Đak Pơ Pho nâng cao chất lượng công tác hòa giải

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, công tác hòa giải ở xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) luôn được chú trọng, đội ngũ hòa giải viên được quan tâm, nâng cao về số lượng và chất lượng. Nhờ đó, đã giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc, xích mích nhỏ từ cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương.
Xã Đak Pơ Pho có 491 hộ, 2.372 khẩu. Hiện cả 4 thôn, làng trong xã đều có tổ hòa giải với “biên chế” 4-5 thành viên/tổ, gồm: Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Ban Công tác Mặt trận, già làng và người có uy tín. Ông Đinh Kuin-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Kúc Gmối là người có nhiều năm làm công tác hòa giải. Ông cho biết: Làng có 112 hộ, 603 khẩu, 100% là người dân tộc Bahnar. Trước đây, làng có nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến tranh chấp đất, mâu thuẫn trong hôn nhân và gia đình, gây rối trật tự. Nhờ nắm rõ tình hình của người dân trong làng nên nhiều vụ việc xích mích, mâu thuẫn của bà con đã được chúng tôi hòa giải thành công, giúp giữ gìn tình làng nghĩa xóm.
Đơn cử như vụ việc bất hòa giữa vợ chồng anh Đinh Nốt và chị Đinh Thị Mlo (làng Kúc Gmối). Vì ghen tuông nên 2 người thường xuyên cãi cọ, to tiếng với nhau. Vừa rồi, khi có men rượu, anh Đinh Nốt bực tức chuyện cũ nên đã lấy dao chém vào tay vợ, gây bị thương nhẹ, rồi bỏ nhà đi. Nắm thông tin, tổ hòa giải đã đến nhà động viên, giải thích rõ đúng-sai để hai vợ chồng thông cảm.
“Chúng tôi vận dụng luật pháp và hương ước, quy ước của làng, luật tục của người Bahnar để phân tích, giải thích cặn kẽ cho vợ chồng họ. Thấy hợp tình, hợp lý, anh Đinh Nốt và vợ đã nhận lỗi của mình. Từ đó, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng được hóa giải, sống vui vẻ, hòa thuận”-ông Kuin chia sẻ.
Cán bộ Tư pháp xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: R'Ô Hok
Cán bộ Tư pháp xã Đak Pơ Pho (huyện Kông Chro) tuyên truyền pháp luật cho người dân. Ảnh: R'Ô Hok
Tương tự, vụ tranh chấp đất giữa gia đình bà Đinh Thị Đươn và gia đình ông Hà Ngọc Thành (cùng trú tại thôn 3) cũng được hòa giải thành công. Trước đây, bà Đươn cho ông Thành thuê 1,8 ha đất để sản xuất trong thời gian 5 năm. Vì làm ăn thua lỗ, mặc dù đã hết thời hạn thuê đất nhưng ông Thành vẫn canh tác trên thửa đất đó mà không trả lại, dẫn đến hai bên xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Nắm được tình hình, Hội đồng hòa giải xã đã tiếp nhận vụ việc. Sau khi gặp gỡ, phân tích đúng-sai, ông Thành đã nhận lỗi, tiếp tục thuê đất của bà Đươn và trả tiền theo thỏa thuận.
Ông Nguyễn Hoài Nam-công chức Tư pháp-Hộ tịch xã Đak Pơ Pho-cho biết: Đây là xã vùng III, người dân chủ yếu làm nương rẫy, đời sống còn khó khăn, nhận thức về pháp luật chưa cao nên nhiều vụ việc dù rất nhỏ nhưng nếu không giải quyết kịp thời dễ dẫn đến vi phạm pháp luật.
“Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải, hàng tuần, thông qua các buổi họp dân, tổ hòa giải ở các thôn, làng thường xuyên mời cán bộ tư pháp xã, huyện về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Đồng thời, phát tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật lồng ghép với nhiều hoạt động cụ thể để đội ngũ hòa giải viên và người dân nắm rõ các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước”-ông Nam cho hay.
Bên cạnh đó, hàng năm Phòng Tư pháp huyện Kông Chro cũng tổ chức các buổi tập huấn, hội thi hòa giải viên giỏi nhằm nâng cao kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên trong các thôn, làng trên địa bàn. Nhờ thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải từ cơ sở nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn xã Đak Pơ Pho không xảy ra các tranh chấp dân sự, tình hình an ninh trật tự ổn định.
R’Ô HOK

Có thể bạn quan tâm