Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Đak Pơ tổ chức Hội thảo khoa học Di tích bia đá Chăm Tư Lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 25-3, UBND huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức Hội thảo khoa học Di tích bia đá Chăm Tư Lương.

Tham dự có ông Trần Ngọc Nhung-Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; lãnh đạo Bảo tàng tỉnh, các nhà nghiên cứu khoa học; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đak Pơ; đại diện lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành của huyện và UBND xã Tân An.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Ngọc Minh


Theo báo cáo, bia đá Chăm Tư Lương nằm giữa cánh đồng thuộc thôn Tư Lương (xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai). Theo các nhân chứng hiện sống tại thôn Tư Lương, khoảng sau năm 1960, trong khi phát cây làm rẫy, một số người dân địa phương đã phát hiện ra hòn đá có tạc chữ này. Không biết đó là gì, nhưng đoán những ký hiệu ngoằn ngoèo trên đá là chữ nên họ gọi nó là “đá chữ”. Do đá chữ nằm giữa bụi cây gai rậm rạp nên thường chỉ vào những tháng mùa khô, người ta mới có thể đến gần, đụng chạm vào nó. Đá chữ là cách nói nôm na nhưng phản ánh sự thật theo lối nhìn trực quan dân dã: hòn đá có chữ…

Bia Chăm Tư Lương là một tảng đá granit tự nhiên, cao khoảng 2,20 m, trước khi nền nhà che bia được đổ bê tông, láng xi măng vào năm 2018. Vì lý do này, độ cao của bia đá hiện chỉ còn đo được 1,62 m, tính từ nền nhà đến vị trí cao nhất của hiện vật. Nhìn thoáng qua, bia gần giống một hình tam giác với các “cạnh” không đều nhau. Chỗ nhỏ nhất của bia (đỉnh bia) đo được khoảng 0,2 m. Trong khi đó, chỗ rộng nhất của mặt bia (đáy bia) có kích thước lên đến 1,65 m. Mặt A có 8 dòng chữ Chăm cổ được khắc chìm, trong diện tích khoảng 0,9 m x 1,40 m; mặt B, trong diện tích khoảng 0,2m x 0,9m cũng khắc chìm 3 dòng chữ cùng loại.

Những dòng chữ ở bia Chăm Tư Lương được dập qua giấy bản và bảo quản trong tủ kính. Ảnh: Ngọc Minh


Đầu năm 2018, được UBND tỉnh Gia Lai cho phép, thông qua Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, sự hỗ trợ của Văn phòng EFEO tại Hà Nội, huyện Đak Pơ đã mời Giáo sư, Tiến sĩ. Arlo Griffiths-chuyên gia về bia ký Champa từ EFEO và một đồng nghiệp của ông là bà Khom Sreymom (Bảo tàng Quốc gia Campuchia) đến làm việc tại thôn Tư Lương. Kết quả, sau thời gian nghiên cứu, đối chiếu tỉ mỉ, Giáo sư, Tiến sĩ. Arlo Griffiths đã chuyển bản dịch tiếng Anh cho địa phương.

Trên cơ sở bản dịch Anh ngữ, Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) chuyển sang tiếng Việt. Theo các nhà khoa học, bia Chăm Tư Lương vốn thuộc Vương quốc Champa trong quá khứ. Hiện vật là một minh chứng về sự xuất hiện của đế chế này trên Cao nguyên và mối quan hệ với quốc gia Đại Việt, ít nhất đến cuối thế kỷ XV.

Tại buổi hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, tham gia ý kiến về tên gọi, thể loại di tích, vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của di tích…


 

Bia Chăm Tư Lương nằm giữa cánh đồng (thôn Tư Lương, xã Tân An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai). Ảnh: Ngọc Minh


Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung đánh giá cao sự quan tâm của địa phương, nhất là việc phối hợp với cơ quan chuyên môn để lập hồ sơ di tích. “Nhưng huyện cần cố gắng hoàn thiện hồ sơ nộp trong tháng 4 này; tăng cường biện pháp giữ gìn di tích; làm đường đi vào di tích; gắn kết các di tích văn hóa đình, miếu, thắng cảnh với bia Chăm Tư Lương để phát huy giá trị, đồng thời gắn kết với các huyện, thị xã khu vực phía Đông tỉnh để phát triển du lịch”-ông Nhung đề nghị.

Thông qua hội thảo, huyện Đak Pơ sẽ điều chỉnh, bổ sung thông tin để hoàn chỉnh hồ sơ khoa học đề nghị UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Đồng thời, nâng cao ý thức người dân trong việc gìn giữ, tự hào có di tích ở địa phương.

Trước đó, các đại biểu đã đến tham quan Di tích bia đá Chăm Tư Lương tại thôn Tư Lương (xã Tân An).

 

NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm