốt xuất huyết lưu hành, gia đình tôi đã phát dọn vệ sinh xung quanh nhà, các lu sạp đều được dọn để loại bỏ nơi trú ngụ, sinh sôi của muỗi, lăng quăng… Khi ngủ luôn bỏ màn, nơi ở dọn dẹp sạch sẽ, vậy mà vẫn bị”-bà Ngọc cho biết.

Bệnh nhân Đinh Văn Sung (1 tuổi rưỡi, ở làng Chro Dong, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) cũng được gia đình đưa đi nhập viện điều trị với các dấu hiệu nghi sốt xuất huyết. “Khoảng 1 giờ 30 phút sáng 27-7, tôi thấy cháu sốt cao, quấy khóc dữ dội nên khi trời sáng, tôi đưa cháu đến bệnh viện. Cháu vừa bị sốt xuất huyết, vừa bị viêm ruột nên liên tục sốt cao kèm theo ói mửa. Cũng may nhờ nghe mọi người nói đang có bệnh sốt xuất huyết xảy ra nên đưa lên viện kịp thời, chứ để ở nhà điều trị thì không biết sẽ thế nào vì cháu còn quá bé”-chị Đinh Thị Mơng, mẹ cháu Đinh Văn Sung nói.

Theo ghi nhận của Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ, từ tháng 4-2016 đến nay, toàn huyện đã ghi nhận 249 trường hợp bệnh nhân sốt xuất huyết. Trong đó, 6/8 xã, thị trấn có bệnh nhân mắc, nhiều nhất là thị trấn Đak Pơ (96 trường hợp) rồi đến xã Hà Tam (65 trường hợp), Tân An (48 trường hợp), Cư An (20 trường hợp)… Theo bác sĩ Nguyễn Đức Việt-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ, trong tháng 4-2016, 3 trường hợp đầu tiên bị sốt xuất huyết được ghi nhận tại địa bàn xã Tân An.

Ngay sau khi phát hiện, Ban Y tế Dự phòng huyện Đak Pơ đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng tại các khu vực xung quanh nơi ở của bệnh nhân để khoanh vùng, không cho bệnh sốt xuất huyết lây lan. Đồng thời, báo cáo lãnh đạo huyện, Sở Y tế để có phương án kịp thời phòng-chống dịch bệnh lây lan. “Bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn huyện Đak Pơ năm nay có nhiều diễn biến khó lường. Thứ nhất, bệnh xuất hiện sớm hơn so với chu kỳ nhiều năm. Ngay từ thời điểm tháng 4 đã xuất hiện bệnh, trong khi các năm phải tới tháng 6, tháng 7 mới là thời kỳ xuất hiện bệnh. Thứ hai, bệnh đang có dấu hiệu gia tăng nhanh, mức độ lây lan khó kiểm soát. Cao điểm nhất là từ đầu tháng 7 trở lại đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận trên 20 ca nhập viện điều trị do sốt xuất huyết. Riêng trong ngày 27-7, có tới 80 ca nhập viện”-bác sĩ Việt cho biết.

Điều kiện thời tiết mưa-nắng đan xen là nguyên nhân chính cho loại muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết sinh sôi, phát triển. Trong khi đó, ý thức bảo vệ trước dịch bệnh của người dân có lúc, có nơi còn chưa cao khiến dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát hơn. Đặc biệt, bệnh nhân sốt xuất huyết là người Kinh lại chiếm đa số. “Bà con người dân tộc thiểu số ở nhà sàn, khá thoáng mát. Hơn nữa tập quán đun nấu bằng củi cũng giúp xua đuổi muỗi hiệu quả. Còn ở nhiều gia đình người Kinh, trong nhà đồ đạc chứa nhiều, xung quanh nhà cây cối, mương nước tù đọng… là nơi cho muỗi vằn trú ngụ, sinh sôi”-bác sĩ Việt lý giải.

Bệnh viện quá tải

Khoa Nội-Nhi-Nhiễm của Trung tâm Y tế huyện Đak Pơ hiện có quy mô 27 giường bệnh. Con số này không thể đáp ứng được với mức độ gia tăng nhanh chóng của bệnh nhân nhập viện điều trị do sốt xuất huyết. Bệnh viện đã kê thêm 53 giường để đáp ứng nhu cầu điều trị cho bệnh nhân. Điều trị sốt xuất huyết lại khá lâu dài, thường là 7 ngày, điều này càng làm tăng áp lực giường bệnh, nhân lực phục vụ đối với bệnh viện. Khoa Nội-Nhi-Nhiễm hiện có 2 bác sĩ chuyên khoa I nên để có nhân lực đáp ứng nhu cầu điều trị, bệnh viện đã phải tập trung 5 bác sĩ tại các trạm tuyến xã về phục vụ. Khoa Dược cũng luôn phải chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và dịch truyền, sẵn sàng điều trị khi có bệnh nhân.

Trước tình hình bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, huyện Đak Pơ đã quyết định hỗ trợ 58,6 triệu đồng để mua thêm hóa chất phun diệt muỗi, lăng quăng. Số liệu các ca sốt xuất huyết được cập nhật hàng ngày. “Ngành Y tế huyện đề nghị chính quyền các địa phương cùng vào cuộc, tuyên truyền tới tận nhà dân về bệnh sốt xuất huyết để kêu gọi mọi người cùng chung tay có trách nhiệm phòng-chống dịch bệnh. Cán bộ y tế dự phòng đều phải xuống cơ sở nắm tình hình. Nơi nào xuất hiện bệnh sốt xuất huyết phải nhanh chóng xử lý kịp thời, khống chế không cho bệnh lây lan. Đặc biệt, tại các địa bàn trọng điểm như: thị trấn Đak Pơ và các xã: Cư An, Hà Tam, Yang Bắc… cán bộ y tế dự phòng phải thường xuyên theo dõi sát sao diễn biến bệnh. Mục tiêu cao nhất là không để xảy ra trường hợp biến chứng, bệnh nhân tử vong do sốt xuất huyết”-bác sĩ Việt cho biết.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm